Có nhiều người bàn tay, bàn chân lúc nào cũng lạnh kể cả mùa đông hay mùa hè, ngược lại có người khi cầm vào tay họ người cầm sẽ cảm nhận được ngay sự ấm nóng, mềm mại… Vậy, chân tay lạnh có phải là bệnh lý hay chỉ là những biểu hiện thông thường? Nguyên nhân gây nên bệnh chân tay lạnh là gì? Cách phòng tránh ra sao?
Mục lục
Bệnh chân tay lạnh
Bệnh chân tay lạnh là một bệnh lý cho thấy thể chất hư yếu, dinh dưỡng không đủ hay bệnh tật… Các biểu hiện của bệnh như sau.
- Da chân tay nhợt nhạt, xanh xao, thậm chí chuyển sang màu hơi trắng.
- Da ngứa và thô ráp.
- Vùng da chân tay trở lên đen và dày hơn.
- Bị phù tay chân, hoặc xuất hiện mụn nước…
Bệnh chân tay lạnh (Ảnh minh họa)
Nguyên nhân khiến chân tay lạnh
Do nhiệt độ môi trường
Khi nhiệt độ quá lạnh và cơ thể tiếp xúc quá lâu trong môi trường lạnh làm cho chân tay trở nên lạnh cóng.
Khí huyết không lưu thông:
Khi trời lạnh, nhiệt độ ngoài trời hạ làm các thành mạch co lại, khí huyết không được lưu thông dễ dàng có thể dẫn tới tình trạng tắc nghẽn mạch.
Lượng máu lưu thông không đủ nuôi dưỡng tế bào, đặc biệt ở phần chân và tay. Sức đề kháng của cơ thể giảm sút khiến chân tay sẽ lạnh và luôn có màu nhợt nhạt.
Thiếu máu
Những người bị thiếu máu, thiếu sắt lượng hồng cầu trong máu hạ thấp cũng gây nên bệnh chân tay lạnh.
Bị bệnh chân tay lạnh do thiếu máu, thiếu sắt (Ảnh minh họa)
Ăn uống không đầy đủ
Đối với những người ăn kiêng không khoa học dẫn đến: đói, thiếu i ốt, không đảm bảo chất dinh dưỡng, thiếu vitamin B12 cũng làm cho chân tay lạnh và có cảm giác tê buốt như bị kim châm.
Do rối loạn nội tiết
Hệ thống nội tiết đóng vai trò không thể thiếu trong chức năng trao đổi chất và điều này có thể trực tiếp ảnh hưởng đến nhiệt độ cơ thể.
Chân tay lạnh biểu hiện của bệnh
Do suy giáp:
Bàn tay, chân lạnh kèm theo rụng tóc và mất trí nhớ là biểu hiện của suy giáp.
Do bệnh huyết áp thấp:
Những người có huyết áp thấp nhưng khỏe mạnh thường tập trung dòng máu vào phần thân mình, khiến các đầu ngón tay, chân bị lạnh.
Chân tay lạnh là biểu hiện của huyết áp thấp (Ảnh minh họa)
Do mắc bệnh về tim mạch:
Một số bệnh về tim mạch có thể là nguyên nhân khiến hai bàn tay và bàn chân lạnh.
Sự thay đổi nhiệt độ bên ngoài có thể làm giảm hoặc làm mất khả năng lưu thông máu tới các chi.
Phòng bệnh
Giữ ấm chân tay
- Trời lạnh, cần đặc biệt giữ ấm tay chân bằng cách đi gang tay, tất chân bằng chất liệu mềm, thấm hút mồ hôi.
- Giảm thiểu tiếp xúc với môi trường lạnh:
- Khi trời lạnh, tuyệt đối không uống nước lạnh, không để chân, tay tiếp xúc với đất hoặc nước lạnh.
- Ngâm chân tay bằng nước ấm trước khi đi ngủ:
- Ngâm chân và tay trong nước ấm pha chút muối từ 10 đến 15 phút trước khi đi ngủ là một biện pháp hữu hiệu giúp chân tay ấm áp, kích thích lưu thông máu. Sau đó, lau khô tay, chân bằng khăn mềm.
Ngâm chân, tay vào nước ấm trước khi đi ngủ (Ảnh minh họa)
Tập thể dục
Vận động nhiều sẽ làm cho cơ thể nóng lên, tăng cường và điều tiết tuần hoàn máu.
Tập thể dục giúp tay chân giãn nở các mạch máu, lưu thông khí huyết, làm cho sắc da chân, da tay không bị tái xám và buốt lạnh.
Chế độ ăn uống và dinh dưỡng
Mùa lạnh nên tăng cường đồ ăn có nhiều calo và chất béo vì chúng cung cấp cho cơ thể nhiều nhiệt lượng.
Bổ sung các thực phẩm chứa vitamin nhóm: B, vitamin C, E và các axit amin..
Ăn nhiều thực phẩm chứa niaci: gan động vật, trứng, sữa, pho mát, các sản phẩm từ bột mì chưa tẩy trắng, nấm, lạc, đậu, cà phê….
Niacin giúp điều trị các chứng tiêu chảy kích thích, viêm da, và nở rộng các mạch máu ngoại biên, cải thiện chứng lạnh chân tay.
Ăn nhiều cà rốt, cà chua, súp lơ, tiêu, ớt… và đầy đủ các nhóm thực phẩm.
Uống nhiều nước để duy trì sức khỏe, đặc biệt có tác dụng đẩy mạnh lưu thông máu, nên uống tối thiểu 2 lít nước/ngày/người.
Lưu ý:
Không nên để bụng đói vì khi đói, nhiệt độ cơ thể sẽ giảm hơn so với ở mức bình thường.
Có thể uống một cốc trà gừng trước khi đi ngủ sẽ rất tốt cho sức khỏe.
Trà gừng có tác dụng mang đến sự ấm áp khi lạnh giá, làm ấm và lưu thông tuần hoàn ngoại biên, hạn chế tối đa sự tê dại, cóng, buốt ngón tay và ngón chân, làm thư giãn các mạch máu và giúp lưu lượng máu chảy qua nhiều hơn, da dẻ hồng hào hơn.
Chữa bệnh
Bệnh nhân cần làm xét nghiệm máu và thực hiện các kiểm tra lâm sàng khác để xác định đúng nguyên nhân gây bệnh. Tùy theo nguyên nhân, bác sĩ sẽ áp dụng biện pháp điều trị thích hợp.
Lời kết
Tay và chân thuộc thành phần ngoại vi của cơ thể, do đó nhiệt độ thường thấp hơn các bộ phận khác. Đó là lý do tại sao trong thời tiết lạnh, rất nhiều người tay, chân lạnh ngắt, thậm chí khi cơ thể được ủ ấm trong chăn, chân đi tất rất lâu.
Với những bệnh nhân bị bệnh tay chân lạnh khi thời tiết lạnh, đa số đều không đáng lo ngại, chỉ cần thực hiện một số biện pháp đơn giản và giữ ấm chân tay. Song ngược lại cũng có một số người bị tay chân lạnh lại là dấu hiệu của các căn bệnh khác nguy hiểm hơn rất nhiều.
Vì vậy, khi thấy chân tay lạnh kèm theo những biểu hiện mệt mỏi, rụng tóc, chân tay như kim châm… thì nên đi khám để tầm soát bệnh và kịp thời điều trị.