Một tháng giáp Tết, Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) tiếp nhận hàng chục bệnh nhân ngộ độc rượu, tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái. Có người bị mù mắt vì uống phải rượu được pha bằng cồn công nghiệp.
Những vụ bắt rượu giả, rượu nhái trong những ngày cuối năm làm người tiêu dùng băn khoăn và khó khăn hơn trong việc lựa chọn mua rượu.
Cùng một loại rượu nhưng mỗi nơi lại bán với một giá khác nhau và đều khẳng định hàng của mình là ngoại nhập chính gốc, chất lượng tốt nhất.
Theo ông Phan Huy Vĩnh, Đội trưởng đội quản lý thị trường số 33, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, so với tết 2013, 2014, hàng thực phẩm lậu vào Hà Nội có giảm, nhưng vẫn phát hiện được rượu giả, rượu lậu, thực phẩm sai nhãn mác các loại.
Rượu giả vẫn được “tuồn” vào thị trường với số lượng lớn
Mới đây quản lý thị trường đã bắt giữ lô rượu ngoại 470 chai, giám định tem nhãn xác định 100% là tem giả.
Trước đó, ngày 2-2 Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về quản lý kinh tế và chức vụ (PC46) đã phát hiện ông Đoàn Ngọc Dũng (1965) chở theo 3 thùng hàng khả nghi.
Kết quả kiểm tra cho thấy bên trong 3 thùng hàng có 15 chai Chivas regal 18 năm 750ml và 46 Chivas regal 12 năm. Toàn bộ số rượu đều không dán tem nhập khẩu theo quy định.
Ngoài ra, tại cơ sở kinh doanh quần áo của ông này còn có 6 chai Apsolut Mandarin 750ml, 6 chai Malibu 750ml, 12 chai Bacardi Superior. Ông Dũng cũng không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan.
Nằm điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, đã 4 ngày nhưng tình trạng bệnh nhân Xuân Linh (Long Biên, Hà Nội) không được cải thiện nhiều – liệt não, mù vĩnh viễn. Theo người nhà, chỉ một ngày sau bữa rượu cùng bạn bè, Linh thấy có dấu hiệu mờ mắt. Anh đi khám ở bệnh viện gần nhà thì được chuyển đến khoa mắt, sau đó chuyển thẳng đến Bệnh viện Bạch Mai. Khi đó anh đã rơi vào tình trạng hôn mê.
Những trường hợp như anh Linh tại Trung tâm Chống độc những ngày này không hiếm gặp. Theo các bác sĩ, còn nửa tháng nữa mới đến Tết Nguyên đán, nhưng gần một tuần nay, Trung tâm liên tục tiếp nhận bệnh nhân bị ngộ độc rượu ở thể nặng. Đa phần bệnh nhân bị ngộ độc rượu methanol, mức độ nặng hơn gấp nhiều lần so với ngộ độc rượu ethanol.
Cần cảnh giác với rượu giả ngày Tết
Tiến sĩ Nguyễn Kim Sơn, Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, methanol chính là cồn công nghiệp, các nhà hàng thường dùng khi làm đồ nướng hay lẩu, tuy nhiên một số người lại dùng để pha thành rượu. Những trường hợp ngộ độc methanol nhẹ thì mù mắt, nặng có thể tử vong.
Theo các bác sĩ, sau 1-2 ngày uống rượu methanol, bệnh nhân sẽ có dấu hiệu mù mắt, sau đó dẫn đến trụy mạch, viêm gan, nhiễm độc và tử vong. Cứ vào Tết, số ca ngộ độc rượu tăng lên là do người dân uống quá nhiều rượu, đặc biệt là rượu không có nguồn gốc hoặc được pha bằng cồn công nghiệp. Nhiều người chủ quan cho rằng say rượu không nguy hiểm. Thực tế say rượu chính là ngộ độc rượu và tùy mức độ có thể gây nguy hại cho sức khỏe, thậm chí tử vong.
Để phòng ngộ độc rượu, người dân nên hạn chế uống rượu, nếu uống thi phải chọn loại có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Trường hợp người uống rượu rơi vào tình trạng lẫn lộn, gọi không thưa, nói không ra tiếng, thở khò khè, vã mồ hôi, buồn nôn, nôn và đau bụng, co giật… thì cần nhanh chóng đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Ngoài ra, một người có thâm niên trong ngành nghề phân phối rượu cho biết có hai cách để phân biệt rượu thật – giả.
Cách 1 là nhỏ một ít rượu ra khăn giấy, nếu là rượu thật thì giọt rượu sẽ trải đều, rượu giả thì chỉ nằm ở phần trung tâm.
Cách 2 là cho một ít dung dịch kiềm vào rượu. Rượu thật sẽ chuyển sang màu đen, xanh đen hoặc tím sẫm. Rượu giả không đổi màu.
Quang Phong – Benh.vn