Tổ chức phi lợi nhuận về quyền phụ nữ và trẻ em Plan International (PI) đã thu thập thông tin từ tháng 10/2013 – 5/2014, có đến hơn 9.000 học sinh và nhiều phụ huynh, giáo viên tại các nước Nepal, Indonesia, Pakistan, Việt Nam, Cambodia đồng ý tham gia khảo sát.
Có đến 70% trẻ em Châu Á bị quấy rối, bắt nạt, thậm chí là đánh đập khi đến trường.
Báo cáo của tổ chức này cho thấy, tỷ lệ trẻ em Châu Á bị quấy rối tình dục hoặc là nạn nhân của bạo lực học đường lên đến 70% (cứ 10 học sinh thì có 7 em đã từng bị lạm dụng tình dục hoặc bị bạo hành tại trường học). Các hành vi bao gồm: quấy rối bằng các hành động động chạm, sờ soạng; quấy rối bằng lời nói; đánh đập, sỉ nhục, tẩy chay, bắt nạt dài ngày, hiếp dâm…
Trong đó, hành vi phổ biến nhất là sỉ nhục tinh thần, cụ thể là chửi bới và tẩy chay; tiếp đến là đánh đập dài ngày. Với cả 5 quốc gia tham gia khảo sát, tỷ lệ học sinh nam phải đối mặt với các hành vi bắt nạt cao hơn nữ rất nhiều. Và thủ phạm do các em học sinh tiết lộ lại đa số là giáo viên, nhân viên trong trường học.
Biểu đồ khảo sát tình trạng lạm dụng và bạo lực học đường trẻ em tại Châu Á.
Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên nhất là có đến 43% học sinh trả lời rằng, các em thường không nói lại với thầy cô, bố mẹ khi bị bắt nạt hoặc nhìn thấy bạn bè bị bắt nạt. Một bé gái người Pakistan đã giải thích lý do là: “Cháu sợ nếu kể với thầy cô giáo, thầy cô sẽ chẳng để tâm. Còn nếu kể với bố mẹ thì có khi cháu không được đi học nữa…”
“Mỗi trẻ em đều có quyền được hưởng một nền giáo dục chất lượng, không có bạo lực và đe dọa bạo lực. Cần ban hành các khuyến nghị và hành động để đảm bảo bạo lực không còn chỗ trong các trường học, tại nhà, hoặc bất cứ nơi nào trong cuộc sống của một đứa trẻ” – ông Mark Pierce, Giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Plan International chia sẻ.