Đây là một sáng kiến chung của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) mà Việt Nam là quốc gia đầu tiên triển khai thí điểm.
“Sử dụng phương pháp điều trị HIV 2.0 góp phần giảm chi phí xét nghiệm và theo dõi của người bệnh. Đồng thời phân cấp điều trị cho người bệnh tới y tế cơ sở gần nơi người bệnh sinh sống và lồng ghép với hệ thống y tế hiện hành. Điều này sẽ giảm đáng kể kinh phí đi lại và tiết kiệm được khá lớn nguồn nhân lực”, TS Bùi Đức Dương nói.
Giảm giá thành điều trị cho người bệnh
Triển khai phương pháp điều trị 2.0 tại hai tỉnh thí điểm đã có sự đồng thuận thống nhất chỉ đạo thực hiện từ Ban chỉ đạo phòng, chống HIV/AIDS tuyến tỉnh, thành phố đến tuyến xã, phường; đã hoàn thiện công tác tập huấn cho các cán bộ tại trạm y tế xã và các đơn vị liên quan trong việc cung cấp dịch vụ và phối hợp cung cấp dịch vụ. Các địa phương bắt đầu cung cấp dịch vụ tư vấn, chẩn đoán, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS tại xã, phường từ tháng 6/2012.
Phương pháp 2.0 góp phần tối ưu hóa công thức điều trị, giảm số lượng viên thuốc, giảm độc tính của thuốc. Để điều trị HIV/AIDS, người bệnh thường phải uống nhiều viên (loại) thuốc/lần uống và uống nhiều lần /ngày, nhưng với phương pháp này người bệnh chỉ cần sử dụng một viên thuốc phối hợp sẽ giảm được số lần uống. Các thuốc này có tác dụng tương hỗ lẫn nhau, không ảnh hưởng tới các thuốc điều trị khác như thuốc chống lao, thuốc tránh thai… và thích hợp với cả người lớn, trẻ em, phụ nữ mang thai… Người bệnh được điều trị sớm hơn, trong lúc tải lượng virus còn thấp giảm nhiều lần số virus trong máu bệnh nhân. Thậm chí trong thời gian 4-8 tuần hoặc 8-12 tuần, không còn khả năng lây nhiễm cho người khác góp phần tăng chất lượng sống cho người bệnh, giảm tỷ lệ tử vong đến mức thấp nhất.
Đặc biệt, phương pháp này sẽ làm đơn giản hóa quy trình chẩn đoán, sử dụng phương pháp chẩn đoán sớm với công cụ chẩn đoán rẻ hơn; giảm giá thành dịch vụ xét nghiệm, thuốc, chi phí cho thầy thuốc và bệnh nhân… Điều này không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh mà còn tiết kiệm chi phí cho những nơi cung cấp dịch vụ. Tại hai địa phương triển khai, Bộ Y tế sử dụng test chẩn đoán HIV nhanh và thực hiện lồng ghép dịch vụ cung ứng chẩn đoán, điều trị ngay tại tuyến xã, phường và huyện. Khi có kết quả chẩn đoán HIV dương tính sẽ được kết nối ngay với cơ sở điều trị, bệnh nhân được đăng ký quản lý và cung cấp các dịch vụ có liên quan, tránh mất dấu bệnh nhân. Người bệnh sẽ giảm chi phí thời gian nằm viện, điều trị bằng thuốc nhiễm trùng cơ hội và đi lại cho bệnh nhân. Người nhiễm HIV được hỗ trợ tham gia các dịch vụ kết nối chăm sóc điều trị ARV với điều trị bằng Methadone, trao đổi bơm kim tiêm, cấp phát bao cao su. Ở mỗi huyện sẽ thiết lập một điểm cung cấp, kết nối dịch vụ. Do vậy, bệnh nhân nên tiếp cận với chương trình này càng sớm càng tốt.
Mô hình được nhân rộng
Tỉnh Điện Biên đang triển khai “Mô hình thí điểm tiếp cận điều trị 2.0” tại 4 huyện, thành phố: Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo và TP Điện Biên Phủ nhằm tăng tối đa hiệu quả của chương trình điều trị HIV. Tại huyện Điện Biên, các phòng 2.0 đã chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1/8/2012 ở 3 xã Thanh Hưng, Thanh Luông và Thanh Chăn. Ở mỗi xã đã thành lập 1 tổ gồm 3 người (2 y sĩ và 1 nữ hộ sinh) tham gia mô hình. Cán bộ làm ở phòng 2.0 phải có nền cơ bản về chuyên môn và được tập huấn về kỹ năng tư vấn, xét nghiệm…
Nhiều năm qua, Việt Nam đã thành công trong việc mở rộng phạm vi điều trị HIV nhưng hầu hết những người sống với HIV đều bắt đầu điều trị muộn, khi hệ thống miễn dịch của họ đã bị suy yếu và các nhiễm trùng cơ hội như bệnh lao đã thâm nhập, khiến cho việc điều trị rất ít hiệu quả, làm gia tăng số ca tử vong. Ngay tại Điện Biên, theo Cục Phòng, chống HIV/AIDS, 80% các ca nhiễm HIV tại đây là do lây truyền qua đường máu. Tỷ lệ nhiễm HIV ở phụ nữ mang thai tại đây cao gấp 7 lần so với tỷ lệ chung của toàn quốc. Song có tới hơn một nửa số người nhiễm HIV ở Điện Biên tiếp cận tới chương trình chăm sóc điều trị rất muộn và độ bao phủ của chương trình này vẫn còn thấp, mới điều trị được cho 763 trong tổng số 4.330 người nhiễm HIV.
Riêng huyện Điện Biên có lũy tích 2.190 người nhiễm HIV, 925 trường hợp chuyển sang giai đoạn AIDS (trong đó, 723 trường hợp đã tử vong do AIDS). Người nhiễm HIV còn sống đang được quản lý của huyện là 1.271 người, chiếm 1,15% dân số. Bảy tháng đầu năm 2012, huyện Điện Biên đã phát hiện 175 trường hợp nhiễm mới. Số người nhiễm HIV cao, song trên thực tế số người được chăm sóc, điều trị tại các cơ sở y tế lại khá ít. Một nguyên nhân dẫn tới tình trạng này là do người bệnh e ngại khi đến thăm, khám điều trị, sợ bị người khác phát hiện và kỳ thị…
Việc đi vào hoạt động của phòng 2.0 bước đầu được nhân dân đồng tình hưởng ứng. Mô hình 2.0 tại huyện cũng giảm đáng kể sự e ngại khi phải đến khám. Việc xét nghiệm, sàng lọc và trả kết quả cũng diễn ra trong ngày và ngay tại xã… Người nhiễm HIV được bắt đầu điều trị sớm hơn để giảm các nguy cơ lây nhiễm; 100% phụ nữ có thai được xét nghiệm trong 3 tháng đầu và theo dõi cụ thể… Số người nghiện ma túy; phụ nữ có thai; người có vợ hoặc chồng nhiễm HIV… tự nguyện đến xét nghiệm HIV đã nhiều lên đáng kể. Tại xã Thanh Hưng đã xét nghiệm HIV cho 71 phụ nữ mang thai. Các bệnh nhân HIV/AIDS trên địa bàn xã trước đây vẫn nhận thuốc ở tuyến huyện, tỉnh sẽ được chuyển về nhận thuốc tại phòng 2.0 ở xã. Là xã biên giới, Thanh Luông cũng là xã “nóng” về tình trạng nghiện trích ma túy và lây nhiễm HIV cũng đã xét nghiệm cho 60 phụ nữ mang thai; 1 trường hợp có nguy cơ cao đã được hẹn kiểm tra lại sau.
Cùng với Điện Biên, Bộ Y tế cũng triển khai thí điểm mô hình 2.0 này tại TP Cần Thơ. Sau khoảng một năm rưỡi thí điểm phương pháp này tại hai địa phương đầu tiên, tới năm 2013, phương pháp sẽ được triển khai mở rộng tại các địa phương khác. Phương pháp 2.0 triển khai tận xã sẽ tăng hiệu quả điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS. Triển khai chiến lược 2.0 vào điều trị sẽ giảm tỉ lệ tử vong, giảm tỉ lệ lây nhiễm cho người bệnh và tiến tới mục tiêu “ba không” của WHO đặt ra là: Nói không với tỉ lệ tử vong HIV, nói không với lây nhiễm HIV mới, nói không với kỳ thị HIV/AIDS.
Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 1039/QĐ-BYT về việc triển khai thí điểm mô hình tiếp cận điều trị 2.0. Theo đó triển khai ở TP Cần Thơ (quận Ninh Kiều, huyện Vĩnh Thạnh, huyện Ô Môn và huyện Thốt Nốt) và tỉnh Điện Biên (TP Điện Biên, huyện Điện Biên, huyện Mường Ẳng và huyện Tuần Giáo). Mỗi quận/huyện lựa chọn ba xã. Thời gian thí điểm đến tháng 6/2013. Nội dung chính nhằm phân cấp việc cung cấp dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV, cung cấp dịch vụ tư vấn, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS bao gồm việc cấp phát thuốc ARV tại trạm y tế xã/phường; phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ y tế xã phường với nhóm đồng đẳng, nhóm dễ nhiễm HIV trong việc cung cấp dịch vụ và hỗ trợ tuân thủ điều trị cho người nhiễm HIV tại tuyến xã.
Benh.vn (theo giadinhnet)