Hạnh nhân chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe như flavonoid, vitamin E và khoáng chất. Tuy nhiên việc sử dụng quá nhiều có thể ảnh hưởng đến sức khỏe. Hãy cũng benh.vn tìm hiểu về loại thảo dược này qua bài viết dưới đây.
Mục lục
- 1 Tổng quan về vị thuốc hạnh nhân
- 2 Công dụng của Hạnh nhân
- 3 Một số bài thuốc chữa bệnh bằng hạnh nhân
- 3.1 Bài thuốc 1: Điều trị bệnh nóng phổi, thở khò khè
- 3.2 Bài thuốc số 2: Hạt hạnh nhân chữa tiêu đờm, dễ thở, bổ khí huyết
- 3.3 Bài thuốc số 3: Hạt hạnh nhân hỗ trợ điều trị cao huyết áp, hoa mắt, chóng mặt
- 3.4 Bài thuốc số 4: Hạt hạnh nhân chữa ho do táo nhiệt
- 3.5 Bài thuốc 5: Hạt hạnh nhân trị chứng chóng mặt, buồn nôn
- 4 Một số món ăn chế biến từ hạt hạnh nhân
- 5 Những lưu ý khi sử dụng cây hạt hạnh nhân để đạt hiệu quả
Tổng quan về vị thuốc hạnh nhân
Hạnh nhân là tên một vị thuốc, một loại thực phẩm khá phổ biến hiện nay và trong y học cổ truyền. Tuy nhiên, vị thuốc hạnh nhân thì chỉ phần trong hạt chứ không phải toàn quả, hay cây hạnh nhân.
Cây hạnh nhân được trồng ở đâu?
Cây hạnh nhân còn được gọi là cây hạnh đào, biển đào, hay đào dẹt. Tên khoa học là Prunus dulcis, thuộc họ Chi Mận mơ (Prunus).
Cây hạnh nhân có nguồn gốc từ các nước Địa Trung Hải, Bắc Phi. Tại Việt Nam, cây hạnh nhân được nhân giống và trồng tại các tỉnh: Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa,…
Đặc điểm thực vật của cây hạnh nhân
Cây hạnh nhân có chiều cao phát triển từ 5 – 10m, thân có đường kính lên đến 35cm. Vỏ cây có màu xám đậm. Lá dài từ 7-12 cm, có màu xanh óng ánh hình lưỡi mác, nhọn, có răng cưa trên bìa lá.
Hoa màu trắng hoặc màu hồng nhạt, 5 cánh rộng, có đường kính từ 3-5cm, trổ hoa vào tháng 3 đến tháng 5.
Quả hạt cứng dài 3,5 – 6cm, bao phủ bên ngoài là một lớp da dày màu xanh xám, bên trong là một khoang vỏ gỗ cứng.
Bộ phận sử dụng của Hạnh nhân
Bộ phận dùng: bộ phận dùng chủ yếu của cây hạnh nhân là hạt.
Thành phần hóa học của cây hạnh nhân có chứa các hoạt chất: flavonoid ,Vitamin: B1, B2, B3, B5, B6, Carbohydrates, canxi, magie, sắt, kẽm, kali, phốt pho, protein. Đường, các loại chất béo và chất xơ thực phẩm.
Công dụng của Hạnh nhân
Hạnh nhân được sử dụng làm thực phẩm, làm thuốc trong cả Đông Y và Tây Y nhờ nhiều lợi ích nổi bật với sức khỏe, đặc biệt là tốt cho tim mạch.
Công dụng Đông y của cây hạnh nhân
Trong Đông y, hạt hạnh nhân có vị đắng, tính ấm, hơi độc có tác dụng: trị khàn tiếng, viêm phế quản, viêm họng, ho lâu ngày, bình suyễn, trị hen suyễn, tuyên phế, nhuận tràng, thông tiện, đầy bụng, chướng hơi, táo bón, tăng khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng, cân bằng lượng cholesterol, tốt cho phụ nữ mang thai, mang lại làn da tươi trẻ, mái tóc khỏe đẹp tốt cho tim mạch, phòng chống ung thư…
Công dụng của Hạnh nhân theo Tây y
Theo kết quả nghiên cứu trên thực nghiệm lâm sàng, cây hạnh nhân có tác dụng hỗ trợ điều trị một số bệnh như: ngăn ngừa bệnh tim và cơn đau tim. Hỗ trợ chức năng não khỏe mạnh, duy trì sức khỏe da, giúp kiểm soát nồng độ đường huyết và ngăn chặn đái tháo đường. Trợ giúp giảm cân và giảm cơn thèm ăn, tăng hấp thụ dinh dưỡng, tăng sức khỏe tiêu hóa, giúp chống lại ung thư, duy trì sức khỏe răng và xương…
Hạnh nhân giúp ngăn ngừa bệnh tim và cơn đau tim
Bệnh tim mạch gồm các bệnh như: tăng huyết áp, loạn nhịp tim, bệnh động mạch vành, hẹp hở van tim, tai biến mạch máu não, suy tim, phình động tĩnh mạch, tắc nghẽn, vữa xơ động mạch.
Nguyên nhân gây ra bệnh bao gồm nhiều yếu tố như: Cholesterol máu cao, tăng huyết áp, bệnh đái tháo đường, thừa cân, béo phì, lạm dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá.
Những người mắc các bệnh tim mạch thường có các dấu hiệu như:
Bệnh nhồi máu cơ tim: khó thở, buồn nôn, mệt lả, đau lan ra sau lưng và lên hàm, các cơn đau thắt ngực hoặc cảm giác khó chịu vùng ngực giống như bị đè nặng, bóp nghẹt, đầy tức hoặc đau,…
Bệnh rối loạn nhịp tim: hồi hộp đánh trống ngực, tim đập mạnh hoặc bỏ nhịp, choáng váng, hoặc ngất xỉu,…
Bệnh van tim – suy tim: Mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt, phù chân và mắt cá chân, có thể tràn dịch màng bụng làm bụng trướng. Do bị tích nước khiến cơ thể tăng cân nhanh chóng.
Bệnh viêm cơ tim: Mệt mỏi, đau mỏi khớp, đau đầu, đau họng, sốt, tiêu chảy. Ở người lớn có thể gặp khó thở đặc biệt là khó thở khi gắng sức, đau ngực, hồi hộp, thậm chí là ngất. Ở trẻ em có thể thấy tím môi, thở nhanh, hay mệt thỉu.
Trong hạt hạnh nhân có chứa thành phần các axit béo không bão hòa đơn lành mạnh, ngăn ngừa các yếu tố của bệnh tim mạch, giúp hỗ trợ cho tim khỏe mạnh. Làm giảm hàm lượng cholesterol xấu – tác nhân hình thành mảng bám động mạch và các cơn đau tim.
Giúp tim hoạt động ổn định hơn. Ngoài ra, các chất dinh dưỡng bao gồm arginine, magie, đồng, mangan, canxi và kali, có tác dụng cung cấp dinh dưỡng quan trọng cho sức khỏe tim mạch, chất flavonoid chống oxy hóa.
Hạnh nhân hỗ trợ chức năng não khỏe mạnh
Trong hạnh nhân có chứa các chất dinh dưỡng như Riboflavin, L-carnitine đây là hai chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng giúp điều chỉnh hoạt động của dây thần kinh, giúp tăng cường trí não, phòng và trị bệnh suy nhược thần kinh. Do vậy, hạt hạnh nhân được coi là thực phẩm tốt cho não bộ.
Một số nghiên cứu chỉ rằng, những người lớn tuổi thường xuyên ăn hạt hạnh nhân sẽ làm giảm nguy cơ viêm nhiễm có thể gây ra chứng rối loạn chức năng não, bao gồm mất trí nhớ và bệnh Alzheimer so với những người không ăn.
Hạnh nhân duy trì sức khỏe cho da
Đối với làn da, hạnh nhân cung cấp một lượng lớn vitamin E có tác dụng chống oxy hóa, giảm các dấu hiệu lão hóa da. Một số nghiên cứu chỉ rằng, các hoạt chất có chứa trong hạt hạnh nhân bao gồm cả catechin, epicatechin và flavonol, quercetin, kaempferol và isorhamnetin – có tác dụng chống oxy hóa, chống ung thư và tổn thương da bằng cách chống stress oxy hóa, ô nhiễm và ánh sáng tia cực tím.
Ngoài ra, các chất béo trong hạt hạnh nhân cân bằng độ ẩm cho da, chữa lành vết thương do mụn trứng cá gây ra.
Hạnh nhân giúp kiểm soát nồng độ đường huyết và ngăn chặn bệnh đái tháo đường
Bệnh đái tháo đường hay còn gọi là bệnh tiểu đường là một hội chứng rối loạn chuyển hóa cacbohydrat trong đó tình trạng đường huyết tăng cao kéo dài do thiếu tác dụng của insulin đối với cơ thể người.
Bên cạnh các phương pháp điều trị, việc sử dụng hạt hạnh nhân có tác dụng quản lý lượng đường trong máu, ngăn ngừa kháng insulin, làm giảm các triệu chứng của bệnh đái tháo đường như: Đa niệu (lượng nước tiểu nhiều), khô miệng, uống nhiều (hay khát nước và uống nhiều nước), sụt cân, mệt mỏi, chán.
Hạnh nhân trợ giúp giảm cân và giảm cơn thèm ăn
Một số nghiên cứu chỉ ra đối với những người có chế độ giảm cân có thể sử dụng hạnh nhân trong khẩu phần dinh dưỡng bởi trong hạt hạnh nhân có chứa nhiều vitamin, chất béo, chất xơ giúp kiềm chế ăn quá nhiều, ăn vặt không lành mạnh, khiến cảm giác luôn no nhờ đó giúp giảm cân hiệu quả.
Các tác dụng khác của hạt hạnh nhân
Ngoài ra, hạt hạnh nhân còn có tác dụng tăng cường hấp thu chất dinh dưỡng, tăng khả năng miễn dịch, tốt cho hệ tiêu hóa, giải độc và phát triển vi khuẩn lành mạnh trong hệ vi sinh vật đường ruột.
Giúp ngăn ngừa và phòng chống ung thư như ung thư đại tràng, tuyến tiền liệt và ung thư vú do hạnh chứa gamma-tocopherol, một dạng của vitamin E có tác dụng như một chất chống oxy hóa mạnh mẽ, chống các gốc tự do và oxy hóa liên quan đến ung thư.
Giúp ngăn ngừa sâu răng, chống sâu răng, giảm nguy cơ gãy xương và chống loãng xương do chứa một lượng lớn các khoáng chất vi lượng, bao gồm magiê và phốt pho.
Một số bài thuốc chữa bệnh bằng hạnh nhân
Hạt hạnh nhân khi kết hợp với các loại thảo dược khác có nhiều công dụng trong việc điều trị bệnh. Sau đây là một số bài thuốc chữa bệnh bằng hạt hạnh nhân.
Bài thuốc 1: Điều trị bệnh nóng phổi, thở khò khè
Nguyên liệu: 40g hạt hạnh nhân, 15g cam thảo, 100g mật ong.
Cách thực hiện: Hạt hạnh nhân, cam thảo nghiền nát trộn lẫn với mật ong sau đó đem đun với 200ml nước dưới lửa nhỏ cho đến khi cô đặc thành cao, mỗi bữa dùng 1- 3g với nước ấm. Sử dụng 3 lần/ ngày trong vòng 2 tuần liên tục bệnh sẽ khỏi hẳn.
Bài thuốc số 2: Hạt hạnh nhân chữa tiêu đờm, dễ thở, bổ khí huyết
Nguyên liệu: 30g hạt củ cải sao vàng, 30g hạt hạnh nhân
Cách thực hiện: Cho hai nguyên liệu trên sắc với 1.500ml cho đến khi còn 800ml nước tắt bếp, chia thành hai phần uống sáng, tối sau bữa ăn 30 phút.
Bài thuốc số 3: Hạt hạnh nhân hỗ trợ điều trị cao huyết áp, hoa mắt, chóng mặt
Nguyên liệu: 15g hạt hạnh nhân khô, 13g hoa cúc tươi
Cách thực hiện: Hạt hạnh nhân giã dập, trộn với hoa cúc tươi đã được rửa sạch, cho vào ấm nấu với 1000ml nước, uống thay nước hàng ngày.
Bài thuốc số 4: Hạt hạnh nhân chữa ho do táo nhiệt
Nguyên liệu: 10g hạt hạnh nhân, đào nhân, mạch đông, bối mẫu, lá dâu, đương quy, đại cáp mỗi vị 10g
Cách thực hiện: Cho các nguyên liệu trên trộn lẫn với nhau đem sắc cùng 1000ml nước trong vòng 20 phút, uống 3 lần/ ngày khi còn ấm, mỗi đợt từ 3 – 5 ngày.
Bài thuốc 5: Hạt hạnh nhân trị chứng chóng mặt, buồn nôn
Nguyên liệu: 10g hạt hạnh nhân, 8g trần bì, 30g hạt ý dĩ, 100g gạo
Cách thực hiện: Hạnh nhân và trần bì, hạt ý dĩ hầm nhừ sau đó cho gạo vào ninh cùng, cho thêm gia vị trước khi ăn, ăn 2 lần/ngày.
Một số món ăn chế biến từ hạt hạnh nhân
Hạt hạnh nhân là một loại hạt giàu dưỡng chất có thể chế biến thành nhiều món ngon bổ dưỡng. Sau đây là các món ăn kết hợp với hạt hạnh nhân để hỗ trợ điều trị một số bệnh, tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Sữa hạt hạnh nhân
Nguyên liệu: 150g grams hạt hạnh nhân, nước lọc, muối biển
Cách thực hiện: Ngâm hạt hạnh nhân trong vòng 8 tiếng, sau đó vớt hạnh nhân ra cho vào máy sinh tố xay nhuyễn với nước. Lọc hỗn hợp hạt hạnh nhân bằng rây lọc hoặc túi vải lọc.
Trước khi sử dụng bỏ một ít muối, đường tùy theo khẩu vị của từng người. Nên sử dụng trong ngày, hoặc đóng thành chai để trong tủ lạnh.
Công dụng: Sữa hạt hạnh nhân có thể thay thế sữa bột cho bé ăn dặm, giúp kích thích bé ăn ngon miệng. Bồi bổ sức khỏe cho người ốm, khó tiêu. Tăng cường sức khỏe cho phụ nữ mang thai, giúp thai nhi khỏe mạnh.
Sò điệp xào hạt hạnh nhân
Nguyên liệu: Sò điệp 200g, hạt hạnh nhân 60g, hành tây, ớt chuông vàng, xanh 50g mỗi loại. Gia vị: hạt nêm, tiêu, tỏi băm, hành ngò, dầu
Cách thực hiện: Sò điệp sau khi chế biến xong ướp với ½ muỗng hạt nêm, tỏi băm và tiêu. Hành tây, ớt chuông cắt miếng nhỏ, tiêu xanh đập sơ qua.
Phi thơm tỏi, cho sò điệp vào đảo nhanh sơ qua, sau đó cho ra tô riêng. Tiếp tục phi hành, lần lượt cho tiêu xanh, ớt chuông, hạt hạnh nhân, nêm gia vị cho vừa ăn. Sau đó cho hỗn hợp đã xào vào chung, cuối cùng thêm ớt sợi, hành ngò cắt khúc vào.
Công dụng: bồi bổ sức khỏe, tăng sức đề kháng cho cơ thể, tốt cho não và hệ thần kinh, tăng cường sức khỏe tim mạch
Tôm xào hạnh nhân
Nguyên liệu: Tôm sú 300g, ớt chuông xanh, đỏ 40g mỗi loại. Hạnh nhân, nấm đông cô tươi, hành tây mỗi loại 50g. Hạt nêm, tiêu, dầu, giấm, hành ngò.
Cách thực hiện:Tôm sú sau khi chế biến xong ướp gia vị gồm hạt nêm, tiêu cho tôm thấm. Ớt chuông, hành tây, nấm đông cô thái khúc.Cho chảo lên bếp sau đó phi dầu với tỏi băm, cho tôm xào nhanh với hạt hạnh nhân. Tôm gần chín cho thêm ớt chuông, hành tây vào xào sau đó thêm gia vị.
Công dụng: tăng sức đề kháng, bồi bổ cơ thể, tốt cho tim mạch.
Gà xào hạnh nhân
Nguyên liệu: Thịt gà 500g, hạnh nhân 150g, cà rốt, su hào, đậu Hà Lan mỗi loại 1 củ và gia vị các loại.
Cách thực hiện: Thịt gà, cà rốt, su hào, đậu Hà Lan sau khi rửa sạch thái khúc nhỏ. Thịt gà ướp gia vị cho ngầm đều.
Cho chảo lên bếp phi thơm hành sau đó cho tất cả các nguyên liệu đã sơ chế vào xào chín, nêm gia vị cho vừa ăn. Cuối cùng cho hành lá thái khúc vào, bày ra đĩa thêm rau mùi và tiêu lên.
Công dụng: Bổ sung chất dinh dưỡng cho cơ thể, tăng sức đề kháng cho người mới ốm dậy, sau phẫu thuật, tốt cho tim mạch…
Những lưu ý khi sử dụng cây hạt hạnh nhân để đạt hiệu quả
Để đạt hiệu quả trong việc điều trị bệnh, trong quá trình sử dụng hạt hạnh nhân cần lưu ý một số vấn đề sau.
Hạt hạnh nhân nên sử dụng dạng nào là tốt nhất?
Theo các chuyên gia y tế, hạt hạnh nhân là loại thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Trên thị trường hiện nay đang bán hạt hạnh nhân với dạng để nguyên vỏ và dạng đã tách tươi, khô nên rất tiện cho người dùng khi sử dụng.
Hạt hạnh nhân còn được chế biến với dạng rang bơ, rang muối, mọi người nên tìm những cơ sở uy tín, có giấy tờ chứng minh về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để an toàn khi sử dụng.
Sử dụng hạt hạnh nhân gây tác dụng phụ như thế nào?
Tăng cân: trong hạt hạnh nhân có chứa một lượng lớn calo và chất béo nếu sử dụng quá nhiều khiến cơ thể tăng cân. Theo khuyến cáo, bạn chỉ nên ăn hạt hạnh nhân khoảng 25g/ngày.
Táo bón, đầy hơi: việc ăn quá nhiều hạnh nhân còn dẫn táo bón và đầy hơi, nguyên nhân của tình trạng này hạt hạnh nhân chứa nhiều chất xơ.
Làm giảm hiệu quả chữa bệnh của thuốc: trong hạt hạnh nhân có chứa một lượng lớn mangan, cho nên bạn ăn quá nhiều đặc biệt là khi chế độ ăn đã bao gồm nhiều loại thực phẩm giàu mangan, có thể gây tương tác với một số loại thuốc như: thuốc trung hòa axit dạ dày,thuốc an thần, thuốc nhuận tràng, thuốc huyết áp và một số loại kháng sinh khác.
Các phản ứng dị ứng: Trong một số trường hợp việc ăn quá nhiều hạt hạnh nhân còn dẫn đến tình trạng dị ứng, có thể là phát ban, khó thở…
Những đối tượng nào cần lưu ý khi sử dụng hạt hạnh nhân?
– Đối với phụ nữ đang mang thai việc bổ sung hạt hạnh nhân góp phần cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể, tuy nhiên không nên ăn quá nhiều, mỗi ngày chỉ ăn khoảng từ 20 – 25 hạt.
– Đối với những người bị bệnh thận hoặc sỏi mật không ăn hạt hạnh nhân bởi trong hạt hạnh nhân có chứa oxalate cơ thể sẽ gây sự kết tủa, khó khăn trong việc điều trị.
-Trẻ em dưới 10 tuổi không nên ăn quá nhiều hạt hạnh nhân bởi ở lứa tuổi này hệ đường ruột chưa hoàn thiện sẽ làm chậm quá trình hấp thụ dinh dưỡng của cơ thể gây khó khăn trong việc tiêu hóa. Trẻ em nên sử dụng nhân hạt hạnh nhân đã được sấy khô.
Cách bảo quản hạt hạnh nhân khi sử dụng như thế nào?
Việc bảo quản hạt hạnh nhân không đúng cách sẽ dễ đến hiện tượng ẩm mốc, hư hỏng gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Do vậy khi sử dụng nên để hạt hạnh nhân nơi khô ráo, mát mẻ, có độ ẩm thích hợp, tránh để tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Sử dụng lọ thủy tinh dày để đựng và đậy nắp kín cho vào tủ lạnh, việc bảo quản này sẽ giúp bảo quản hạnh nhân trong khoảng thời gian 6 tháng nhưng vẫn đảm bảo được độ giòn, ngon và mùi vị ban đầu của hạt hạnh nhân.
Hạnh nhân sau khi rang nên hút chân không thành gói để tránh tình trạng ẩm mốc, ảnh hưởng đến chất dinh dưỡng trong hạt.
Trên đây là toàn bộ thông tin về cây hạnh nhân, hy vọng những chia sẻ trên sẽ giúp mọi người nắm được những thông tin cần thiết về thảo dược này trong quá trình sử dụng cũng như biết cách sử dụng để đạt hiệu quả chữa bệnh tốt nhất.