Chế độ ăn cho bệnh nhân đái tháo đường
Mục lục
– Từ năm 1994, Hiệp Hội tiết chế Hoa kỳ (ADA), dựa trên những dữ liệu mới nhất của khoa học Dinh dưỡng đã quy định protein nên trong khoảng 10 -20% tổng số năng lượng, số còn lại 80 -90% phân bổ cho chất bột đường và chất béo, tuỳ thuộc vào từng cá nhân.
– Việc xây dựng chế độ ăn phải tuỳ từng cá nhân để phù hợp từng người và không có mẫu thực đơn riêng bệnh tiểu đường với những lý do sau: mỗi người đều có thể trạng khác nhau, kinh tế sinh hoạt khác nhau, và tình trạng bệnh lý không giống nhau. Ngoài ra còn tuổi tác, khẩu vị, thói quen tập quán ăn uống từng địa phương khác nhau.
– Khuyến cáo mới của các nhà chuyên môn thì chế độ ăn bệnh tiểu đường cũng giống như những người bình thường, nhưng cần chú ý chặt chẽ như sau để tránh biến chứng.
– Đánh giá tình trạng dinh dưỡng: cân nặng, phân bố mỡ cơ thể (vòng eo, vòng mông), chỉ số BMI đưa về tối ưu là 22. Cụ thể nếu thừa hoặc thiếu cân đều phải đưa về cân nặng lý tưởng theo công thức BMI x chiều cao 2
Ví dụ bệnh nhân cao 1.60, cân nặng hiện có 64kg, cân nặng lý tưởng của bệnh nhân = 1.60 2 x 22 = 2.56 x22 = 56,3kg.
– Xây dựng thực đơn tổng số calo/ngày theo cân nặng lý tưởng (CNLT= 56kg). Tổng số calo của bệnh nhân sẽ phụ thuộc vào tình trạng lao động, sinh hoạt, kinh tế, phong tục tập quán ăn uống của bệnh nhân.
– Tổng số calo được tính theo / ngày là = (CNLT) 56,3 kg x 20 -25 kcalo/ ngày
(bệnh nhân có thừa cân, béo phì, lao động nhẹ)
E = (CNLT) x 26 -30 kcalo/ ngày (bệnh nhân lao động vừa phải, thể trạng trung bình)
E = (CNLT) x 30 -35 kcalo / ngày (bệnh nhân lao động nặng, thể trạng gầy, thiếu dinh dưỡng).
– Phân bố các chất đạm và chất béo, chất bột đường dựa vào cân nặng lý tưởng và theo chỉ định của Bác sĩ dinh dưỡng, phụ thuộc tình trạng bệnh lý của bệnh nhân, các xét nghiệm đường máu, mỡ máu hiện tại.
– Chọn thực phẩm tối ưu đối với chế độ ăn ĐTĐ.
– Cách ăn, phương pháp nấu các món ăn và phân bố bữa ăn cho hợp lý như 3 bữa chính và 1 bữa phụ.
– Tăng vận động và hoạt động thể lực.
– Theo dõi đường huyết để đánh giá cách kiểm soát đường huyết.
– Nếu đường huyết sau ăn cao thì nên chia nhỏ các bữa ăn thành 5 – 6 bữa.
Một số điều cần biết khi chọn thực phẩm
* Chất bột, đường:
– Gạo (gạo tẻ, gạo nếp, gạo lứt…) ngày ăn khoảng 200gam tương đương với 4 lưng bát cơm.
– Khoai, củ tươi ( khoai lang, khoai sọ, sắn….. ) ngày ăn khoảng từ 200 – 400gam.
– Hạn chế ăn khoai tây, miến rong, bánh mỳ vì các loại này dễ làm tăng nhanh đường huyết (1 ngày mỗi loại chỉ nên ăn 1 lần, tối đa là 2 lần từ 100 -150g).
– Bánh ngọt (không quá 30 gam/ngày). Không sử dụng đường, kẹo, mật ong trừ khi bị hạ đường huyết.
* Các thực phẩm tương đương dùng thay thế:
100g gạo tương đương:
+ 400 gam khoai, củ tươi (khoai tây, khoai lang, khoai sọ, sắn)
+ 130 gam khoai, sắn khô
+ 100 gam bánh phở, bún khô, miến rong, mỳ sợi, ngô hạt khô, bột mỳ
+ 250 gam bún tươi, bánh phở tươi
+ 200 gam ngô tươi
+ 170 gam bánh mỳ.
* Chất béo:
– Dầu thực vật: ăn từ 10-20g/ngày (dầu đậu nành, vừng, dầu oliu)
– Không dùng mỡ, bơ.
– Không dùng óc, lòng, phủ tạng, đồ hộp.
*Chất đạm:
– Các loại thịt, cá: 100-150g/ngày. Chọn thịt nạc, không ăn thịt có mỡ. Thịt gà thì cần bỏ da với trường hợp thừa cân, béo phì.
– Tăng cường ăn các loại đạm thực vật từ các loại đậu như:
+ Đậu phụ: 150-200g/ngày
+ Sữa đậu nành không đường: 200- 400 ml/ngày
– Hạn chế ăn: tôm, trứng (1quả/ 1 tuần)
* Các thực phẩm tương đương dùng thay thế:
100g thịt lợn nạc tương đương:
+ 100g thịt bò nạc
+ 100 g thịt gà nạc bỏ da
+ 100 g cá nạc
+ 150g đậu phụ
+ 100 g tôm
* Các loại rau quả :
– Ăn được tất cả các loại rau 300 – 500g/ngày.
– Quả:
+ Không ăn quả sấy khô
+ Quả ít ngọt như cam, bưởi, các loại da, đào, mận, thanh long, chôm chôm ăn không quá 400g/ngày.
+ Quả nhiều ngọt như: mít, xoài, chuối, na, nho, sầu riêng… ăn không quá 100g/ngày.
+ Chú ý: một ngày ăn không quá 200g quả các loại tính theo đơn vị của loại quả ít ngọt, ăn quả này thì phải bớt quả kia đi. VD: 1 ngày ăn 100g da thì có thể ăn thêm 50g mít. Không nên ăn dồn một lúc mà nên chia làm nhiều lần trong ngày ( 2-3 lần )
*Chú ý
*Các loại thực phẩm nên hạn chế dùng :
– Óc, lòng, phủ tạng (tim, gan, bồ dục… ), trứng, đồ hộp.
– Mỡ, bơ
– Nước dùng thịt, xương hầm.
– Rượu vang 140 -150ml/ngày, rượu nặng 50 ml/ ngày, bia 300 -400ml/ngày, thuốc lá, nước ngọt…
*Hạn chế xào, rán, nướng, quay khi chế biến món ăn
*Ăn nhiều món rau trộn sa lát.
*Chia nhiều bữa trong ngày
*Cần phối hợp tập luyện thể thao (đi bộ, thể dục)
Một số thực đơn tham khảo:
1.Thực đơn chế độ ăn ĐTĐ kèm RLMM (mềm) cho bệnh nhân 50kg. Năng lượng:1500-1600 kcal/ngày Protid: 60-70g
2.Thực đơn chế độ ăn ĐTĐ kèm RL mỡ máu (Cơm) cho bệnh nhân 50kg, Năng lượng:1400-1500 kcal/ngày, Protid: 70-75g
3.Thực đơn chế độ ăn ĐTĐ kèm RL mỡ máu (Cơm) cho bệnh nhân 65 – 70kg, lao động vừa. Năng lượng:1800-1900 kcal/ngày, Protide: 80-85g
Benh.vn (TS. Nguyễn Thị Hà – Viện Dinh dưỡng)