Thời tiết đã bắt đầu chuyển sang hè, trên nhiều tuyến phố Hà Nội xuất hiện ngày một nhiều nhà hàng treo biển “Bia hơi Hà Nội khuyến mại 50%” hay “Uống 2 tặng 1”… Trong các “quý ông” đang thỏa thuê chạm cốc, không ít vị bị các “anh bồi” cười vào mũi”.
Mục lục
Bia “cỏ” đội lốt bia Hà Nội
Không biết từ bao giờ, chén rượu, cốc bia lại trở thành “tiết mục” không thể thiếu trong các cuộc vui ở Hà Thành. Nó xuất hiện trên các bàn tiệc, các buổi sinh nhật, những cuộc giao lưu gặp gỡ bạn bè, và xuất hiện cả ở nơi quán xá vỉa hè. Người ta uống bia khi vui, uống bia khi buồn, và uống bia để bàn công việc…
Có đến quán bia mới thấy được không khí đông vui và thấy được nhu cầu uống bia của người Hà Nội cao đến mức nào. Nắm bắt được nhu cầu đó của khách hàng, nhiều chủ quán đã đầu tư mở rộng mặt bằng, treo biển khuyến mại để thu hút khách hàng.
Dạo một vòng đường Lê Đức Thọ, Từ Liêm, có thể thấy nhan nhản các quán treo biển bia hơi Hà Nội, nhưng mỗi quán chất lượng bia lại có vị khác nhau tùy vào “công thức pha chế” từng quán.
Anh Đoàn Đức, ở Cầu Diễn, một “tín đồ” của bia hơi và khách ruột của quán bia trên đường Lê Đức Thọ, Hà Nội, khẳng định: “Chỉ uống ở một số nhà hàng lớn thì thấy ngon, ngoài ra thì hầu như các quán bia hơi đều có những mánh khoé riêng để pha thêm “bia cỏ” cho khách. Lúc thực khách mới vào nhà hàng có thể phục vụ bia “xịn”, nhưng khi khách đã “biêng biêng” thì nhà hàng bắt đầu pha “bia cỏ” vào”.
“Nhưng mà bia hơi Hà Nội được đóng bom trong dây chuyền khép kín, không thể mở ra mà pha bia khác vào được?”, tôi thắc mắc. “Bọn họ không phải pha vào bom, mà pha thẳng vào cốc kia. Cứ nửa nọ, nửa kia cho khách quen, còn hai phần ba “bia cỏ” cho khách không quen. Loại bia mình đang uống rất có thể được sản xuất ở Xuân Phương, hay La Phù”, bạn tôi lý giải.
“Uống cả cặn mà có khách nào biết đâu”
Cũng theo lời “cây bia” này, nhân viên các quán bia Thủ đô “cực kỳ ranh ma”. Họ nhận mặt từng khách quen, khách sành, phân biệt với những tay nào “gà mờ”, không biết đâu là “bia xịn”, đâu là “bia cỏ”. Thế nên lúc đầu vào quán tỷ lệ “bia xịn” cao. Uống được 5-6 cốc, nếu có pha nước vào bia cũng chẳng phát hiện ra nữa. “Nên, tốt nhất chỉ uống vài ba cốc thôi. Nhưng khổ nỗi, uống được vài cốc lại ham chuyện về 1 chủ đề nào đó với anh em thì ai mà đứng dậy về được”, anh bạn than thở.
Người viết có cậu em họ tên Chiến đang làm bồi bàn, và cũng là người trực tiếp rót bia cho khách ở một quán bia khu vực Mai Dịch, Cầu Giấy.
Chiến thật thà cho biết: “Làm gì có bia hơi xịn hả anh, mỗi cốc bia Hà Nội pha ít nhất cũng 1/3 bia cỏ được nhập từ ngoại thành. Bọt bia được hứng dưới khay, từ sáng tới chiều lắng đọng lại cũng được 7-8 lít, hả hết hơi và mùi vị, bọn em pha cho mấy chai bia Hà Nội để tạo mùi vị và sục CO2 tạo bọt, ướp bia cho đến khi lạnh buốt rồi lại bưng ra cho khách uống, có khách nào biết đâu”.
Một chủ xưởng “bia cỏ” tiết lộ, quá trình lên men và thời gian lên men cũng ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của bia. Đối với các nhà sản xuất bia có uy tín thì bia được sản xuất trong quy trình chặt chẽ từ khâu lên men cho đến đóng chai, nguồn nước làm bia được lấy từ giếng khoan, lọc sơ rồi cho vào ủ men luôn.
Trong nhà máy, bia được ủ men ít nhất nửa tháng. Nhưng “bia cỏ” ủ 3-4 ngày là xong, chưa xử lý hết methanol và các rượu bậc cao vốn rất độc hại. Chưa kịp lên bọt, chúng được sục CO2 cho để tạo bọt.
“Móc túi” mượn danh khuyến mại
Giữa thời khủng hoảng, làm ăn khó khăn, thực khách cũng nguy cơ mất việc chực chờ, nhiều nhà hàng treo biển giảm giá để hút khách, nhưng chỉ một số đủ thực lực tham gia cuộc đua khuyến mại. Vì thế nhiều cửa hàng bia nhỏ đã phải dùng đến “chiêu bẩn”.
Theo thông tin chúng tôi khai thác được, giá “bia cỏ” nhập vào là 10.000 đ/kg (khoảng 3.000 đ/cốc), một cốc bia có tỷ lệ 60% bia cỏ, 20% còn lại là bia Hà Nội và 20% bọt. Tính theo tỷ lệ trên thì chương trình khuyến mại có cũng như không, chưa nói chủ quán kêu giảm giá bia trong khi lại đẩy giá các món nhậu lên từ 10-15%.
Khi đã hết “chương trình khuyến mại” và quen khách, giá mỗi cốc bia Hà Nội được đẩy giá lên tới 8-10.000/cốc tùy thuộc vào tỷ lệ “pha chế”, đó cũng là lời lý giải tại sao mỗi khi vào hè là quán bia mọc lên như nấm.
Ngoài thiệt hại về kinh tế, khách hàng còn bị ảnh hưởng về sức khỏe do tác hại của bia kém chất lượng, khâu vệ sinh an toàn thực phẩm cũng không được coi trọng. Thêm vào đó là việc bị xử phạt nếu uống rượu, bia điều khiển phương tiện giao thông. Cho nên, quy định cấm rượu bia trong giờ làm việc như Bộ Tư pháp và một số cơ quan đang thực hiện thực sự hữu ích cho chính bản thân thực khách, chứ chưa nói đến hiệu quả công việc, kỷ luật công sở.