Hội chứng ruột kích thích là một trong những vấn đề đường tiêu hóa thường gặp nhất, nhưng lại chưa được hiểu rõ nguyên nhân. Một nghiên cứu gần đây đã phát hiện ra mối liên hệ giữa vi khuẩn đường ruột và hành vi ở bệnh nhân bị hội chứng ruột kích thích, mở ra một hướng điều trị mới cho căn bệnh này.
Hội chứng ruột kích thích (Irritable bowel syndrome – IBS) là một rối loạn đường ruột ảnh hưởng tới khoảng 11% dân số thế giới. Phụ nữ có xu hướng bị hội chứng này nhiều hơn nam giới.
Các triệu chứng bao gồm đau bụng dữ dội, đầy hơi, táo bón hoặc tiêu chảy. Bệnh nhân thường kèm theo biểu hiện lo lắng và trầm cảm. Hiện cũng chưa có dấu ấn sinh học nào đặc trưng cho hội chứng ruột kích thích, vậy nên không thể khẳng định chắc chắn một người có bị hội chứng này hay không. Căn bệnh này chỉ thường được chẩn đoán qua lâm sàng.
Các giải pháp điều trị bao gồm dùng thuốc và thay đổi chế độ dinh dưỡng, tập trung vào giảm FODMAP – các loại cacbonhydrat khó đồng hóa và có thể lên men trong ruột. Thuốc điều trị điển hình cho hội chứng này gồm thuốc chống co thắt và thuốc nhuận tràng, nhưng hiệu quả của những phương pháp này rất hạn chế, và nguyên nhân của hội chứng ruột kích thích vẫn chưa được biết.
Các giải pháp điều trị hiện nay thường tập trung vào giảm nhẹ triệu chứng – bao gồm giảm các triệu chứng lo lắng – thay vì tìm cách chữa tận gốc vấn đề.
Một nghiên cứu về hội chứng này đã được thực hiện bởi các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe Tiêu hóa Gia đình Farncombe tại Đại học McMaster cùng các cộng sự tại Đại học Waterloo, Ontario, Canada. Nghiên cứu đã tìm hiểu về mối quan hệ giữa vi khuẩn đường ruột và biểu hiện hành vi của những người bị hội chứng ruột kích thích. Kết quả được đăng trên tạp chí Science Translational Medicine.
Được điều phối bởi Tiến sỹ Premysl Bercik và Stephen Collins, nghiên cứu này được tiến hành bằng cách điều tra xem liệu mẫu vi sinh vật ở phân những người bị hội chứng ruột kích thích có thể thay đổi chức năng đường ruột và não bộ ở chuột thí nghiệm hay không.
Vi khuẩn đường ruột khiến chuột có những triệu chứng tương tự những người bị hội chứng ruột kích thích
Nghiên cứu đã lựa chọn những người bị hội chứng ruột kích thích và chia làm 2 nhóm: một nhóm kèm biểu hiện lo lắng tâm lý và một nhóm không bị. Các nhà khoa học đã cấy mẫu phân chứa hệ vi sinh vật đường ruột từ những người bệnh này sang chuột vô khuẩn.
Ảnh minh họa: Phương pháp cấy phân chuyển hệ vi sinh vật đường ruột từ người sang chuột thí nghiệm
Sau khi cấy chuyển, các con chuột phát triển những triệu chứng hành vi và triệu chứng tiêu hóa tương tự như ở những người cho mẫu. Chúng bị rối loạn vận chuyển đường tiêu hóa (thay đổi thời gian đưa thức ăn từ dạ dày xuống ruột), rối loạn hàng rào bảo vệ đường ruột (thành dạ dày ruột không tạo ra một hàng rào chặt chẽ để chống lại các vi khuẩn có hại ngoại lai như bình thường), bị viêm, và thể hiện sự lo lắng trong hành vi.
Trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Sức khỏe Tiêu hóa Gia đình Farncombe, Tiến sỹ Giada De Palma, giải thích: “Đây là một nghiên cứu nền tảng bởi nó đã đưa lĩnh vực này vượt qua mối quan hệ đơn giản mà mọi người vẫn thấy. Nó là bằng chứng cho thấy những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột sẽ tác động lên cả đáp ứng đường ruột lẫn đáp ứng hành vi của cơ thể trong hội chứng ruột kích thích.”
Tiến sỹ Premysl Bercik, điều phối nghiên cứu tại Đại học McMaster cũng nhấn mạnh rằng: “Những phát hiện của chúng tôi cung cấp nền tảng cho việc phát triển những liệu pháp điều trị nhắm tới hệ vi sinh vật đường ruột, và giúp tìm ra những dấu ấn sinh học đặc trưng để chẩn đoán hội chứng ruột kích thích.”
Những kết quả nghiên cứu này cũng có thể mang lại nhiều cơ hội phát triển các phương pháp điều trị bệnh. Nhóm tác giả khẳng định: “Liệu pháp nhắm tới hệ vi sinh vật đường ruột, bao gồm dùng các chế phẩm prebiotics và probiotics, có thể mang lại lợi ích cho không chỉ các triệu chứng tiêu hóa mà còn cho cả các biểu hiện hành vi ở hội chứng ruột kích thích.”
Theo nhóm tác giả, kết quả nghiên cứu của họ cũng đóng góp thêm một bằng chứng cho thấy hệ vi sinh vật đường ruột có thể tác động tới não bộ và nhiều hội chứng tâm thần khác. “Hệ vi sinh vật đường ruột microbiota có thể đóng vai trò trong các hội chứng não bộ từ trạng thái tình cảm, lo lắng tới những vấn đề khác như: tự kỷ, Parkinson và đa xơ cứng.”
Mặc dù vậy, các nhà khoa học vẫn cần tiến hành nhiều nghiên cứu hơn trong tương lai để hoàn toàn khẳng định được mối liên hệ giữa những tình trạng này với nhau.