Cuối tuần qua Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì hội nghị với các BV tuyến TW, các BV tuyến cuối của một số địa phương, nhằm tiến tới việc các bệnh viện cam kết không để người bệnh nội trú nằm ghép.
Mục lục
Bộ trưởng đã nhấn mạnh “Tới đây sẽ lần lượt công bố danh sách những BV không nằm ghép cho nhân dân biết. Những bệnh viện nào có đủ cơ sở vật chất mà vẫn để bệnh nhân nằm ghép và khu khám bệnh nhếch nhác, sẽ không để Giám đốc điều hành mà sẽ để cho Phó Giám đốc khác thay thế điều hành”
Lập rào cản chuyên môn để sàng lọc bệnh nhân
Báo cáo tại cuộc họp, PGS.TS. Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh – Bộ Y tế cho biết, tính đến ngày 10/1/2015 đã có 18 BV tuyến TW không còn tình trạng quá tải, nằm ghép khu vực nội trú như BV Lão khoa, BV Nội tiết TW, BV Nhi TW, BV Răng Hàm Mặt TW; BV Tai Mũi Họng TW, BV K cơ sở Tân Triều…
Giảm tải bệnh viện mang lại lợi ích thiết thực cho người bệnh. Ảnh: TM
Ngoài ra, một số BV trước đây có nhiều khoa nằm ghép nay đã giảm như BV Bạch Mai còn 12 khoa nằm ghép; BV Chợ Rẫy còn 18 khoa; BVĐK TW Huế còn 6 khoa… Một số BV còn tình trạng nằm ghép quá tải, cục bộ nhưng chỉ trong vòng từ 24 giờ đến 48 giờ đã được cải thiện.
Tại cuộc họp, PGS.TS. Lê Thanh Hải – Giám đốc BV Nhi TW đưa ra một số kinh nghiệm trong việc thực hiện giảm tải tại BV. Theo đó, đối với BV Nhi TW, trước đây tỷ lệ nằm ghép trên 130%. Đặc biệt, tại Khoa Hô hấp, bệnh nhi phải nằm ghép 3, ghép 4, cao điểm đến 6 cháu nằm một giường. Trước thực trạng này, BV Nhi đã đưa ra hàng loạt giải pháp cải cách thủ tục hành chính, nâng số bàn khám, giảm thời gian xét nghiệm từ 4 tiếng xuống còn 2 tiếng…
Bên cạnh đó, BV đã lập một “rào cản” chuyên môn để sàng lọc, khống chế lượng bệnh nhân nhập viện, đảm bảo lúc nào cũng chỉ có khoảng 1.500 bệnh nhân nội trú dù lượng vào viện khám mỗi ngày rất lớn. Những trường hợp bệnh nhẹ đều được khám và tư vấn điều trị ngoại trú. BV cũng tổ chức mô hình “giường bệnh chăm sóc ban ngày” nhằm phục vụ những trường hợp nặng hơn một chút nhưng chưa đến mức rất nặng hoặc cần theo dõi thêm diễn biến bệnh. Các trường hợp này sẽ được nằm điều trị, theo dõi trong ngày, trung bình khoảng 5 – 6 giờ trước khi bác sĩ ra quyết định cho nhập viện hay điều trị ngoại trú, thay vì chỉ định cho nhập viện ồ ạt như trước. Ngoài ra, BV cũng tổ chức phân tán bớt bệnh nhân từ các khoa quá tải này sang các khoa khác một cách linh hoạt…
Vai trò của BV vệ tinh, phòng khám gia đình và sự linh hoạt của giám đốc BV
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến bày tỏ, với người khỏe mạnh như chúng ta mà nằm ghép 2 người còn không chịu nổi, thì người vừa ốm, sốt lại phải nằm ghép là không thể chấp nhận được, do đó, yêu cầu các BV phải tập trung vào việc giảm tải BV.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, để giảm tải, chỉ các BV tuyến TW không thể làm được, nếu các BV tuyến dưới vẫn chuyển bệnh nhân lên. Kinh nghiệm giảm tải ở nước ngoài là phải có hệ thống BV vệ tinh, phòng khám bác sĩ gia đình và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong KCB mới giảm được ở tuyến TW. Do đó, các BV tuyến TW muốn giảm tải được, bên cạnh cần tăng số giường bệnh, thì vai trò của hệ thống BV vệ tinh rất lớn.
“Các BV Bạch Mai, BV Ung bướu muốn giảm tải thì các BV vệ tinh ở Ninh Bình, Phú Thọ, Nghệ An, Lai Châu, Lào Cai, Hòa Bình phải tăng khả năng để không chuyển tuyến. Các BV vệ tinh phải giảm chuyển tuyến mới được. Trên thực tế, BV tuyến tỉnh nhiều kỹ thuật có thể làm tốt như tuyến TW, vấn đề là chuyển giao tốt, giường, phòng ốc, chăm sóc tốt…” – Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến dẫn chứng.
Bộ trưởng cũng khẳng định, điều đặc biệt quan trọng để giảm tải chính là những giải pháp của BV, trong đó năng lực kỹ thuật và giải pháp của Giám đốc BV, với việc đưa các bác sĩ giỏi ra phòng khám, lọc bệnh kỹ hơn và kiên quyết không nhận bệnh nhân nếu chưa đến mức phải để tuyến trên điều trị.
Theo PGS.TS. Lương Ngọc Khuê, để giảm tình trạng nằm ghép tại các khu nội trú, Bộ Y tế đã yêu cầu các BV thực hiện nghiêm chế độ báo cáo trực tuyến hàng tuần về tình trạng quá tải, nằm ghép; số lượng trung bình bệnh nhân trong một bàn khám,… đồng thời đưa các chỉ số liên quan đến giám sát tình trạng nằm ghép trong nội dung giao ban hàng ngày của từng khoa…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ sớm ban hành danh mục các chỉ số đánh giá, giám sát thường quy và đột xuất; thành lập các đoàn giám sát, kiểm tra; áp dụng chế độ khen thưởng, khiển trách kịp thời đối với các tập thể thực hiện tốt, chưa tốt công tác giảm tải BV.
13 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế đầu tiên cam kết không để xảy ra tình trạng nằm ghép trong khu vực điều trị nội trú
1. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
2. Bệnh viện Nhi Trung ương
3. Lão khoa Trung ương
4. Việt Nam Cu Ba Đồng Hới
5. Bệnh biện Việt Nam- Thụy Điển
6. bệnh viện Uông Bí
7. Tâm thần Trung ương 1
8. Da liễu Trung ương
9. Đa khoa Trung ương Thái Nguyên
10. Răng hàm mặt Trung ương Hà Nội
11. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương
12. Bệnh viện Châm cứu Trung ương
13. Bệnh viện Đa khoa Trung ương Huế.
Danh sách này đang tiếp tục được tăng lên và sẽ được công bố rộng rãi để bạn đọc theo dõi. Bệnh nhân, người nhà hoàn toàn có thể chủ động gọi điện đến đường dây nóng của bộ nếu các bệnh viên trên không đảm bảo vấn đề đã cam kết.
Benh.vn (Theo SKĐS)