Vào dịp Tết Nguyên đán, ngoài việc trang trí nhà cửa đón Tết đón xuân, chúng ta cũng nên chuẩn bị sẵn một số loại thuốc thông dụng cho cả gia đình, đặc biệt là thuốc trẻ em. Bởi trong dịp Tết, trẻ rất dễ có nguy cơ mắc một số bệnh như cảm sốt, rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, tiêu chảy, dị ứng thức ăn…
Chính vì vậy, người lớn nên có sự chuẩn bị kỹ càng để dự phòng những trường hợp bất ngờ có thể xảy ra đối với các thành viên trong gia đình, nhất là trẻ nhỏ.
Mỗi gia đình nên có một tủ thuốc dự phòng để luôn sẵn sàng trong những tình huống bất ngờ.
Thuốc hạ sốt
Thuốc hạ sốt được các chuyên gia y tế khuyến cáo, an toàn nhất là Paracetamol. Loại thuốc này có thể là dạng viên nén, dạng bột hoặc viên đạn (dùng nhét vào hậu môn).
Tuy nhiên, thuốc hạ sốt chỉ được sử dụng khi trẻ sốt từ 38 độ trở lên và phải dùng nhiệt kế để cặp, không được dùng tay sờ lên trán trẻ rồi dự đoán. Người lớn cũng cần quan tâm đến liều lượng sử dụng vì nếu quá liều sẽ bất lợi cho sức khỏe của trẻ, thậm chí gây nguy hiểm.
Thuốc nhỏ mũi, mắt
Hãy chuẩn bị một số loại thuốc nhỏ mũi nhưng thông dụng nhất vẫn là nước muối sinh lý 0,9% hoặc Otrivin 0,05% và Naphazolin (loại dùng cho trẻ em). Trong đó, dung dịch nước muối sinh lý có thể vừa nhỏ mũi vừa nhỏ mắt được. Thuốc nhỏ mũi, mắt nói chung thường được sử dụng trong dịp Tết sau khi cho trẻ đi chơi về hoặc trẻ bị đau mắt, chảy mũi nước. Thuốc Otrivin 0,05% được sử dụng khi trẻ bị nghẹt mũi.
Thuốc táo bón
Dịp Tết, trẻ thường ăn nhiều chất đạm, mỡ trong khi đó lại ăn ít rau, chất xơ nên có thể bị táo bón. Vì vậy, hãy mua một vài tuýp Glycerin để bơm vào hậu môn trong trường hợp 3, 4 ngày trẻ không đi tiêu. Glycerin có tác dụng làm mềm phân và bôi trơn khi trẻ rặn, phân theo đó sẽ ra ngoài dễ dàng hơn. Ngoài ra cũng có thể mua thêm men vi sinh để hỗ trợ điều trị rối loạn tiêu hóa…
Dù sẵn thuốc nhưng trong nhiều trường hợp, người lớn không nên cho trẻ sử dụng ngay mà nên theo dõi tình trạng bệnh của con trước.
Thuốc tiêu chảy
Trong dịp Tết, trẻ có thể bị rối loạn tiêu hóa, đầy hơi, tiêu chảy… Vì vậy, cần chuẩn bị một số loại thuốc như Smecta hay ORS. Khi bị tiêu chảy, trẻ thường không sốt và có thể dùng Smecta với liều lượng: trẻ dưới 1 tuổi uống 1 gói/ngày, chia hai lần, mỗi lần 1/2 gói; trẻ 1-2 tuổi uống 1-2 gói, chia hai lần và trẻ trên 2 tuổi ngày uống 2-3 gói, chia thành 2-3 lần, uống sau ăn.
Khi bị tiêu chảy, nếu trẻ nôn hoặc sốt thì cần cho uống ORS để bù lượng nước và chất điện giải bị mất. Pha một gói ORS 5,63 gam/gói vào 200ml nước đun sôi để nguội, liều dùng như sau: trẻ dưới 2 tuổi uống 50ml/lần, ngày uống 2-3 lần; trẻ từ 2-6 tuổi uống 100 ml/lần, ngày uống 2-3 lần; trẻ từ 6-12 tuổi uống 150 ml/lần, ngày uống 2-3 lần. Cần lưu ý, mỗi gói ORS không chia nhỏ để pha mà pha một lúc vào 200ml nước. Nếu trẻ vẫn không có dấu hiệu thuyên giảm hoặc bệnh trở nặng hơn, nên đưa trẻ đến bệnh viện để được thăm khám và chữa trị kịp thời.
Hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và dược sĩ trước khi xây dựng tủ thuốc gia đình, đặc biệt là cho trẻ nhỏ.
Thuốc hen suyễn
Với những trẻ có bệnh mãn tính như viêm phế quản hoặc hen suyễn, gia đình phải luôn có đủ thuốc (mua theo đơn bác sĩ), không để trẻ lên cơn hen mà không có thuốc. Nếu trẻ đã được điều trị hen bằng thuốc vừa có tác dụng dự phòng vừa có tác dụng chữa cơn hen thì không được quên dùng thuốc mỗi ngày.
Ngoài ra, dịp Tết mỗi gia đình cũng nên chuẩn bị một số thuốc sát trùng dùng cho trẻ như bêtađin, cồn 70 độ và băng dính, đề phòng trẻ chơi đùa, nghịch bị trầy xước da…