Ngày 20/6, Cục Bảo vệ thực vật vừa nhận được thông báo chính thức của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Thủy lợi Australia công nhận Trung tâm chiếu xạ Hà Nội được phép xử lý chiếu xạ quả vải tươi xuất khẩu sang nước này. Đây là tin vui cho những người sản xuất và xuất khẩu vải thiều Việt Nam qua Australia.
Mục lục
Việc đảm bảo chất lượng vải thiều còn nhiều khó khăn
Vải thiều, một loại quả nhỏ có vỏ sần và phần cùi trắng dày với hương vị thơm ngon đặc biệt. Nhưng để đưa quả vải đến thị trường các nước khó tính và ở xa không phải là điều dễ dàng. Nhằm bảo quản quả vải đảm bảo chất lượng và không làm phát tán dịch bệnh, côn trùng, hai phương pháp có thể được áp dụng là sấy khô và bảo quản tươi đông lạnh, tuy nhiên thời gian bảo quản chỉ đủ để xuất khẩu qua biên giới với các quốc gia lân cận mà thôi.
Hơn nữa việc bảo quản tươi chỉ là giữ ở nhiệt độ thấp không kiểm soát hoàn toàn côn trùng. Như vậy, biện pháp xử lý chiếu xạ để kiểm soát hoàn toàn các loài sâu bệnh theo yêu cầu kiểm dịch thực vật của các quốc gia nhập khẩu trở thành tối ưu.
Kiểm soát sâu bệnh bằng biện pháp chiếu xạ
Việc công nhận chất lượng chiếu xạ của Trung tâm chiếu xạ Hà Nội giúp vải thiều có thể tiết kiệm chi phí và thời gian vận chuyển vào TP HCM để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Australia. Từ đó, giá của vải thiều xuất khẩu sẽ giảm, cạnh tranh hơn.
Quyết định này là kết quả của sự hợp tác chặt chẽ giữa Cục Bảo vệ thực vật và cơ quan thẩm quyền của Australia, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cũng như sự tham gia tích cực của Trung tâm chiếu xạ Hà Nội và các doanh nghiệp.
Hiện nay, Việt Nam có một số cơ sở chiếu xạ đã được phía Australia công nhận bao gồm Công ty chiếu xạ Sơn Sơn và Công ty cổ phần chiếu xạ An Phú, Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội.
Đảm bảo về các yêu cầu khác
Ngoài đảm bảo yêu cầu về chiếu xạ, để vào được thị trường Australia, vải thiều Việt Nam phải đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe về vùng trồng, cơ sở đóng gói, về bao bì và ghi nhãn, cũng như về kiểm dịch.
Vi sinh vật gây hại
Theo đó, cơ sở trồng vải phải áp dụng biện pháp canh tác, quản lý sinh vật gây hại và thu hoạch đảm bảo giảm thiểu sinh vật gây hại trên quả vải, áp dụng Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số. Cơ sở phải lập và lưu lại hồ sơ, nhật ký sản xuất.
Vải để xuất khẩu phải không bị nhiễm sâu bệnh, không dính đất, không được để lẫn với các sản phẩm từ các vùng trồng chưa được cấp mã số và được đựng trong các thùng (hộp) được ghi rõ thông tin cơ sở trồng phục vụ cho việc truy nguyên nguồn gốc. Vải phải được vận chuyển đến cơ sở đóng gói được cấp mã số bằng phương tiện đảm bảo vệ sinh.
Quy trình đóng gói
Với các cơ sở đóng gói vải, phải đăng ký và được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra, cấp mã số. Trước mỗi mùa xuất khẩu vải, cơ sở đóng gói phải được Cục Bảo vệ thực vật kiểm tra đánh giá và công nhận đáp ứng điều kiện nhập khẩu của Úc.
Bao bì đóng gói vải xuất khẩu phải đảm bảo hạn chế việc lây nhiễm sinh vật gây hại, kẽ hở hoặc lỗ thoáng phải nhỏ hơn 1,6mm.
Thậm chí, phía Australia còn quy định rõ, thùng các-tông đựng vải phải ghi rõ mã số cơ sở trồng vải, cơ sở đóng gói và cơ sở xử lý và ghi rõ bằng tiếng Anh “Treated with ionizing irradiation” hoặc “Treated with ionizing electrons” hoặc “Irradiated (food)”, và có thể in logo theo quy định đối với thực phẩm chiếu xạ trên bao bì các-tông.
Thành công của Trung tâm chiếu xạ Hà Nội cho thấy những bước tiến của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập với cộng đồng thế giới.
Benh.vn (Theo vtv)