Dân gian quen gọi xuất huyết dưới kết mạc là chảy máu mắt hay chảy máu ở lòng trắng không phải là hiếm gặp tại các phòng khám chuyên khoa mắt. Người bệnh và có khi là cả gia đình của họ nữa đều lo lắng không hiểu tại sao lại mắt lại bị xuất huyết, thị lực có bị ảnh hưởng hay không, điều trị như thế nào để vệt máu đỏ gớm ghiếc đó biến đi… Tất cả những băn khoăn lo lắng đó sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Mục lục
Thế nào là xuất huyết dưới kết mạc?
Kết mạc là một màng mỏng, trong suốt và ẩm ướt che phủ lên phần lòng trắng của nhãn cầu (phần củng mạc) và bên trong của mi mắt. Như vậy kết mạc chính là lớp màng ngoài cùng bao bọc nhãn cầu. Nó chứa nhiều sợi thần kinh và các mạch máu nhỏ. Bình thường rất khó quan sát các mạch máu này vì chúng rất nhỏ. Chỉ khi có viêm nhiễm khiến các mạch máu giãn nở ra người ta mới quan sát được chúng. Các mạch máu đôi khi bị vỡ do cấu trúc rất thanh mảnh, gây ra hiện tượng xuất huyết dưới kết mạc.
Vùng xuất huyết là đám có màu đỏ rực hoặc đỏ nâu trên nền củng mạc màu trắng sứ. Khác với vết thương ngoài da, máu ở kết mạc khi chảy ra khỏi lòng mạch không tạo dòng hay nhỏ giọt ra ngoài không khí. Máu của xuất huyết dưới kết mạc len vào khoảng không giữa kết mạc và củng mạc tạo một vệt như vết dầu loang hoặc đội vồng kết mạc lên. Lượng máu mất đi gần như không đáng kể, tối đa khoảng 2 ml. Quá trình tiêu máu tự nhiên sẽ làm vùng xuất huyết thu gọn và thay đổi màu sắc. Vết đỏ rực sẽ đổi sang màu xanh, sau đó là vàng và biến mất trong 2 tuần.
Xuất huyết thường không có triệu chứng báo trước nào, không đau đớn hay khó chịu. Có người chỉ thấy hơi vướng cộm hoặc nhói khẽ ở mắt bên xuất huyết, còn lại phần lớn bệnh nhân đi khám do phát hiện thấy mắt đỏ khi soi gương hay do người khác mách bảo.
Nguyên nhân
– Chấn thương mắt
– Chấn thương vùng đầu mặt
– Các bệnh lý rối loạn đông máu bẩm sinh hay mắc phải
– Tai biến sau lặn sâu, lặn biển đi kèm với quá trình giảm áp hay tăng áp đột ngột của đường thở
– Ho hay hắt hơi quá mạnh
– Bệnh tăng huyết áp
– Sau phẫu thuật LASIK có dùng dụng cụ cố định mắt bằng áp lực âm
– Viêm kết mạc do Enterovirus 70 và Coxsackie A
– Nhiễm Leptospira (một loại xoắn khuẩn)
– Tăng áp lực hệ thống tĩnh mạch vùng đầu mặt trong đó có mắt: nôn, ho, hắt hơi, xì mũi, gắng sức do mang vác, rặn đẻ.
– Thiếu vitamin C, thiếu yếu tố đông máu XIII, thiếu vitamin K
– Đang dùng các thuốc chông đông máu cho các bệnh tim mạch như Aspirine, Wafarine
Trong nghiên cứu của các bác sĩ Mỹ trên 104 bệnh nhân xuất huyết dưới kết mạc người ta thấy nguy cơ của bệnh tăng lên rõ rệt nếu đi kèm tình trạng lỏng lẻo kết mạc. Tình trạng lão hóa hay nếp kết mạc bị thừa nhiều ở vùng cùng đồ làm mạch máu kết mạc dễ vỡ, gây xuất huyết. Các thống kê cũng cho thấy xuất huyết hay gặp ở phía mũi nhất, sau đó là vùng giữa mi rồi đến thái dương. Xuất huyết dưới kết mạc nếu do lỏng lẻo kết mạc thường đi kèm với viêm giác mạc chấm nông.
Bệnh có nguy hiểm hay không, nên điều trị như thế nào?
Xuất huyết dưới kết mạc thường là lành tính, tự khỏi mà không cần điều trị gì trừ khi đi kèm với viêm nhiễm hay chấn thương. Bạn nên gặp các bác sĩ nội khoa để dừng, giảm liều, hay chuyển đổi các thuốc chống đông đang sử dụng. Một số người dùng nước mắt nhân tạo, ngày nhỏ 6 lần, để cho dễ chịu chứ không phải để tan máu nhanh. Nếu bạn phát hiện được rất sớm xuất huyết của mình thì không nên day dụi, có thể chườm đá, băng ép mắt để vết xuất huyết khỏi lan rộng, rút ngắn được thời gian điều trị. Thông thường sau khỏang 10 ngày đến 14 ngày xuất huyết sẽ tan. Rất có thể xuất huyết sẽ quay lại cũng ở vị trí cũ nếu điều kiện thuận lợi được lập lại.
Khi nào bạn nên đi khám bác sĩ Mắt?
Nếu xuất huyết không biến mất sau 2 tuần hay xuất huyết có xu hướng lan rộng hơn thì bạn nên thu xếp thời gian để khám mắt. Xuất huyết ở cả 2 mắt kèm với xuất huyết ở cơ quan khác như chảy máu chân răng, chảy máu mũi…cũng là điều đáng lo ngại, phải đi khám sớm.
Khám mắt cấp cứu khi có xuất huyết dưới kết mạc kèm theo với một trong các biểu hiện sau:
– Đau nhức
– Nhìn mờ, nhìn đôi, khó nhìn
– Có tiền sử cao huyết áp
– Có tiền sử các bệnh gây xuất huyết
– Kèm theo chấn thương vùng đầu mặt
Nguyễn Thị Ngọc Lương đã bình luận
Chào bác sĩ ạ.Bé nhà cháu được 2 tháng 4 ngày.hôm nay cháu phát hiện trong lòng trắng mắt của bé có một đốm màu đỏ giống như đốm máu.vùng quanh mắt k có biểu hiện gì bất thường ,bé vẫn ăn ngủ bình thường.Bác sĩ cho cháu hỏi bé như vậy là bị sao và có nguy hiểm không ạ ? Cháu cảm ơn bác sĩ ạ !
Trần Bích đã bình luận
Chào bạn
Các xuất hiện dưới kết mạc thường xuyên xảy ra và thường không gây nguy hiểm, Những điểm xuất huyết thường biến mất sau vài ngày hoặc vài tuần tùy mật độ. Bạn theo dõi sức khỏe của con và xem vết xuất huyết có biến mất không nhé.
Không tự ý nhỏ bất cứ loại thuốc hay phương pháp dân gian nào cho con nếu không có chỉ định của bác sĩ, không nghe kinh nghiệm truyền miệng của các mẹ bỉm sữa.
Nếu mắt bé có triệu chứng gì bất thường nên đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa mắt để được kiểm tra
Chúc bạn và bé mạnh khỏe.
Kiểu vy đã bình luận
Bác sĩ ơi , chồng em bị đấm vào mắt , máu đỏ đọng lại xung quanh viền trắng của mắt không đau gì thì có nguy hiển không ạ
Trần Bích đã bình luận
Chào bạn
Tình trạng của chồng bạn do xuất huyết mao mạch, sau 1-2 hôm sẽ tan máu và khỏi em nhé.
Chúc gia đình em mạnh khỏe.
Nguyễn Lương đã bình luận
Bác sỹ ơi cho em hỏi ạ. Bé nhà em đang học lớp 9 hôm qua thấy cháu nói ở mắt bị đỏ em xem thì giống như 1 cục máu đỏ ở lòng trắng , phía dưới lòng đen , hnay xem thấy nó mờ đi 1 ít nhưng nó lại lan rộng ả . Mắt cháu em bị làm sao vậy ak? Xin bác sỹ cho em 1 lời khuyên ạ. Cảm ơn bác sỹ ạ
Admin đã bình luận
Chào bạn,
Bạn cho bé tới ngay cơ sở chuyên khoa mắt để kiểm tra, không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt mua tại các tiệm thuốc.