Sự can đảm cắt bỏ ngực và công bố quá trình điều trị trên truyền thông đại chúng của diễn viên nổi tiếng Angelina Jolie đã làm dấy lên làn sóng quan tâm mạnh mẽ về việc phòng ngừa, điều trị ung thư vú của phụ nữ. Ở Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, căn bệnh này hiện cũng đã bước lên trở thành sát thủ ung thư số 1 ở phụ nữ.
Mục lục
Có thể tái tạo “núi đôi”
Tiến sĩ – bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, cho biết bệnh ung thư vú từ vị trí thứ 2 (sau ung thư cổ tử cung) vào khoảng 10 năm trước đây, nay đã bước lên vị trí là bệnh ung thư hàng đầu của phụ nữ ở VN.
Theo thống kê của Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, chỉ tính riêng TP.HCM, tỉ suất mắc ung thư vú là 19,7 người mắc/100.000 dân.
“Tuy nhiên, có một điều tiến bộ là nếu như 10 năm trước, hơn 2/3 số trường hợp ung thư vú tới bệnh viện đã ở giai đoạn muộn thì hiện nay người dân có ý thức phát hiện sớm. Có khoảng ½ số ca được phát hiện sớm và có thể được bệnh viện chữa khỏi, sống ít nhất 5 năm”, bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh cho biết.
Angelina Jolie trở thành biểu tượng của lòng dũng cảm, khuyến khích phụ nữ phòng ngừa căn bệnh ung thư vú (Ảnh minh họa)
Giai đoạn sớm là giai đoạn khối ung thư vẫn khu trú ở vú chứ chưa di căn. Y học hiện nay và ngay tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM đã có nhiều kỹ thuật điều trị tiến bộ, hóa trị, xạ trị, cũng như hoàn toàn có thể điều trị bảo tồn vú cho bệnh nhân (phẫu thuật nhưng vẫn giữ lại bộ ngực).
Bác sĩ Thịnh cho biết thêm: “Thậm chí, trong trường hợp phải cắt bỏ đi ngực của bệnh nhân thì vẫn có thể tái tạo lại ngực vì bác sĩ sẽ chỉ cắt bỏ phần mô vú bên trong, còn nhũ hoa, da vú đều giữ lại để tái tạo lại ngực cho bệnh nhân”.
“Ngay cả với Angelina Jolie, cắt vú không có nghĩa là từ nay ngực cô ấy sẽ “phẳng lì” mà tiếp sau là quá trình tái tạo ngực”, bác sĩ Thịnh nói.
Việc tái tạo lại ngực có thể hiểu nôm na giống như việc chị em đi phẫu thuật thẩm mỹ nâng, độn ngực vậy.
Xét nghiệm ung thư vú không dễ
Theo bác sĩ Thịnh, BRCA1 và BRCA2 là gen tồn tại trong cơ thể con người (cả nam lẫn nữ) nhằm giúp cho việc sửa chữa những bất thường, tổn thương của tế bào trong cơ thể. Nhưng nếu gen BRCA1 và BRCA2 bị đột biến thì gen này không có chức năng là “một thợ sửa chữa” như được tạo hóa phân công nữa.
Do đó, các tế bào bị hư hại sẽ không được sửa chữa và sinh sôi bất thường, gây nguy cơ ung thư cao (ở nữ rủi ro đến hơn 80% là ung thư vú và ung thư buồng trứng; ở nam là ung thư tuyến tiền liệt).
Tuy nhiên, bác sĩ Thịnh cho biết, hiện nay khoa học chưa xác định được độ tuổi người phụ nữ sẽ mắc ung thư vú trong trường hợp mang gen BRCA1 và BRCA2 bị lỗi. Đây là cơ sở quan trọng cho những khuyến cáo của bác sĩ trong phòng ngừa ung thư vú.
“Vì nếu nguy cơ ung thư vú do gen này đột biến chỉ ở độ tuổi 50-60 thì việc khuyên một phụ nữ ở tuổi 20-30 phẫu thuật cắt vú là quá sớm và chưa phải là hay”, bác sĩ Thịnh nói.
Xét nghiệm ung thư vú vẫn là một điều khó thực hiện với phụ nữ (Ảnh minh họa)
Bác sĩ Thịnh phân tích thêm, trên lý thuyết và khuyến cáo y học, tất cả phụ nữ, nếu có mẹ hoặc những người thân nữ trong gia đình bị ung thư vú hay có bất thường gen BRCA1, BRCA 2 thì cần phải đi xét nghiệm gen BRCA1 và BRCA2.
Tuy nhiên, trên thực tiễn và tâm lý, ngay cả ở Mỹ và các nước phát triển châu Âu thì bác sĩ vẫn tư vấn cho phụ nữ muốn làm xét nghiệm này phải sẵn sàng đón nhận kết quả bất thường và liệu có sẵn sàng điều trị cắt bỏ vú dự phòng không.
“Trong trường hợp người phụ nữ chưa sẵn sàng và có đủ bản lĩnh cắt bỏ vú thì việc xét nghiệm BRCA1 và BRCA2 có khi còn gây tác dụng “ngược” khiến cuộc sống người đó luôn sợ hãi, lo lắng. Vì vậy, ngay cả việc xét nghiệm BRCA1 và BRCA2 đã là cả một sự can đảm, bản lĩnh và vấn đề lớn cần cân nhắc”, bác sĩ Thịnh nhận định.
Hiện nay, việc xét nghiệm BRCA1 và BRCA2 vẫn chưa thực hiện được tại VN. Chi phí để thực hiện xét nghiệm này cũng không nhỏ để phần lớn phụ nữ có thể với tới được, đặc biệt là tại các nước đang phát triển.
Vì vậy, có lẽ, cần nhận thấy rõ tấm gương của Jolie không phải chỉ là sự khuyến khích phụ nữ cắt vú để ngừa ung thư. Đó là món quà bài học về sự dũng cảm, giúp phụ nữ đối mặt với căn bệnh của mình – ung thư vú không phải là điều đáng sợ.
Đặc biệt lớn hơn, Angelina Jolie đang tạo một hiệu ứng truyền thông vô cùng to lớn và lan tỏa rộng rãi tuyên truyền cho mọi giới, mọi người phải quan tâm đến phòng chống, điều trị ung thư vú cho phụ nữ.
Ngoài nguyên nhân đột biến gen BRCA1 và BRCA2 thì ung thư vú còn do nhiều nguyên nhân khác từ lối sống như:
– Ăn nhiều chất béo, uống nhiều nước ngọt (người béo phì, người có mô mỡ trong tuyến vú hoặc dưới da nhiều thì càng có nguy cơ ung thư vú cao).
– Ít tiêu thụ rau xanh, trái cây (đây là thực phẩm có chất chống ôxy hóa, giúp cơ thể đào thải những chất độc hại).
– Nhịp sống công nghiệp, phụ nữ ăn uống đa dạng nhưng lại ít dành thời gian cho vận động, tập thể dục.
– Phụ nữ gần mãn kinh có khuynh hướng sử dụng các chất, thuốc tăng cường nội tiết tố thay thế, làm tăng estrogen, cũng làm tăng nguy cơ ung thư vú.
Những đối tượng phụ nữ dễ có nguy cơ ung thư vú
– Có mẹ, người thân nữ trong gia đình bị ung thư vú.
– Béo phì.
– Độc thân.
– Không sinh con hoặc có con nhưng không cho con bú.
Làm thế nào để phát hiện sớm ung thư vú
1. Đối với những phụ nữ khỏe mạnh, từ 35 tuổi trở lên, cần khám kiểm tra định kỳ vú và phụ khoa mỗi năm. Những phụ nữ có các yếu tố nguy cơ cao thì 3 – 6 tháng khám một lần theo chỉ định của bác sĩ.
2. Chụp nhũ ảnh định kỳ hằng năm hoặc theo chỉ định của thầy thuốc. Nhũ ảnh được đề nghị chụp tầm soát cho các phụ nữ trên 35 tuổi.
3. Tự khám vú: (với mọi phụ nữ trên 20 tuổi):
– Nên khám ngực mình từ ngày thứ 8 của chu kỳ kinh hay sau khi sạch kinh với nhịp độ mỗi tháng một lần. Như vậy sẽ giúp biết tình trạng mỗi bên vú nên rất dễ phân biệt được đâu là bình thường đâu là bất thường.
Các bước khám ngực như sau:
+ Đứng trước gương, ở trần, hai cánh tay buông xuôi hai bên hông, quan sát hai vú rồi đổi tư thế: hai tay để phía sau mông, nghiên nhẹ người tới trước, quan sát cả hai vú để xem có gì thay đổi về kích thước của hai vú (một bên lớn hơn thường lệ, hoặc teo nhỏ lại).
+ Quan sát da vú (da cam, da bị lõm xuống ở một vùng nào đó).
+ Xem núm vú có bị kéo lệch hay tụt vào không và ấn nhẹ núm vú xem có máu hay chất dịch tiết ra ở đầu núm vú không.
+ Nằm ngửa, kê gối hoặc khăn xếp lại dưới vai bên phải, tay phải để sau ót, dùng các ngón tay trái (bàn tay phải xòa thẳng), nhẹ nhàng ép sát tuyến vú vào thành sườn, bắt đầu phần trên rồi đến phần dưới của vú, cuối cùng là núm vú, nhằm tìm một cục u (khối u, khối bướu).
Khi khám vú trái thì đổi ngược tư thế lại.
+ Cuối cùng là nên sờ vùng nách hai bên để xem có u hoặc hạch nách không.
Nếu tự khám đều đặn và thường xuyên sẽ phát hiện được những khối u nhỏ hơn nhiều so với các phụ nữ không thực hiện việc tự khám vú mình.
Bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh, Phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM
Benh.vn (Theo TNO)