Giáo dục cho con những giá trị đạo đức cơ bản là điều mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng luôn quan tâm. Trước tiên phải là một con người có đạo đức tốt thì trẻ mới có thể làm một người có ích cho xã hội trong tương lai.
Mục lục
Vậy những giá trị đạo đức nào là cơ bản, là quan trọng trong việc giáo dục hình thành nhân cách cho trẻ?
Làm người trung thực
Dạy trẻ không bao giờ nói dối (Ảnh minh họa)
Thật thà là một đức tính tốt mà cha mẹ nên dạy con đầu tiên. Để giúp con hình thành thói quen luôn nói sự thật cha mẹ hãy luôn nói với con: “Nói ra sự thật có thể khó khăn hơn một chút xíu, nó có thể khiến người khác buồn nhưng chỉ trong chốc lát. Và việc nói sự thật là hành động luôn được khuyến khích. Còn nếu nói dối con sẽ không được mọi người ủng hộ và sẽ luôn bị phạt”.
Nếu không được giáo dục ngay từ khi còn bé, ban đầu trẻ có thể chỉ nói những lời nói dối vô hại, lời nói dối trong phút ngẫu hứng nhưng về sau thói quen nói dối sẽ trở nên nghiêm trọng và thường xuyên hơn nhằm che đậy lỗi của mình. Cho nên trong từng hoàn cảnh cụ thể, hãy nói cho trẻ biết mức độ và tính nghiêm trọng của việc nói dối để con luôn là người trung thực.
Không lấy đồ của người khác
Ăn cắp là một hành động rất xấu (Ảnh minh họa)
Ăn cắp là một hành động rất xấu. Vì vậy cha mẹ nên luôn luôn ghi nhớ dạy con của mình không bao giờ được lấy những đồ vật của người khác. Cho dù trẻ chỉ lấy một vật vô cùng nhỏ của bạn, hay lấy trộm một chút tiền lẻ thì bạn cũng nên dạy cho con biết ăn cắp là một trong những hành vi vi phạm đạo đức không bao giờ được chấp nhận.
Hãy chỉ cho con thấy rằng khi có hành vi ăn cắp sẽ phải đối diện với hình phạt nặng, sự ghẻ lạnh của những người xung quan….. Ngoài ra mẹ cũng nên dạy con cách để có được thứ mình muốn như: hỏi mượn bạn, đề xuất với bố mẹ để được thưởng khi đạt điểm tốt, ngoan…
Biết nói cảm ơn và xin lỗi
Khi được giúp đỡ hoặc được tặng một thứ gì đó việc đầu tiên trẻ cần làm là nói câu cảm ơn dù cho người đó là ai đi chăng nữa. Cha mẹ nên hình thành thói quen tốt đó cho trẻ ngay từ những việc nhỏ nhặt trong gia đình. Khi nhờ trẻ giúp một việc gì đó, dù nhỏ cha mẹ cũng luôn nên nói cảm ơn con để trở thành tốt gương tốt cho con noi theo.
Trở thành một con người lịch sự cũng là một bước hình thành nhân cách tốt cho trẻ sau này và cũng khiến con bạn dù đi đâu cũng sẽ được yêu quý.
Dạy trẻ biết cảm ơn và xin lỗi (Ảnh minh họa)
Biết nói câu xin lỗi khi sai cũng là điều vô cùng quan trọng mà đứa trẻ nào cũng cần phải được dạy dỗ. Khi cha mẹ dạy con điều này, trẻ sẽ tự hình thành thói quen và phản xạ tự nhiên mỗi khi làm điều gì đó không đúng. Dạy trẻ biết nhận khuyết điểm của mình, không trốn tránh trẻ sẽ biết mình sai ở đâu và cha mẹ cũng không rơi vào tình huống ép buộc con phải nói xin lỗi trong khi trẻ không muốn và không nhận ra sai lầm của mình.
Việc dạy con biết xin lỗi vô cùng quan trọng, nó sẽ giúp trẻ có tính khiêm nhường. Tuy nhiên, cha mẹ cũng nên chú ý đến độ tuổi của trẻ mà đưa ra những lời giải thích phù hợp. Đó cũng là cách giúp trẻ từ từ nhận ra tại sao việc xin lỗi là vô cùng cần thiết.
Làm người có ích và hào phóng
Dạy trẻ biết hào phóng (Ảnh minh họa)
Trẻ em giống như một tờ giấy trắng, và việc bố mẹ tô vẽ thế nào lên tờ giấy trắng đó phần lớn sẽ quyết định hình thành tính cách – đạo đức con người của trẻ về sau. Việc dạy con trở thành một người có ích và hào phóng sẽ tốt cho cuộc sống và hình thành nhân cách cũng như suy nghĩ đúng đắn cho trẻ đối với vai trò của mình.
Đây là một giá trị đạo đức mà tốt hơn hết là cha mẹ dạy cho con bằng hành động chứ không phải bằng lời. Bởi vậy, để con trở thành một người hữu ích và hào phóng với mọi người thì bản thân bố mẹ phải là người trao cho trẻ những giá trị đó ngay từ khi còn nhỏ. Nếu con trẻ bắt gặp bố mẹ mình đối đãi hào phóng và là một người có ích với mọi người, chắc chắn trẻ sẽ học theo.
Cha mẹ cũng có thể đưa ra những ví dụ cụ thể về sự việc đang diễn ra trước mắt để con có thể hiểu tầm quan trọng của một người sống hữu ích, có ý nghĩa.
Luôn thận trọng và biết suy xét
Thận trọng xem xét trước khi đưa ra quyết định nào đó là việc quan trọng mà mỗi bậc cha mẹ cần phải dạy con qua lời nói và hành động. Ban đầu, đối với trẻ việc này có thể hơi phức tạp nhưng khi lớn lên, con bạn sẽ suy nghĩ về giá trị đạo đức này mà cha mẹ đã dạy mình từ khi còn nhỏ.
Việc định hướng trẻ thận trọng xem xét vấn đề trước khi đưa ra quyết định góp phần giúp trẻ hình thành thói quen đánh giá vấn đề chính xác và đúng đắn nhất, tránh tình trạng phải hối hận vì xử lý hấp tấp, vội vàng.
Biết quan sát và học hỏi
Dạy trẻ quan sát học hỏi (Ảnh minh họa)
Quan sát cũng là một kỹ năng cần phải dạy trẻ bởi với những đứa trẻ được rèn luyện kỹ năng này sẽ có những cư xử và ứng phó tốt hơn trong nhiều tình hướng của cuộc sống. Chúng sẽ tinh tế hơn, nhạy bén hơn, ứng phó nhanh hơn vì đã có những bài học thực tế của người khác.
Không làm tổn thương người khác
Đây là một trong những giá trị đạo đức vô cùng quan trọng mà cha mẹ phải dạy cho con của mình. Cho dù là hành động vô ý thì việc khiến ai đó bị tổn thương về mặt thể chất hoặc tinh thần có thể dẫn đến những sự việc đáng tiếc. Vì thế, hãy giải thích cho con hiểu việc làm người khác đau buồn không có gì là tốt đẹp. Giải thích cho con thấy một khi mình đối xử với người khác như vậy thì lúc nào đó chính bản thân con cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.
Cha mẹ cần giúp con hiểu được giá trị của sự đồng cảm, chia sẻ. Đánh động lòng trắc ẩn của con với nỗi đau của người khác. Một khi dạy con được giá trị đạo đức này, khi lớn lên, con sẽ biết tôn trọng cuộc sống của chính mình và của người khác. Dẫn đến không có những hành động sai lầm, ích kỉ, nông nổi.
Lời kết
Trẻ em là một trang giấy trắng tinh khiết, không có một đứa trẻ nào khi sinh ra đã là một đứa trẻ ngoan hay hư vì vậy nhân cách của trẻ chính là tấm gương phản ánh sự giáo dục của cha mẹ. Giáo dục trẻ thành người có đạo đức tốt là việc làm không đơn giản đòi hỏi bố mẹ phải luôn chuẩn mục và kiên trì lặp đi lặp lại để khắc sâu vào tâm trí trẻ những giá trị tốt đẹp.
Benh.vn tổng hợp