Nhiều mụn sinh con trai, ít mụn sinh con gái? Liệu điều này có đúng không? Và làm sao để giảm mụn hiệu quả khi mang thai là thắc mắc của rất nhiều mẹ bầu hiện nay. Hãy cùng Benh.vn tìm hiểu ngay
Mục lục
Vì sao mẹ bầu mọc nhiều mụn khi mang thai
Mụn luôn là một trong các vấn đề mà các bà mẹ trẻ thường gặp và rất quan tâm trong thai kỳ. Mụn có thể có từ trước lúc chưa mang thai sau đó nặng hơn hoặc nhẹ đi trong giai đoạn đặc biệt này.
Sự lo lắng thường xảy ra với các bà mẹ vốn sở hữu một làn da đẹp, mịn màng đến khi chuẩn bị làm mẹ thì mụn xuất hiện nhiều.
Trong suốt thời kỳ mang thai, mức độ hóoc môn (Hormone) dao động lên xuống thất thường dẫn đến việc tăng cường mọc mụn ở khoảng 1/3 số phụ nữ lúc mang thai. Việc tăng tiết chất androgen sẽ làm tăng bã nhờn trên da và từ đó mụn hình thành. Như vậy, quan điểm sinh con trai nhiều mụn sinh con gái ít mụn là không có căn cứ khoa học
Thông thường mụn sẽ phát khởi vào những tháng đầu khi mang thai và nhanh chóng thuyên giảm sau khi sinh xong. Nhưng cũng có trường hợp, mụn sẽ theo bạn mãi đến khi bé được vài tháng tuổi. Để giảm thiểu vấn đề này, một quá trình trị liệu, chăm sóc lúc này là cần thiết, vừa cải thiện làn da cho mẹ vừa đảm bảo an toàn cho con là tiêu chí được đặt ra hàng đầu.
Các biện pháp giảm mụn hiệu quả khi mang thai
- Thường xuyên giữ da sạch, thoáng, bạn có thể rửa mặt bằng các sản phẩm chống nhờn và ngăn ngừa mụn dưới các hình thức như sữa hoặc gel rửa mặt tạo bọt, có cát hoặc không có cát. Thoa nước cân bằng (tone) cùng loại với sữa rửa mặt.
- Nếu da quá nhiều dầu bạn có thể dùng giấy thấm dầu để giúp da khô thoáng.
- Đắp mặt nạ 2 lần /tuần với các sản phẩm từ thiên nhiên như khoai tây sữa tươi, dưa chuột…, sử dụng các chất khử dầu hoặc lột nhẹ an toàn.
- Thoa thuốc trị mụn có chứa erythromycin khi có mụn mủ.
- Tránh nắng bằng mũ rộng vành, khẩu trang. Việc chống nắng hiệu quả sẽ giúp giảm thiểu sự kích thích da, giảm sự tăng sừng, lão hóa da do quang học cũng như độ đậm của vết nám – một vấn đề về da cũng khá thường gặp của bà bầu.
- Đến khám tại các phòng khám chuyên khoa da, để được tư vấn nếu làn da bạn quá tồi tệ.
Những điều cần tránh khi trị mụn trong thai kỳ
- Tuyệt đối không tự điều trị theo mách bảo của những người xung quanh vì đây là giai đoạn rất nhạy cảm. Việc tự ý điều trị có thể gây ảnh hưởng đến bé.
- Tránh cạy, nặn các mụn non.
- Không dùng sản phẩm dưỡng da có dầu
- Hạn chế thực phẩm chức nhiều Iot. Tuy nhiên vẫn phải bổ sung đầy đủ khoảng 200 mcg Iot hàng ngày để hệ thần kinh và trí tuệ em bé phát triển bình thường.
- Tránh sử dụng mỹ phẩm quá nhiều để che mụn: sử dụng nhiều mỹ phẩm khi mang bầu có thể ảnh hưởng không tốt tới em bé.
Các thuốc trị mụn không được dùng trong lúc mang thai
Thuốc uống: Vì nguy cơ thai nhi dị tật, thuốc có chất isotretinoin bị chống chỉ định trong lúc có thai. Các thuốc khác như thuốc viên nội tiết, thuốc kháng sinh thuộc nhóm cylin (như tetracylin, doxycyclin) cũng không được dùng trong giai đoạn này.
Các thuốc bôi thuộc nhóm: Retinoid (acid retinoic, retinol, adapalen…) hoặc các thuốc gây lột sừng nhiều cũng không được chỉ định cho thai phụ.
Nên tránh lựa chọn các sản phẩm có chứa các thành phần khác như benzoyl peroxide, salicylic axit, glycolic axit, là những thành phần đã được nghiên cứu và chỉ ra rằng có liên quan đến dị tật thai nhi.
Việc trị mụn trong thai kỳ không phải là việc đơn giản Mọi thuốc dùng đều cần tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa. Tránh nắng, chăm sóc da với các sản phẩm tự nhiên an toàn và có công dụng trị mụn là những việc thai phụ có thể tự thực hiện để hạn chế mụn.