Năm 2016 ngành y tế Việt Nam đã lập được những thành tựu rực rỡ khi Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành (Executive Board) của Tổ chức Y tế Thế giới, sản xuất thành công vaccine phối hợp sởi – rubella, phẫu thuật nội soi bằng Robot cho người lớn…Chúng ta hãy cùng điểm lại những thành tựu nổi bật của ngành y tế năm 2016
Mục lục
- 1 Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành WHO
- 2 Việt Nam sản xuất thành công vaccine phối hợp sởi – rubella
- 3 Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ tại Việt Nam
- 4 Lần đầu tiên tại Việt Nam, thực hiện phẫu thuật nội soi bằng Robot cho người lớn
- 5 Triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh
- 6 Đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Việt Nam được bầu vào Ban Chấp hành WHO
Với sự đồng thuận, nhất trí cao, Việt Nam đã được bầu vào Ban Chấp hành (Executive Board) của Tổ chức Y tế Thế giới (World Health Organization, WHO) nhiệm kỳ 3 năm, từ 2016 – 2019.
Việt Nam sản xuất thành công vaccine phối hợp sởi – rubella
Ngày 8/11/2016, Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và Sinh phẩm Y tế (Bộ Y tế) cho biết đã thử nghiệm lâm sàng thành công vaccine phối hợp sởi-rubella. Đây là vaccine sởi-rubella đầu tiên được chuyển giao công nghệ sản xuất thành công tại Việt Nam.
Dự kiến, loại vaccine này sẽ được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 2017.
Em bé đầu tiên ra đời bằng phương pháp mang thai hộ tại Việt Nam
Lúc 7h20 ngày 22/1/2016, em bé đầu tiên được sinh từ mang thai hộ đã chào đời tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, bằng kỹ thuật mổ sinh, đánh dấu thành công kỹ thuật mang thai hộ và thực hiện theo đúng Luật Hôn nhân và gia đình sửa đổi được Quốc hội thông qua năm 2015.
Theo thống kê đến nay, cả ước đã có gần 200 hồ sơ mang thai hộ được duyệt, trong đó hơn 30 trường hợp đã sinh con. Hiện tại, cả nước có 3 đơn vị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ là Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM) và Bệnh viện Trung ương Huế.
Lần đầu tiên tại Việt Nam, thực hiện phẫu thuật nội soi bằng Robot cho người lớn
Ngày 10/12/2016, Bệnh viện Bình Dân (TP.HCM) thực hiện thành công phẫu thuật nội soi bằng robot và khánh thành khu phẫu thuật bằng robot. Đây là hệ thống robot phẫu thuật thứ hai được Bộ Y tế cấp phép điều trị tại Việt Nam. Trước đó, năm 2013, Bệnh viện Nhi Trung ương đã thực hiện kỹ thuật này cho trẻ em.
Triển khai đồng bộ các giải pháp hướng tới sự hài lòng của người bệnh
Việt Nam hướng tới đổi mới toàn diện trong phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Sau hơn một năm thực hiện, đến nay, tại các cơ sở khám chữa bệnh đã có sự chuyển đổi rõ rệt trong tư duy quản lý theo phương pháp tiếp cận từ “phục vụ” sang “cung cấp dịch vụ”.
Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 5/12/2016).
Đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế
Đưa tiền lương vào giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại 32 tỉnh, thành phố có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế cao, theo đúng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Theo đó, chuyển ngân sách Nhà nước đang cấp tiền lương cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm y tế nhằm thực hiện mục tiêu bảo hiểm y tế toàn dân, đồng thời thực hiện chủ trương giảm số người hưởng lương từ nguồn ngân sách Nhà nước theo Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị khóa XI.
Ngoài ra, Bộ mã danh mục dùng chung trong quản lý khám, chữa bệnh và thanh toán BHYT lần đầu được xây dựng và triển khai rộng rãi. Năm 2016, 81,3% dân số tham gia bảo hiểm y tế, vượt chỉ tiêu của Quốc hội và Chính phủ giao (năm 2016, Chính phủ giao 79%).
Đặc biệt, chỉ số cải cách hành chính của Bộ Y tế tăng 9 bậc so với năm 2015 (xếp thứ 17/19 lên 8/19 bộ, ngành do Chính phủ công bố năm 2016).
Benh.vn (Theo giaothong.vn)