Trong lòng tĩnh mạch có các lá van, các van này chỉ có phép máu chảy về tim và ngăn không cho máu chảy theo chiều ngược lại chúng ta hiểu nôm na như vậy. Bệnh giãn tĩnh mạch xảy ra khi các van trong lòng tĩnh mạch bị hỏng, làm cho máu chảy theo chiều trái ngược với thông thường. Thay vì được bơm từ bàn chân lên tim, máu “bẩn” sẽ đi theo chiều ngược lại làm tăng áp lực trong lòng tĩnh mạch đồng thời kéo giãn thành tĩnh mạch.
Mục lục
Cơ chế hoạt động của tĩnh mạch
Khi chúng ta đứng thẳng, máu trong tĩnh mạch phải thắng trọng lực để chảy về tim. Để làm được điều này, các cơ ở chân phải ép các tĩnh mạch sâu ở chân và bàn chân. Các van trong các tĩnh mạch sẽ giúp máu chảy theo một chiều lên tim. Khi cơ ở chân co, các van trong tĩnh mạch sẽ mở ra. Khi cơ ở chân thả lỏng, các van sẽ đóng lại. Điều đó giúp máu không đi ngược trở lại chân. Toàn bộ tiến trình đem máu trở về tim gọi là bơm tĩnh mạch. Với phương thức hoạt động như thế, các van tạo nên hệ thống dòng chảy một chiều trong tĩnh mạch.
Khi chúng ta đi các cơ chân co lại, bơm tĩnh mạch hoạt động tốt. Nhưng khi ngồi hay đứng, nhất là một thời gian lâu, máu trong các tĩnh mạch chân sẽ ứ lại và làm tăng áp lực trong các tĩnh mạch. Các tĩnh mạch sâu và xuyên có khả năng chịu được việc tăng áp lực một thời gian.
6 Cấp độ của bệnh Giãn tĩnh mạch chân
– Cấp độ I: Cảm giác nặng chân, tê chân.
– Cấp độ II: Phù chân khi đi lại hay đứng nhiều.
– Cấp độ III: Giãn và nổi tĩnh mạch ngoằn ngoèo trên bắp chân và đùi.
– Cấp độ IV: Giãn tĩnh mạch và có thay đổi sắc tố da của chân, phần thấp của chân sạm màu.
– Cấp độ V: Giãn tĩnh mạch và có những vết loét ở chân.
– Cấp độ VI: Các vết loét điều trị mãi vẫn không lành.
Một số biện pháp điều trị và hỗ trợ điều trị bệnh giãn tĩnh mạch chi
Bệnh giãn tĩnh mạch chân thể nhẹ
- Tự chăm sóc chân bằng cách tập thể dục, giảm cân không mặc quần áo chật, gác cao chân khi nằm, và tránh đứng hoặc ngồi lâu một chỗ.
- Mang vớ y khoa – Vớ ép (còn gọi là tất tĩnh mạch): Đây là biện pháp điều trị đầu tiên. Nếu không hiệu quả sẽ chuyển sang phương pháp khác. Vớ y khoa bó ép hai chân, giúp máu lưu thông tốt hơn trong các tĩnh mạch và cơ chân. Nên mang vớ y khoa cả ngày. Khi mang vớ có điều khó chịu là cảm giác bị ép chặt ở chân, đổ mồ hôi, ngứa da, hôi chân.
Đối với bệnh giãn tĩnh mạch nặng hơn
Nếu bệnh không thuyên giảm với các biện pháp tự chăm sóc, vớ y khoa hoặc thuốc, hoặc nếu tình trạng bệnh nặng hơn, bác sĩ có thể dùng các biện pháp sau để chữa trị cho bạn :
- Tiêm xơ: bác sĩ sẽ tiêm vào các tĩnh mạch giãn một thuốc gây xơ hóa tĩnh mạch. Trong một vài tuần các tĩnh mạch được điều trị sẽ mờ dần.
- Phẫu thuật laser: thường được dùng để điều trị tĩnh mạch giãn nhỏ. Phẫu thuật laser đưa một chùm tia laser mạnh vào tĩnh mạch giãn khiến nó mờ dần và biến mất.
- Thủ thuật catheter: catheter được luồn vào tĩnh mạch giãn và đầu catheter được đốt nóng để phá hủy và làm xẹp tĩnh mạch bị giãn. Thủ thuật này thường được áp dụng cho giãn tĩnh mạch lớn.
- Gỡ bỏ tĩnh mạch: bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ trên da và qua đó cắt bỏ một đoạn tĩnh mạch dài. Việc này sẽ không ảnh hưởng đến tuần hoàn ở chân vì các tĩnh mạch nằm sâu đảm nhiệm phần lớn chức năng tuần hoàn máu.
- Mổ cắt tĩnh mạch ngoại trú: bác sĩ sẽ cắt bỏ các tĩnh mạch giãn nhỏ qua một loạt những đường rạch nhỏ trên da. Chỉ cần gây tê tại chỗ và nói chung ít để lại sẹo.
- Phẫu thuật tĩnh mạch nội soi: chỉ áp dụng cho những trường hợp nặng có loét ở chân. Bác sĩ sẽ luồn một camera nhỏ vào chân để quan sát và đóng kín các tĩnh mạch giãn, và sau đó lấy bỏ tĩnh mạch qua những đường rạch nhỏ.
Lưu ý
Điều cần biết dù dùng phẫu thuật hay các phương pháp can thiệp khác điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch vẫn tái phát nếu người bệnh vẫn đứng, ngồi lâu, tiếp xúc với nhiệt nhiều hoặc không giải quyết được nguyên nhân gây bệnh như đi giầy cao gót, mặc quần bó v.v… cho nên điều chỉnh lối sống, vận động và nghỉ ngơi hợp lý luôn luôn cần được chú ý với người bệnh giãn tĩnh mạch.
Benh.vn