“Ai làm chủ giáo dục người đó có thể thay đổi thế giới.” – Gottfried Leibni”
Chúng ta ai cũng biết tầm quan trọng của nền giáo dục từ ngàn xưa đến nay, bao gồm giáo dục con người, giáo dục nhân cách và tri thức, điều này ảnh hưởng vô cùng to lớn đến tương lai của không chỉ cá nhân đó mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến tương lai của một đất nước và dân tộc anh ta. Giáo dục không còn là việc của riêng ai mà là công việc của toàn xã hội, từ gia đình, trường học đến những phong tục tập quán ngàn xưa cũng góp phần không nhỏ trong việc tạo nên nhân cách và thói quen của con người.
Giáo dục không chỉ là học tiểu học – trung học – đại học mà còn là những bài học dạy cho trẻ từ thuở lọt lòng. Mỗi quốc gia khác nhau thì có những nét đặc trưng khác nhau trong cách dạy con cái và giáo dục văn hóa cho các thế hệ tiếp nối. Chính điều đó đã tạo nên sự đa dạng và phát triển cho thế giới này. Bạn có bao giờ thắc mắc tại sao có nước thì hùng mạnh nước thì không, tại sao có những con người thích tạo ra cái mới còn những người khác lại chỉ thích ngồi đợi những cái mới ấy? Tại sao có người coi sách như vàng còn những người khác lại coi sách là thứ chỉ để bán đồng nát? Phải chăng tất cả đều bắt nguồn từ những suy nghĩ và nhận thức mà mỗi người đều mang sẵn trong đầu. Và nhận thức đó từ đâu mà có? Phải chăng tất cả từ sự giáo dục, dạy dỗ mà họ nhận được từ khi còn thơ bé và luôn mang theo bên mình cho tới khi chết đi?
Chúng ta biết và đều ngầm thừa nhận rằng hầu hết con người Châu Âu – Mỹ đều tự lập và mạnh mẽ, người Pháp luôn điềm tĩnh chỉn chu, người Nhật thì cực kỳ khuôn phép và người Israel lại tuyệt đối thông minh sáng tạo… Tại sao lại có những sự khác biệt đó?
Hãy nghiên cứu nền giáo dục của họ, cách họ dạy dỗ một đứa trẻ từ khi lọt lòng cho tới khi nhận thức và trưởng thành. Sau đó hãy tự so sánh với nền văn hóa, giáo dục của Việt Nam chúng ta. Tôi tin bạn sẽ nhận ra và học hỏi được nhiều điều thú vị.
Các bố các mẹ hãy cùng tham khảo các cách dạy con trẻ trên thế giới nhé. Bài viết có thể quá dài nhưng hãy kiên nhẫn vì nó không dài bằng những tháng năm ta dạy trẻ đâu.
Dạy trẻ kiểu… Anh
Mẹ Anh đối xử rất tốt với con theo nhiều cách khác nhau. Hầu hết họ không quát con to tiếng mà sử dụng những từ ngữ rất tình cảm và không bao giờ nói những điều tiêu cực về con mình, kể cả bé có hư đến thế nào. Có một mẹ Việt đi dạo đến công viên và nói chuyện với một vài người mẹ Anh cũng đang ở đó. Mẹ Việt kể về con mình với những từ đại loại như: “Nghịch như quỷ, hư lắm, đến giờ cầm thìa còn như cầm kiếm….” Và họ nói với cô rằng: “Có lẽ chị chưa kể về con mình một cách tích cực rồi!” Câu nói vu vơ nhưng làm mẹ Việt vô cùng xấu hổ. Cô chợt nhận ra nói đùa về con mình không làm cho vấn đề trở nên hài hước mà thậm chí biến cô thành một người mẹ tồi. Trong khi mẹ Anh luôn rất chu đáo, lịch sự và tôn trọng con mình. Ở những nơi công cộng, bến tàu điện ngầm, siêu thị, trong nhà hàng… nếu lớn tiếng mắng hay phạt con, bạn sẽ nhận được những ánh mắt như thể đang.. bạo hành bé vậy.
Mẹ Anh không bao giờ cạnh tranh hay dè bỉu nhau chuyện nuôi con. Thậm chí các bà mẹ thường xuyên chia sẻ về những điều vụng về của mình: “Sáng nay hết bánh mì nên cho con ăn khoai tây chiên vậy.” Những chia sẻ như thế thường nhận được rất nhiều đồng cảm của các bà mẹ khác. Tất cả những điều đó cũng chỉ để cho thấy rằng mẹ Anh không quan trọng phải gồng mình thành những bà mẹ hoàn hảo.
Một bà mẹ Việt được mời đến gia đình người Anh dự tiệc Giáng Sinh, buổi tiệc rất đông con nít. Một cô bé mới 20 tháng tuổi tên là Ely, vừa đến là thích thú ngay với con heo bằng bông to đùng, nhấn vào mũi thì phát ra nhạc. Con heo đó thuộc ‘quyền sở hữu’ của một cô bé 10 tuổi khác, cũng là con cháu nhà đấy. Ban đầu, bé lớn sẵn lòng cho bé nhỏ mượn chơi, nhưng sau khoảng 30 phút thì bé lớn đòi lại. Lập tức, bé nhỏ khóc ré lên, lao về phía mẹ mình, chỉ tay về con heo. Mọi người trong nhà đều hiểu con bé muốn gì nhưng không một ai bênh vực bé cả. Mẹ của bé bế bé lên và chỉ cho bé những món đồ chơi khác, đứa bé vẫn khóc la nhưng mẹ bé kiên quyết không chiều theo.
Cuối cùng sau 10 phút, bé cũng quên con heo và bắt đầu chơi những món đồ chơi mới. Mẹ Việt thủ thỉ: “Ely ngoan quá! Nhưng sao chị không kêu Florence đưa con heo cho Ely, được vậy thì Ely đã không khóc lâu như thế!” Chị ấy mỉm cười giải thích: “Ồ, không nên chút nào! Đó vốn không phải là đồ chơi của Ely mà là của Florence. Florence đã cho mượn 30 phút, nếu Florence muốn lấy lại cũng là hợp lý! Quan trọng hơn là không nên tập cho trẻ con, dù còn rất nhỏ tuổi thói quen ĐÒI GÌ ĐƯỢC NẤY, NHẤT LÀ NHỮNG ĐÒI HỎI VÔ LÝ như vừa rồi!” Vậy mới thấy, mẹ Anh dạy con rằng không phải cứ nhỏ hơn là có quyền được ưu tiên mọi thứ.
Dạy con kiểu Đức
Dạy con từ thuở còn thơ, câu tục ngữ này không sai một chút nào nhưng dạy như thế nào mới là điều quan trọng. Mẹ Đức dạy con từ từ vựng đầu tiên mà các bé thực sự hiểu, đó là từ “không”. Khi nói “không” với bé, mẹ Đức nói rất nghiêm túc, rõ ràng để bé hiểu được đúng nghĩa của từ này, sau đó là giải thích tại sao bé “không” được phép làm. Bé chưa hiểu gì nhiều nhưng từ “không” được lặp đi lặp lại nhiều lần bé sẽ quen, bộ nhớ của trẻ như một cái tủ rỗng, từ “không” là thứ đồ đạc đầu tiên được đặt vào. Nên các bạn thấy, trẻ em phương Tây chơi chung với bạn rất tự giác và độc lập, chỉ cần nghe mẹ nói “không” là bé tự ý biết mình không được phép làm việc đó.
Đối với trẻ lớn hơn, chúng bắt đầu hình thành tính cách cá nhân nên chúng có lý lẽ của chúng để tránh từ “không” của bố mẹ. Trong trường hợp này cần đến đàm phán và thương lượng. Mẹ Đức giải thích lý do tại sao một cách cặn kẽ cho bé, vì dù sao bé cũng nên biết cái vạch giới hạn của bố mẹ đề ra. Đặc biệt khi mẹ nói “không” thì bố cũng phải đồng tình và ngược lại, vì bé sẽ cầu cứu người thứ ba. Để cho bé biết rằng điều đó được sự nhất trí của bố mẹ thì bố mẹ phải phối hợp ăn ý, khi không cầu cứu ai được nữa bé sẽ hiểu: À, mình “không” được phép làm thật rồi.
Phương châm của các bậc cha mẹ người Đức là làm bạn của trẻ để tìm phương án giải quyết tốt nhất, đừng cho rằng bố mẹ luôn luôn đúng và bắt buộc con luôn làm theo ý mình, điều này hoàn toàn sai lầm. Bố mẹ cũng phải tôn trọng ý kiến của con cái khi con nói “Không”.
Mẹ Đức cho rằng, mỗi đứa trẻ phát triển theo cách riêng của chúng nên họ không quan tâm nhiều đến chuyện cân nặng, chiều cao và nhất là không đem con mình ra so sánh với những trẻ khác. Điều này vừa khiến cho bố mẹ bận tâm suy nghĩ vừa thể hiện sự bất công đối với trẻ, khiến cho trẻ cảm thấy mình kém cỏi so với bạn bè.
Đối với người Đức, trẻ em cần được học tính tự lập từ rất sớm, ngay từ việc nhỏ nhất. Ví dụ, khi mẹ làm cái gì nên cho bé đứng hay ngồi bên cạnh xem cùng hoặc hướng dẫn cho bé làm cùng, đừng nói: “Con không được sờ vào, để mẹ làm một loáng cho nhanh.” Mẹ làm thì nhanh thật nhưng bé sẽ không học được gì nếu bố mẹ cứ làm hộ mãi. Khi nấu cơm hãy cho bé đong gạo, giặt quần áo hãy để bé tự cho quần áo của nó vào máy giặt. Dọn nhà hãy đưa cho bé một cái khăn và khoanh vùng, đây là vùng của con. Đặc biệt rác phải được bỏ vào thùng rác. Trẻ em học rất nhanh và nhớ lâu, chỉ cần hướng dẫn một lần, lần sau bé sẽ nhớ và tự ý thức được việc đó phải làm như thế nào.
Nhiều người cho rằng không nên cho trẻ con tiêu tiền sớm, vì tiền thúc giục bản năng xấu xa của con người. Người Đức dạy cho trẻ em cách tiêu tiền từ rất sớm. Người mẹ cho con một đồng và nói, con chỉ có một đồng thôi, nếu con mua kẹo thì con sẽ không được chơi ô tô, và nếu con chơi ô tô thì con sẽ không mua kẹo. Mỗi khi cho con đi mua đồ cùng, bé được phép chọn đồ và khi mẹ nói không được, cái này đắt quá, con chọn thứ khác đi, thứ nào rẻ hơn ấy. Lúc đầu bé không làm theo mà nằm ra đất khóc ăn vạ. Mẹ mặc kệ đẩy xe đi, bé khóc chán thì đứng lên chạy theo mẹ, nhiều lần như thế sẽ quen, để làm được việc này người mẹ cần phải rất kiên nhẫn.
Mỗi khi mua cái gì cho bé thì mẹ đều đưa tiền cho con trả kèm theo: “Con không được phép mang vật đó ra khỏi cửa hàng mà chưa trả tiền, như thế là không tốt, là phạm pháp.” Sau rất nhiều lần như thế bé sẽ biết: À ha, phải trả tiền trước khi mang đồ đi. Phải cho trẻ biết giá của đồ vật ấy là bao nhiêu, có hợp với túi tiền nhà mình không. Không dạy cho trẻ cách “có tiền ta mua được tất cả”, hoặc chúng đòi cái gì cũng mua với ý nghĩ con mình không thua con hàng xóm được. Điều ấy tạo cho trẻ sớm có tính đua đòi, tồi tệ nhất sẽ dẫn đến ăn cắp. Trong một đám bạn chơi chung, nhưng khi ra về đồ chơi của bạn nào được trả về đúng cho bạn đó.
Còn mẹ Pháp dạy con như thế nào?
Họ cho rằng, làm cha mẹ tốt không có nghĩa là phải thường xuyên phục dịch con cái của mình. Có lẽ vì vậy, người mẹ Pháp lúc nào cũng chỉn chu, sang trọng. Không bao giờ chúng ta thấy cảnh họ phải tất tả vì lũ trẻ. Mẹ Pháp để con cái tự phát triển là chính.
Thực ra, họ không hoàn toàn để mặc con cái mình. Họ giải thích rằng, họ không muốn lúc nào cũng bao bọc con cái, biến chúng thành những con thú nhồi bông. Họ hướng cho bọn trẻ tự do phát triển. Như vậy sẽ đỡ mệt mỏi cho bố mẹ, mà lại tốt hơn cho con cái.
Các bậc cha mẹ Pháp ít khi an ủi, dỗ dành con mình. Một ví dụ cụ thể là khi đứa trẻ gặp ác mộng, bà mẹ Pháp sẽ bình tĩnh nói với con mình rằng: “Cuộc sống này là thế đấy. Rồi con sẽ gặp nhiều chuyện kinh khủng hơn nhiều.” Và kết quả là, những đứa trẻ Pháp rất dễ chấp nhận và thích nghi với những điều tồi tệ của cuộc sống.
Liệu đó có phải lý do chúng ta luôn thấy người Pháp trong bộ dạng bảnh bao bình tĩnh, họ luôn điềm tĩnh một cách lạ lùng, cứ như thể chẳng có gì trên đời khiến họ phải bận tâm vậy. Điều đó vô tình tạo nên những người con Pháp vô cùng thanh tao và luôn luôn trầm tĩnh trong mọi hoàn cảnh, bởi vì họ biết rằng, chuyện gì xảy ra cũng là lẽ rất thường?
Một so sánh khác là trong khi cha mẹ Mỹ thường có xu hướng ca ngợi, để khuyến khích con mình mỗi khi chúng làm được điều gì đó, dù chỉ là rất nhỏ, thì mẹ Pháp lại bình thường hoá những chuyện đó. Thậm chí, khi đứa trẻ khoe một bức tranh vừa mới vẽ, họ có thể cười nhạo và đùa rằng: “Còn lâu mới được bằng Picasso!” Mẹ Pháp không quá chú trọng đến chuyện con mình phải học nhiều, biết nhiều. Họ không khuyến khích con cái đọc sách trước khi lên sáu tuổi. Thay vào đó, họ để trẻ tự do phát triển trí não với những trò chơi thông minh, phù hợp lứa tuổi. Họ luôn nhiệt tình khi nói chuyện với con và dạy chúng nhận biết thế giới xung quanh.
Cách người Do Thái dạy trẻ
Từ lâu người Do Thái được biết đến là “dân tộc thông minh nhất thế giới”, chỉ với hơn 13 triệu dân nhưng đã sản sinh ra hơn 30% chủ nhân giải Nobel của toàn cầu. Nhiều người nổi tiếng trong các lĩnh vực khác nhau là người Do Thái hoặc có gốc Do Thái như tỷ phú Warrant Buffet, tỷ phú George Soros, tỷ phú Abramovich (người Nga gốc Do Thái), Albert Einstein…
Dành thời gian lặn lội sang mảnh đất Israel xa xôi, chuyên gia Lại Thị Hải Lý – Sáng lập Tập đoàn Giáo dục và đầu tư VSK – phương án 0 tuổi tại Việt Nam là người đưa giáo dục sớm Do Thái về Việt Nam, đã đến nhiều trường mầm non và thăm các gia đình ở nước này, tận mắt tìm hiểu, lắng nghe cách dạy con và những bí quyết để có những thế hệ tài năng. Cô nhận xét: Người Do Thái yêu thương con với tầm nhìn xa, trông rộng… Bất cứ phụ huynh nào trên thế giới này đều yêu thương con cái nhưng với các bậc cha mẹ Do Thái luôn mong muốn tình yêu giọt máu đào, thấm sâu và nuôi dưỡng đứa trẻ nhằm đem lại lợi ích lâu dài cho con chứ không phải là tình yêu kiểu giọt nước mát thỏa mãn những nhu cầu tức thì của con. Người Do Thái muốn đào tạo những đứa trẻ bản lĩnh, mạnh mẽ trong cuộc sống hàng ngày.
Theo quan niệm của các cha mẹ Do Thái, phụ huynh 100 điểm không bằng phụ huynh 80 điểm. Chính họ cho rằng phải tránh 3 “không” gồm: Không thỏa mãn trước, không thỏa mãn tức thì và không thỏa mãn quá mức. Phần 20 điểm còn lại không phải là không yêu con mà điều đó ẩn giấu vào tình yêu lý trí, khoa học, nghệ thuật. Ở Israel, có những trường mang tên quý tộc. Tuy nhiên, điều đặc biệt là khi trẻ em học ở đây được rèn luyện nhiều về chỉ số vượt khó AQ. Học sinh sẽ trải qua thử thách kể cả những vất vả. Các phụ huynh Do Thái rất chú trọng dạy con về tính tự lập, trẻ em có được kỹ năng phục vụ bản thân từ rất sớm.
Nhiều phụ huynh Do Thái vẫn kể cho con về câu chuyện “Cà rốt, trứng gà, cà phê” để định hướng cho trẻ cách đương đầu với khó khăn thử thách, hoặc câu chuyện “con lừa thồ sách trên lưng” để nhắc nhở con về việc ứng dụng tri thức vào thực tiễn. Việc phát triển trí tuệ rất được người Do Thái quan tâm, điều này là nhờ thói quen và đam mê đọc sách. Ở Israel cứ 4.500 người sẽ có một thư viện với các đầu sách cực kỳ quý giá, cả nước có hơn 1000 thư viện công cộng. Chính vì vậy, trẻ con Do Thái thường chủ động đọc sách từ rất sớm, sách quý được truyền từ đời này sang đời khác, tủ sách thường được đặt đầu giường của các em.
Tại mỗi gia đình người Do Thái, phụ huynh luôn chú trọng việc dạy con làm việc nhà. Từ lúc 2 tuổi, các em đã phải bắt đầu học để tự làm mọi việc như tự xúc cơm ăn. Ở trường học thường xuyên tổ chức các chuyến thăm quan 1 ngày tới nơi làm việc của cha mẹ. Nhiều em đã chảy nước mắt vì chứng kiến cha mẹ là thợ dệt phải làm việc quần quật cả ngày bên máy khâu. Trẻ em Do Thái đều phải giúp bố mẹ làm việc nhà, kể cả những gia đình giàu có nhất. Sự nuông chiều vốn không phải là triết lý của người Do Thái, mà tình yêu của người mẹ dành cho con nằm ở khả năng tự lập và trưởng thành của người con sau này.
Câu chuyện về gia đình sư tử mà các phụ huỵnh Do Thái vẫn kể với mục đích để nhắc nhở cho mỗi người làm cha mẹ mang đến nhiều suy ngẫm cực kỳ sâu sắc. Chuyện là, có một bà mẹ sư tử nói sẽ dạy con đi săn. Hai anh em sư tử quá hứng khởi, chạy quá nhanh nên người anh lăn vòng tròn và bị thương. Sau đó, mẹ sư tử cho người anh ở nhà. Hàng ngày, mẹ và em sư tử vẫn đi săn mồi nhưng khi ăn không quên để phần cho người anh. Từ đó, anh sư tử sống trong sự thoải mái, hàng ngày được ăn mà không phải đi kiếm mồi. Cho đến khi trưởng thành, mẹ sư tử mất, lúc đó 2 anh em phải tự đi kiếm ăn nhưng rồi chúng lạc nhau, sư tử anh không thể kiếm nổi đồ ăn cho mình nên đói mà chết. Trước khi chết sư tử anh chỉ thốt lên một câu rằng: “Con hận mẹ.”
Đối với phụ huynh Do Thái, giáo dục con cách quản lý tài sản được thực hiện ngày từ khi trẻ còn bé. Một bà mẹ có con là triệu phú ở Israel cho biết, mục tiêu ban đầu không phải tạo ra triệu phú mà triệu phú là hệ quả tất yếu của quá trình giáo dục.
Theo Cựu Thủ tướng Israel, dân tộc này đã coi trí tuệ và nguồn nhân lực, 13 triệu người dân Do Thái trên toàn thế giới chính là tài sản lớn nhất của dân tộc. Tinh hoa của nền giáo dục Do Thái đã được đúc kết hàng ngàn năm qua Kinh Tohran và Kinh Talmudh, qua cách nuôi dạy con cái của các gia đình Do Thái. Đó chính là tính tự lập và khả năng sinh tồn. Theo triết lý của người Do Thái, chỉ số thông minh IQ chỉ chiếm có 20% trong bí quyết thành công, còn lại 80% nằm ở chỉ số vượt khó AQ và khả năng ứng dụng kiến thức và thích nghi với cuộc sống EQ.
Người Do Thái cũng sớm rèn cho con khả năng quản lý tiền bạc và dạy con hiểu về giá trị của đồng tiền từ khi các em còn rất nhỏ. Việc cho con sớm nhận biết với tiền là cách để các bậc phụ huynh Do Thái giúp con mình sớm hiểu được giá trị của lao động. Với trẻ em Do Thái, 3 tuổi được dạy cách phân biệt tiền và biết giá tri tiền, 4 tuổi được bố mẹ đưa tiền để dùng mua sắm những đồ đơn giản, 5 tuổi hiểu có được là nhờ lao động nên phải chi tiêu hợp lý. Từ 6-10 tuổi được bố mẹ cho số tiền lớn hơn một chút và học cách quản lý tiền, tài sản, khi trẻ 10 tuổi sẽ có tài khoản riêng. Thậm chí, tại nhiều gia đình Do Thái, khi con làm việc nhà có thể thưởng những khoản tiền nho nhỏ.
Ngoài ra còn có thể kể đến thuyết Thai giáo học “Thai nhi là thiên tài” và phương pháp giáo dục sớm 0-6 tuổi được lưu truyền lại trong kinh Tohran và kinh Talmudh của người Do Thái. Chính vì vậy, trò chuyện với thai nhi, vận động nhẹ nhàng, giải toán cho bà bầu,… là các cách đã được các bà mẹ áp dụng để nâng cao khả năng phát triển trí tuệ cho thai nhi. Các nhà khoa học cũng cho rằng con người chỉ sử dụng 3-5% tiềm năng của não bộ, còn ở thiên tài Albert Einstein là 10%. Chính vì thế, việc tìm ra khả năng sản sinh tối đa tiềm năng của não bộ sẽ là cách để tạo ra những thiên tài. Giống như việc các nhà công nghệ gen di truyền đã kích hoạt sự phát triển của cây cà chua bằng ánh sáng đỏ vào đúng thời điểm, khiến cây cà chua phát triển khổng lồ trên nền sa mạc.
Một sự kích hoạt não bộ của trẻ đúng thời điểm sẽ giúp sản sinh ra những thiên tài. Là một chuyên gia về Giáo dục sớm, bà Lại Thị Hải Lý đã áp dụng bí quyết của người Israel đối với cô con gái Bella, kết quả là bé biết nói từ lúc 6 tháng tuổi, 13 tháng tuổi đã biết đọc chữ và 15 tháng tuổi đã nói được 200 từ tiếng Anh, hiện giờ ở tuổi lên 4, bé đã có thể giao tiếp đơn giản bằng 6 thứ tiếng. Đại sứ Đinh Xuân Lưu và học giả Lại Thị Hải Lý hy vọng rằng tinh hoa của nền giáo dục Israel có thể được Việt Nam áp dụng để tạo đà cho một thế hệ trẻ Việt Nam trí tuệ cao trong tương lai.
Một chuyến “dự giờ” trẻ Nhật học mầm non
Mầm non tại Nhật là một hệ thống giáo dục có tính hòa nhập, các bé không phân riêng từng lớp mà học chung cả với nhau. Trước 9 giờ 30 sáng và sau 3 giờ 30 chiều, cả trường đều chơi chung. Trong sân, những đứa trẻ lớn cầm tay những đứa trẻ nhỏ, những đứa nhỏ đuổi theo những đứa lớn. Chúng chơi đùa rất vui vẻ, như thể anh chị em ruột.
Trong những trường mầm non ở Nhật, dường như họ không hề quan tâm đến việc dạy kiến thức cho bọn trẻ. Chúng không có bất kì quyển vở nào, chỉ có những cuốn phác thảo mỗi tháng một lần. Trong kế hoạch giáo dục của của nhà trường cũng không hề có những môn học như Toán, chữ kana (chữ Nhật), nghệ thuật hay âm nhạc. Và cũng không có cả Tiếng Anh hay những cuộc thi Olympia Toán học quốc tế. Họ cũng không dạy trượt băng hay bơi lội. Khi bạn hỏi họ dạy bọn trẻ những gì thì bạn sẽ không bao giờ đoán được câu trả lời: “Chúng tôi dạy bọn trẻ cách luôn luôn mỉm cười!” Ở Nhật, bạn ở đâu không quan trọng, bạn đang nói chuyện với ai không quan trọng, mà quan trọng nhất là bạn phải ‘luôn mỉm cười’. Một cô gái luôn mỉm cười là cô gái xinh đẹp nhất.
Ngoài ra họ còn rất nghiêm túc khi dạy bọn trẻ cách sử dụng hai câu nói thể hiện phép lịch sự căn bản: “Xin lỗi” “Cảm ơn”. Điều này thể hiện rõ thong cách phục vụ bữa trưa tại trường. Một vài em sẽ được chọn ra để cùng giáo viên phục vụ trà cho các bạn cùng lớp, trước khi ăn lũ trẻ sẽ cùng nhau hô to cảm ơn cha mẹ, nhà trường và cách giáo viên đã cho chúng một bữa ăn ngon và đôi khi nó sẽ được thay thế bằng một vài hát vui vẻ. Việc trẻ được chọn ra để phục vụ các bạn khác không được coi là việc vặt mà nó giống như một vinh dự, một điều rất đặc biệt mà đứa trẻ được phép làm. Và khi giúp các bạn khác ăn uống, các bé cũng được cảm ơn một cách lịch sự nhất.
Đặc biệt, trẻ học mầm non tại Nhật học rất ít, mà chỉ chơi là nhiều. Chỉ có 30 phút trước khi ra về là giờ hát tập thể và nghe cô giáo kể chuyện. Toàn bộ thời gian còn lại, các bé có thể chơi bất cứ trò gì mình thích trong khuôn viên nhà trường.
Trong trường, có rất nhiều thứ để chơi, từ trong nhà ra đến ngoài sân, ở ngoài sân có bãi cát, xích đu, cầu trượt, dây leo… còn trong nhà có các loại nhạc cụ, đồ chơi, gỗ, gối, gấu bông, búp bê, chăn, chiếu, băng dính, giấy màu… Rất nhiều thứ để chơi, và những loại đồ chơi này đều có đặc điểm chung là giúp trẻ phát triển trí thông minh và khả năng sáng tạo. Trẻ sẽ phải suy nghĩ, tìm tòi cách chơi, cách kết hợp những thứ có sẵn trong lớp học hoặc ngoài sân để có được những trò chơi thú vị. Các bé được tự do chơi và làm thứ mình thích. Các cô giáo hoàn toàn không can thiệp vào quá trình vui chơi của trẻ, chỉ đứng từ xa quan sát và hỗ trợ khi cần thiết.
Bọn trẻ được tham gia vô vàn các hoạt động dã ngoại và ngoại khóa cực kỳ thú vị: Leo núi, thăm cảnh quan tự nhiên, đền chùa, di tích lịch sử. Ngoài ra chúng còn rất nhiều những ngày hội thể thao, biểu diễn văn nghệ, tham gia các lễ hội và sự kiện cộng đồng, những buổi giao lưu và các hoạt động triễn lãm nghệ thuật khác nữa.
Chúng được dạy cách để luôn cư xử như những công dân mẫu mực và tự lập trong những hành động nhỏ bé nhất. Để giúp trẻ có tình yêu thương với động vật, cô giáo không nói “các em phải biết yêu thương động vật”, mà họ cho các bé tự nuôi và chăm sóc một loại động vật gì đó như: gà, chuột lang, thỏ, rùa, thậm chí là cả giun đất… mỗi một nhóm từ 4 – 5 em sẽ chăm sóc một con. Qua quá trình các bé ngày ngày chăm sóc thú cưng của mình, chơi đùa, trò chuyện, cho ăn, dọn chuồng… đặc biệt những khi thú bị ốm, tình cảm của các bé với các loài động vật sẽ dần được hình thành. Sau đó, cô giáo chỉ cần nói rất ít về tình yêu thương động vật mà trẻ vẫn hiểu được một cá