Ung thư vòm họng là căn bệnh nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao. Vì vậy, ung thư vòm họng sống được bao lâu là câu hỏi phổ biến của người bệnh cũng như gia đình của họ. Bài viết dưới đây sẽ trả lời ngay câu hỏi này cho bạn.
Mục lục
Tổng quan về bệnh ung thư vòm họng
Ung thư vòm họng là bệnh ác tính có tỷ lệ mắc khá cao tại Việt Nam, lên tới 12 %. Phổ biến nhất hiện nay là thể ung thư biểu mô vòm họng. Bệnh bắt nguồn từ tế bào trong vòm họng và không chỉ gây những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mà còn có tiên lượng tử vong cao.
Nguyên nhân ung thư vòm họng hiện nay chưa được xác định đầy đủ, khiến việc phòng tránh, điều trị bệnh rất khó khăn và phức tạp. Một số yếu tố sau đây được chỉ ra là có vai trò lớn trong sự khởi phát và tiến triển bệnh ung thư vòm họng:
- Nhiễm virus: Virus Epstein-Barr (EBV), một số ít trường hợp liên quan đến virus HPV.
- Đặc điểm di truyền: Người mang gen gây ung thư (LMP1), gen liên quan đến sự phát triển bệnh (HLA-I, MDM2, MMP2, TP53,…) dễ mắc ung thư vòm họng hơn. Ngoài ra, người trong gia đình có người mắc ung thư vòm họng cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Đặc điểm nhân khẩu học: Tỷ lệ mắc ung thư vòm họng rất cao ở Trung Quốc (lên tới 18%). Ngoài ra bệnh cũng phổ biến ở châu Á và châu Phi. Tỷ lệ mắc bệnh ở người sống tại châu Âu và châu Mỹ rất thấp.
- Lối sống không lành mạnh: Lạm dụng thuốc lá, rượu bia, sử dụng thực phẩm hun khói, đồ lên men và muối chua nhiều.
- Giới tính: Bệnh có tỷ lệ mắc cao ở nam giới hơn so với nữ giới.
- Độ tuổi: Độ tuổi phát bệnh thường từ 40 – 60.
- Môi trường làm việc ô nhiễm: Nhiều khói bụi, hóa chất gây ung thư,…
- Thuốc: Aspirin, Tetracycline, Simvastatin,…
Những yếu tố nào ảnh hưởng đến thời gian sống của người bệnh ung thư vòm họng?
Ung thư vòm họng sống được bao lâu không chỉ phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh mà còn liên quan đến nhiều yếu tố sau đây:
- Mức độ lan rộng của bệnh ung thư: Người bệnh ung thư vòm họng khu trú sẽ có thời gian sống dài hơn người bệnh có khối u đã di căn sang các bộ phận khác của cơ thể.
- Tuổi tác: Người bệnh trẻ tuổi có cơ hội sống cao hơn so với người lớn tuổi.
- Sức khỏe: Người có thể trạng khỏe mạnh có thời gian sống kéo dài hơn so với người yếu ớt, suy nhược cơ thể hoặc có các bệnh nền khác đi kèm, đặc biệt là các bệnh chuyển hóa như đái tháo đường.
- Mức độ đáp ứng với điều trị: Người bệnh đáp ứng tốt với các liệu pháp điều trị có thể kéo dài thời gian sống tốt hơn, thậm chí khỏi hẳn khi phát hiện bệnh sớm.
- Mức độ ADN của virus Epstein-Barr (nguyên nhân chủ yếu gây tiến triển bệnh) trong máu trước khi điều trị cũng có thể ảnh hưởng đến triển vọng kéo dài sự sống của người bệnh.
- Chất lượng chăm sóc và điều trị: Người bệnh có thể sống lâu hơn khi tuân thủ điều trị và thực hiện tốt các biện pháp cải thiện sức khỏe tổng thể.
Bệnh ung thư vòm họng sống được bao lâu?
Dưới đây là thống kê thời gian sống còn của bệnh nhân ung thư vòm họng tính từ thời điểm được chẩn đoán mắc bệnh:
Ung thư vòm họng sống được bao lâu phụ thuộc vào giai đoạn phát hiện bệnh
Người bệnh ung thư vòm họng sống được bao lâu phụ thuộc rất lớn vào giai đoạn phát hiện bệnh. Người bệnh càng phát hiện ung thư sớm, thời gian sống càng dài và thậm chí là có thể khỏi bệnh. Tuy nhiên, giống như những bệnh ung thư khác, ung thư vòm họng thường không biểu hiện triệu chứng trong những giai đoạn đầu, gây khó chẩn đoán sớm.
Thời gian sống của người bệnh ung thư vòm họng theo giai đoạn phát hiện bệnh:
- Giai đoạn I: Người bệnh ung thư vòm họng trong giai đoạn này được điều trị kịp thời có tỷ lệ sống trên 5 năm lên tới 80 – 90%.
- Giai đoạn II: Tỷ lệ sống sau 5 năm ở người bệnh phát hiện trong giai đoạn II giảm xuống còn 60%.
- Giai đoạn III và IV: Trong những giai đoạn này, cơ hội sống sót trên 5 năm của người bệnh giảm sâu từ 30 xuống 15%.
Hiện nay, đa số người bệnh đi khám và chẩn đoán ung thư vòm họng đều đã ở giai đoạn 3 và 4 khi có biểu hiện của di căn (hạch ở cổ, tổn thương thần kinh sọ). Do vậy khả năng điều trị thành công và có thể phục hồi là rất thấp.
Ung thư vòm họng sống được bao lâu phụ thuộc vào mức độ di căn của bệnh
Hiệp hội Ung thư Mỹ đã thống kê kết quả sống sót cho các bệnh ung thư và tạo cơ sở dữ liệu SEER. Cơ sở dữ liệu này không phân loại theo giai đoạn bệnh mà phân theo mức độ di căn của bệnh.
Theo thống kê này, ung thư vòm họng di căn sống được bao lâu liên quan lớn đến vị trí di căn của khối u. Cụ thể, thời gian sống của người bệnh ung thư vòm họng theo mức độ di căn được thống kê trong giai đoạn 2011 – 2017 như sau:
- Giai đoạn bệnh khu trú tại chỗ, không có dấu hiệu di căn: 81% người bệnh có thể sống sót sau 5 năm kể từ lần đầu chẩn đoán.
- Giai đoạn di căn gần (thường là đến các tổ chức bạch huyết gần đó): tỷ lệ sống sau 5 năm của người bệnh là 73%.
- Giai đoạn di căn xa (đến các bộ phận khác của cơ thể như gan, phổi): chỉ có 48% người bệnh sống sót sau 5 năm phát hiện.
Làm thế nào để cải thiện thời gian sống khi mắc ung thư vòm họng?
Việc cải thiện thời gian sống còn khi mắc ung thư vòm họng phụ thuộc lớn vào phương pháp điều trị và khả năng đáp ứng của người bệnh. Vì vậy, người bệnh cần lưu ý những điều sau đây khi điều trị bệnh để có thể kéo dài thời gian sống khi mắc ung thư vòm họng:
- Thảo luận với bác sĩ về phương pháp điều trị và tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của bác sĩ trong quá trình chữa bệnh.
- Đi khám định kỳ đúng lịch để có thể theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe, giúp phát hiện và xử lý sớm những thay đổi về sức khỏe. Ung thư vòm họng điều trị khỏi có tỷ lệ tái phát lại khá cao trong vòng 5 năm, vì vậy người bệnh vẫn cần đi kiểm tra định kỳ sau khi khỏi bệnh.
Ngoài ra, các yếu tố về tâm lý và lối sống cũng góp phần đáng kể vào việc kéo dài thời gian sống của người bệnh. Tốt nhất người bệnh nên thực hiện lối sống lành mạnh theo khuyến cáo sau đây:
- Chế độ dinh dưỡng cân đối, tăng cường thực phẩm giàu các chất chống oxy hóa (các loại hạt, quả mọng, socola, trà xanh,…) để làm giảm phản ứng viêm, giúp ngăn chặn tiến triển bệnh.
- Tránh tuyệt đối rượu bia, thuốc lá, hạn chế ăn các thực phẩm chế biến sẵn, đồ hun khói hay lên men.
- Tìm sự hỗ trợ tâm lý từ phía gia đình, bạn bè và cộng đồng.
- Tập thể dục mỗi ngày để cơ thể thêm dẻo dai.
- Vệ sinh miệng họng sạch sẽ hàng ngày, có thể sử dụng các loại nước súc miệng kháng khuẩn, chống viêm để loại bỏ nguy cơ nhiễm khuẩn hầu họng, khiến bệnh nặng hơn.
Trên đây là giải đáp cho câu trả lời ung thư vòm họng sống được bao lâu. Thời gian sống của người bệnh ung thư vòm họng phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Vì vậy, điều quan trọng nhất vẫn là phát hiện và điều trị sớm bệnh, kết hợp với hỗ trợ tâm lý và thực hiện lối sống lành mạnh để người bệnh có thể sống lâu nhất.