Lợi dụng kinh nghiệm nhiều năm làm nhân viên kinh doanh tân dược, vợ chồng Trần Đăng Trường (35 tuổi) và Nguyễn Thị Diễm Huyền (34 tuổi, ngụ phường An Phú Đông, quận 12, TP Hồ Chí Minh) đã thành lập Công ty TNHH XNK Ngân Sơn Thịnh (Công ty Ngân Sơn Thịnh) để sản xuất tân dược giả bán ra thị trường.
Mục lục
Qua đó, vợ chồng Trường tìm mua các loại thuốc tân dược rẻ tiền rồi “hô biến” thành các loại tân dược đặc trị, đem bán tại một số trung tâm dược phẩm lớn trên địa bàn TP.HCM để thu lợi bất chính.
Công đoạn in bao bì
Thủ đoạn mà vợ chồng Trường đặt in bao bì, vỏ hộp, giấy hướng dẫn sử dụng, tem nhãn phụ của các loại tân dược cũng rất tinh vi.
Khi đến Công ty TNHH T.V (quận 7, TP Hồ Chí Minh; chuyên in ấn) để in ấn và được hỏi in để làm gì, Trường trả lời đây là bao bì thực phẩm chức năng do Trường nhận gia công lại, công ty T.V in giống như mẫu của Trường đưa là được. Mặt khác, để tránh bị Công ty T.V hỏi các giấy tờ liên quan đến sản phẩm, mỗi lần in, Trường chỉ đặt 2-3 loại bao bì với số lượng1.500-3.000 hộp.
Vợ chồng Trường, Huyền và tân dược giả bị bắt giữ
Khi đến công đoạn làm vỉ các loại tân dược, Trường đặt mua giấy nhôm tại một số cơ sở in, sau đó cắt nhỏ thành từng mảnh khổ 21cm x 23cm, rồi đưa mẫu cắt thuê người in kéo lụa và in thời hạn sử dụng. Sau đó, Trường đặt mua 1 máy ép nhiệt, máy đóng date, máy ép vỉ và 4 khuôn ép để làm phương tiện sản xuất tân dược giả.
Quá trình “hô biến” tân dược giả
Đến phần ruột tân dược, vợ chồng Trường đến Trung tâm dược phẩm quận 10 tìm mua các loại tân dược rẻ tiền để làm thành các loại tân dược đặc trị, đắt tiền.
“Điều chế” thuốc điều trị bao tử
Các loại tân dược xuất xứ Ấn Độ nhãn hiệu Pantoprazol (30 viên/hộp) với giá 20.000đ/hộp, Clarithromycin (10 viên/hộp) giá 40.000đ/hộp, Tinidazol (100 viên/hộp), Esoprazol (10 viên.hộp) giá 40.000đ/hộp được đem dùng để sản xuất giả các loại thuốc tân dược đặc trị bao tử như Pavacid, Apvad, Sotamic, Laploy.
Do thuốc đặc trị bao tử các nhãn hiệu trên (thuốc thật) mỗi vỉ có 6 viên nên Trường đã bỏ vào mỗi vỉ 2 viên Pantoprazol, 2 viên Clarithromycin và 2 viên Tinidazol rồi để lên máy ép vỉ ép.
Công đoạn cuối cùng, các vỉ thuốc được bỏ vào hộp bao bì, kèm hướng dẫn sử dụng. Chi phí để sản xuất 1 hộp thuốc giả là 100.000 đồng, vợ chồng Trường bán ra 120.000 – 150.000 đồng/hộp.
Quy trình điều chế thuốc rởm từ các loại thuốc bán trên thị trường rồi trộn lẫn vào nhau
“Điều chế” thuốc Selbako, Baraclude
Tương tự cách làm giả tân dược như trên, vợ chồng Trường mua tân dược giá rẻ xuất xứ Ấn Độ hiệu Fimabute 100mg (10 viên/hộp) giá 16-20.000đ/hộp, Fimabute 200mg (10 viên/hộp) giá 38-45.000đ/hộp, Markem 100mg (10 viên/hộp) giá 40-45.000đ/hộp, đem “phù phép” thành thuốc Selbako 100mg và 200mg, bán ra với giá cao hơn nhiều, 80.000đ/hộp và 110.000đ/hộp.
Đặc biệt, với các loại tân dược có giá khá cao như Baraclude, vợ chồng Trường đã tìm mua hai loại tân dược rẻ tiền là Lamivudin (30 viên/hộp) giá 360-400.000đ/hộp và Entercavir (30 viên/hộp) giá 860-920đ/hộp.
Sau đó, Trường sử dụng hai loại tân dược này cà nhuyễn trộn lại, thêm một ít bột kết dính (bột tacl), bột làm bóng viên (magie-striat) và bột mì và đưa vào máy dập để tạo ra viên tân dược Baraclude, bán với giá 2 triệu đồng/hộp.
Các loại thuốc giả nói trên, vợ chồng Trường bán chủ yếu tại một số cửa hàng ở Trung tâm dược phẩm quận 10 và Trung tâm dược Codupha với giá rẻ hơn giá thị trường.
Ngoài ra, vợ chồng Trường còn sản xuất 3 loại tân dược giả khác hiệu Curam 625mg (hộp 5 vỉ x 4 viên), Levotab 500mg (hộp 1 vỉ x10 viên) và Ranbaxy-zenodem (hộp 1 vỉ x 6 viên) nhưng chưa đưa ra thị trường tiêu thụ.
Quá trình phát hiện, bắt giữ
Phát hiện
Sự việc được phanh phui vào tháng 3/2014 do tổ công tác thuộc Phòng CSĐTTP về TTQLKT&CV, Công an TP Hồ Chí Minh (PC46) phát hiện khi Trường cầm một gói nilon màu đen đi vào bên trong khu vực kinh doanh buôn bán dược phẩm của Trung tâm Codupha (Quận 10 TPHCM).
Qua kiểm tra, bên trong gói ni lon có 60 hộp tân dược nhãn hiệu R-Tist không có hóa đơn chứng từ. Khám xét khẩn cấp xe ôtô do Trường sử dụng, lực lượng kiểm tra còn phát hiện có một số tân dược bên ngoài ghi hiệu R-Tist và Selbako. Ngoài ra, còn 2 khẩu súng ngắn, 3 hộp tiếp đạn, 5 viên đạn thật và 1 hộp đạn bi nhựa và bi chì.
Theo khai nhận của Trường, tất cả số tân dược bị phát hiện là tân dược giả do vợ chồng Trường sản xuất. Trước tình hình trên, Cơ quan điều tra thi hành lệnh khám xét khẩn cấp tại Chi nhánh Công ty Ngân Sơn Thịnh (phường Đông Hưng Thuận, quận 12, TP Hồ Chí Minh) do Nguyễn Thị Diễm Huyền làm Giám đốc, Trần Đăng Trường làm Phó Giám đốc, thu giữ số lượng lớn bao bì, giấy nhôm, nguyên liệu… (theo lời khai của Trường là dùng để sản xuất các loại tân dược giả).
Khám xét, bắt giữ
Tiến hành khám xét khẩn cấp tại trụ sở chính Công ty Ngân Sơn Thịnh (phường An Phú Đông, quận 12), cơ quan điều tra tiếp tục thu giữ số lượng lớn bao bì, giấy nhôm, hướng dẫn sử dụng in nhãn hiệu các loại tân dược nghi liên quan đến sản xuất tân dược giả và 1 khẩu súng ngắn bắn đạn bi nhựa.
Như vậy, từ khi đưa vào sản xuất (tháng 6/2013) đến khi bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ tháng 3/2014, Trường và Huyền đã sản xuất 650 hộp thuốc giả, thu lợi bất chính số tiền chiếm đến 60% giá bán thuốc (giả) và gây ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng triệu người dân TPHCM.
Xử lý
Ngày 23/3/2015, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đề nghị truy tố Trần Đăng Trường và Nguyễn Thị Diễm Huyền tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh”.
Trước tình hình sản xuất tân dược giả ngày càng gia tăng, người dân kiến nghị các cơ quan chức năng cần xét xử nghiêm minh để làm gương cho những kẻ vì lợi nhuận mà coi thường tính mạng của người khác.