Dinh dưỡng bà bầu trong 3 tháng đầu là rất quan trọng vì đây là giai đoạn ốm nghén nhiều nhất và dễ sảy thai nhất. Vì vậy, chế độ ăn để đảm bảo dinh dưỡng trong thời gian này là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của cả mẹ và thai nhi.
Mục lục
Vậy, cần đảm bảo chế độ ăn trong 3 tháng đầu như thế nào? Benh.vn sẽ cùng độc giả giải đáp những thắc mắc này.
Hiện tượng “ốm nghén” trong 3 tháng đầu
3 tháng đầu thai kỳ thường là giai đoạn khá khó khăn với những phụ nữ lần đầu mang thai vì có thể bị ốm nghén như: bỏ ăn, buồn nôn, nôn mửa, sợ các loại mùi…
Thông thường, thai phụ chỉ chọn những đồ ăn mình thích (hợp miệng) như: mận, khế, ổi, ngô…và ăn vào bất cứ thời điểm nào (tối muộn, nửa đêm) cho dù những loại thực phẩm đó không đảm bảo dinh dưỡng cho cả mẹ và bé. Tuy nhiên, cũng có những bà mẹ không muốn ăn nhưng cũng phải cố ăn để cho bé yêu trong bụng có đầy đủ dưỡng chất.
Lời khuyên cho chị em trong thời gian này là nên kìm nén những sở thích ăn uống nếu những thực phẩm đưa vào cơ thể không tốt cho bé hoặc cho chính mẹ. Vì dinh dưỡng bà bầu trong 3 tháng đầu thai kỳ là cực kỳ quan trọng quyết định cuộc sống của em bé sau này, cả sức khỏe của bà mẹ nữa.
Bỏ ăn, buồn nôn, nôn….là hiện tượng “ốm nghén” trong 3 tháng đầu mang thai
Chế độ ăn trong 3 tháng đầu mang thai
Trong 3 tháng đầu thai kỳ, bà bầu chỉ cần duy trì mức năng lượng bình thường. Các món ăn cần đảm bảo các yếu tố: dinh dưỡng, đạm, khoáng chất, vitamin… Bên cạnh đó, thai phụ cần bổ sung hoa quả, rau xanh và lựa chọn thực phẩm sạch để hệ tiêu hóa được bảo vệ một cách tốt nhất. Có thể bổ sung thêm thuốc bổ (sắt, acid folic, B12) trong thời gian này.
Để tránh hiện tượng nôn, buồn nôn do ốm nghén hãy chia nhỏ khẩu phần ăn trong ngày thành nhiều bữa (từ 5 -6 bữa).
Một chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng của người mẹ khi mang thai sẽ là món quà tốt nhất cho em bé sắp chào đời.
Chia nhỏ khẩu phần ăn thành nhiều bữa để tránh hiện tượng nôn, buồn nôn …
Những dinh dưỡng cần thiết trong 3 tháng đầu mang thai
Trong 3 tháng đầu, thai phụ chỉ cần tăng 1 kg tới 2,3 kg. Đối với những mẹ béo phì không khuyến khích để tăng cân.
3 tháng đầu là giai đoạn cơ thể mẹ sẽ có những biến đổi sinh lý để thích nghi, đồng thời là thời gian quan trọng cho sự phát triển não bộ và hệ thần kinh của bé. Vì vậy dù mẹ kém ăn nhưng cũng phải chú ý tăng thêm lượng chất đạm, nhất là những protein chất lượng cao dễ tiêu hóa, dễ hấp thu.
Chất đạm (protein): bổ sung thêm 10-18g protein mỗi ngày
Chất đạm có nhiều trong: thịt, cá, trứng, sữa, các loại đậu đỗ… giúp phát triển các tế bào mô của thai (bao gồm cả tế bào não), giúp cho tuyến vú và mô tử cung của mẹ phát triển suốt thai kỳ, đồng thời tăng thể tích tuần hoàn của mẹ.
Lượng đạm cần thiết tương đương 50-100 gr thịt cá, 100-180 gr đậu hũ hoặc 1-2 ly sữa mỗi ngày.
Chất sắt: bổ sung ít nhất 15gr sắt mỗi ngày
Chất sắt có nhiều trong: thịt, gan, tim, cật, rau xanh và các loại hạt… Sắt giúp tăng thể tích máu và phòng ngừa thiếu máu.
Nếu thai phụ thiếu máu sẽ làm giảm lực co bóp của tử cung khi chuyển dạ, giảm lượng sắt dự trữ của em bé trong 6 tháng đầu đời. Vì thế thai phụ cần bổ sung thêm ít nhất 15gr sắt mỗi ngày.
Sắt có trong: thịt, gan, tim, cật, rau xanh…giúp tăng thể tích máu phòng ngừa thiếu máu.
Canxi: hình thành hệ xương và răng cho bé
Canxi có nhiều trong sữa, trứng, tôm, cua, cá, rau xanh, đậu đỗ… giúp hoạt động hệ thần kinh và đông máu bình thường cho mẹ, hình thành hệ xương và răng vững chắc cho bé.
Khi cơ thể mẹ thiếu canxi dẫn đến bị vọp bẻ, đau nhức xương, bé có thể bị còi xương ngay trong bụng mẹ.
Acid folic (vitamin B9): Giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho trẻ
Vitamin B9 có trong các loại rau màu xanh thẫm như rau muống, cải xanh, súp lơ xanh, cải bó xôi, ngũ cốc hoặc một số loại hạt như vừng, lạc… Ngoài ra acid folic còn có trong thịt gia cầm và nội tạng động vật như gan, tim…
Acid folic giúp giảm nguy cơ dị tật ống thần kinh cho trẻ, tật nứt đốt sống trong bào thai.
Vitamin D: giúp hấp thu canxi tối ưu
Vitamin D có trong trứng, sữa và ánh nắng mặt trời. Ngay từ trong bào thai, bé cần phát triển hệ xương và hình thành mầm răng sữa, vì vậy ngoài việc bổ sung thực phẩm nhiều canxi, người mẹ phải kết hợp phơi nắng để tăng cường vitamin D giúp hấp thu canxi tối ưu.
Thai phụ cần bổ sung vitamin D bằng cách phơi nắng khoảng 15 phút mỗi ngày (trong khoảng thời gian từ 5 đến 6h sáng). Khi phơi nắng nên để ánh nắng chiếu trực tiếp vào cơ thể, không đeo găng tay, đi tất, phơi nắng sau cửa kính… để cơ thể hấp thu vitamin D một cách tốt nhất.
Bà bầu phơi nắng để bổ sung vitamin D giúp thai nhi phát triển hệ xương và mầm răng
Vitamin C: tạo bánh nhau bền chắc giúp người mẹ tăng cường sức đề kháng
Vitamin C giúp hỗ trợ phát triển xương sụn, cơ và mạch máu cho bào thai, tạo bánh nhau bền chắc. Bên cạnh đó vitamin C cũng là một chất chống oxy hóa giúp người mẹ tăng cường sức đề kháng.
Vitamin C có trong các loại rau xanh, trái cây như: bưởi, cam, quýt…
Lời kết
Theo đánh giá của bác sĩ chuyên khoa, quá trình mang thai là thời gian hạnh phúc nhưng cũng nhiều thử thách đối với người phụ nữ. Trong 3 tháng đầu, do ảnh hưởng của bào thai tác động lên cơ thể người mẹ (nhất là các bà mẹ mang thai lần đầu tiên) gây nên hiện tượng “ốm nghén”: bỏ ăn, buồn nôn, nôn, sợ dầu mỡ, các loại mùi, thích ăn vặt…. gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người mẹ và sự phát triển của thai nhi.
Vì vậy, để hạn chế ốm nghén và đảm bảo sức khỏe trong thời gian này, các thai phụ cần chia nhỏ bữa ăn từ 5 đến 6 bữa một ngày để tránh hiện tượng nôn, buồn nôn… Mặt khác, kìm nén những sở thích ăn uống nếu những thực phẩm đưa vào cơ thể không tốt cho bé hoặc cho chính người mẹ. Đảm bảo thực đơn chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng gồm: chất đạm, chất béo, vitamin, khoáng chất, rau xanh, hoa quả…đặc biệt bổ sung thêm: sắt, acid folic, B12 trong thời gian này.