Vì có chứa những chất ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng nên hiện tại, có khá nhiều “tiểu xảo” khi hút thuốc dành cho những ai nghiện loại sản phẩm độc hại này. Trong đó, đầu lọc thuốc lá bằng nhựa có lẽ là phương pháp phổ biến nhất được những người hút thuốc lá ưa chuộng bởi họ nghĩ, đầu lọc có tác dụng lọc bớt chất độc hại của thuốc lá vào cơ thể. Vậy suy nghĩ này có phải là chính xác?
Mục lục
- Nhiều người tin rằng đầu lọc thuốc lá bằng nhựa giúp lọc bớt chất độc
Tỷ lệ hút thuốc lá đáng báo động
Tại Việt Nam, 50 % nam giới và 3,4% nữ giới hút thuốc lá (theo thống kê của Tổ chức Sức khỏe Thế giới), đứng ở vị trí cao nhất châu Á. Trong khi đó, 26% thanh thiếu niên có độ tuổi từ 15 – 24, trên 40% nam cán bộ y tế và 1,3 % nữ cán bộ y tế hút thuốc lá.
Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, 10% dân số Việt Nam (nghĩa là vào khoảng 7,5 triệu người Việt Nam) sẽ chết sớm do hút thuốc lá. Cũng theo ước tính của Tổ chức Sức khỏe Thế giới, tới năm 2020, số người Việt Nam chết do sử dụng thuốc lá sẽ nhiều hơn số người chết do HIV/AIDS, lao, tai nạn giao thông và tự tử cộng lại…
- Thuốc lá tàn phá lá phổi của người Việt
Lý do người ta nghiện hút thuốc lá
Thực tế, chỉ cần vài giây sau khi rít một hơi thuốc lá vào phổi, chúng ta sẽ cảm nhận được những kích thích của chất Nicotine lên hệ thần kinh trung ương và lên toàn cơ thể. Do vậy, khi hút thuốc lá, người hút có thể thấy trí óc sáng suốt và làm việc có hiệu quả hơn hoặc trong những lúc căng thẳng, lo âu, thuốc lá có thể làm cho người hút cảm thấy thư giãn và bình tĩnh hơn.
Nicotine tác động làm tăng tiết các chất dẫn truyền thần kinh trung gian (neurotransmitters) và các nội tiết tố tham dự vào chức năng kháng lại các stress của cơ thể như cathecolamine (epinephrine, norepinephrine và dopamine), beta endorphine và các loại cortisol. Những chất này làm cho người hút thuốc lá cảm thấy bình tĩnh, tự tin, bớt lo âu và có sức để làm việc nhiều hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta càng hút nhiều, cơ thể bị kích thích tiết các chất nội tiết tố liên tục cho đến khi các chất này bị cạn kiệt, lúc ấy thay vì có cảm giác sảng khoái, người bệnh lại thấy mệt mỏi hơn, khó tập trung tư tưởng, cáu gắt và suy sụp tinh thần mau chóng.
Lịch sử phát triển của thuốc lá và đầu lọc thuốc lá
Quá trình phát triển đầu lọc thuốc lá
Trước những năm 1950, trên thế giới chưa có loại thuốc lá đầu lọc hoặc nếu có, cũng không ai hút nó. Nguyên nhân là vì thời điểm đó, mặc dù con người đã có nhận thức rằng hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, thế nhưng vẫn chưa có một bằng chứng nào thuyết phục.
Các công ty thuốc lá thời kỳ này đã bỏ ra rất nhiều tiền quảng cáo nhằm cố gắng thuyết phục mọi người rằng nhờ có đầu lọc, thuốc lá đã hoàn toàn được loại bỏ những chất gây hại. Thế nhưng, điều này đã thay đổi vào thập niên 1950 vì thế giới đã công bố các kết quả nghiên cứu y tế đầu tiên, kết luận rằng hút thuốc có liên quan chặt chẽ tới bệnh ung thư phổi.
Như một phản ứng đối với các nghiên cứu y tế, hàng loạt các đợt tiếp thị của các công ty thuốc lá đã quảng bá cho một loại thuốc mới có đầu lọc ở một đầu điếu thuốc. Theo họ, chiếc đầu lọc này là để lọc ra các loại nhựa trong khói thuốc lá và chất nicotine để làm cho việc hút thuốc lá được “an toàn hơn”.
Đầu lọc thuốc lá thực sự có tác dụng gì
Chiếc đầu lọc thuốc lá chủ yếu là bằng nhựa cellulo – acetat, được cấu tạo bởi công nghệ đục thủng những lỗ tí hon, gần như vô hình trong bộ lọc. Khi khói thuốc đi qua bộ lọc, có một chút không khí đi qua những lỗ đục nhỏ này và trộn với khói thuốc. Cho đến ngày nay, các công ty thuốc lá danh tiếng vẫn quảng cáo thuốc lá có đầu lọc sẽ hạn chế đến mức thấp nhất nhựa khói thuốc và chất nicotine. Với mỗi đầu lọc, người hút thuốc hút vào nhiều không khí hơn và ít khói thuốc hơn, do đó cũng đưa vào cơ thể ít nhựa khói và chất nicotine hơn.
- Nhiều loại đầu lọc thuốc lá nhựa mới ra đời được quảng cáo có thể bảo vệ bạn khỏi chất độc do hút thuốc lá gây ra
Tuy nhiên, xét cho cùng, đầu lọc của một điếu thuốc không thực sự làm giảm tác hại của việc hút thuốc vì khi hút bằng đầu lọc, người ta sẽ hút sâu hơn với lượng hơi lớn hơn. Đồng thời, những người nghiện thuốc sẽ hít vào phổi đủ số lượng nicotine mà cơ thể họ cần. Bên cạnh đó, những bằng chứng khoa học mới đây cũng cho thấy rằng, hơn 4.500 tỷ đầu lọc thuốc lá mà con người thải ra trong môi trường phải mất hơn 10 năm mới phân hủy được, do đó, gây ô nhiễm môi trường và gây hại cho các động vật nhỏ.
Từ những thực tế trên, các nhà khoa học khẳng định việc sử dụng đầu lọc trong thuốc lá với sự bùng phát bệnh ung thư phổi có sự liên quan chặt chẽ với nhau. Theo đó, đầu lọc làm cho người hút thuốc hít những hơi sâu hơn và lớn hơn, do đó lượng độc tố đi vào phổi nhiều hơn.