Từ xa xưa, chó, mèo đã trở thành người bạn bốn chân thân thiết trong mỗi gia đình. Khi cùng sống trong môi trường với nhau, con người dễ bị các loại ký sinh trùng từ chó, mèo xâm nhập vào người và gây bệnh làm tổn hại đến sức khỏe. Thường xuyên ôm ấp, chơi đùa cùng chó mèo, bạn phải đối diện với nguy cơ nhiễm giun sán khá cao.
Mục lục
Thực phẩm nhiễm giun đũa chó mèo
Một khảo sát trên 90 mẫu rau sống bán tại các siêu thị trên địa bàn TP HCM, số mẫu rau nhiễm trứng giun đũa chó, mèo chiếm đến 67,7%. Ở ký chủ vĩnh viễn (chó hay mèo nhà), giun trưởng thành sống trong lòng ruột non, sau đó đẻ trứng. Trứng theo phân ra ngoài môi trường và sau 1-2 tuần sẽ hoá phôi. Đây là giai đoạn có thể gây bệnh cho người nếu nuốt phải trứng. Sau khi nuốt trứng vào cơ thể, các ấu trùng giun sẽ được phóng thích, đi xuyên qua thành ruột và theo đường máu di chuyển đến gan, phổi, hệ thần kinh trung ương. Chúng sẽ chu du trong cơ thể người trong vài tháng đến nhiều năm, gây tổn thương ở những phần cơ thể chúng đi qua.
Nhiễm giun sán từ chó, mèo sang người, giun chỉ sống trong mắt gây mù lòa.
Biểu hiện lâm sàng
Những biểu hiện lâm sàng thường hay gặp khi nhiễm giun sán ở chó, mèo là sốt, đau bụng, phù cục bộ, sưng mô tế bào, nổi u cục, dị ứng, tiêu chảy, có dấu hiệu thần kinh. Đau bụng cũng là triệu chứng thường gặp ở những người bệnh bị nhiễm ký sinh trùng từ chó, mèo. Triệu chứng đau bụng thường xảy ra từng cơn, có những trường hợp đau bụng không cố định về thời gian nhưng cũng có những trường hợp thường đau bụng vào một giờ nhất định trong ngày. Khi đi khám không tìm ra bệnh lý, dân gian thường hay gọi đau bụng do giun.
Triệu chứng khi kí sinh trên da , mô
Khi bị nhiễm ấu trùng giun, chúng thường di chuyển gây nên phù cục bộ, nếu ấu trùng giun di chuyển đến đâu thì mô dưới da bị sưng phù đến đấy. Trường hợp này thường gặp khi người bệnh bị nhiễm ấu trùng giun Gnathostoma spinigerum từ động vật lạc chủ sang người. Sưng mô tế bào là dấu hiệu thường gặp khi ấu trùng sán lá gan lớn Fasciola gigantica di chuyển lạc chỗ ra mô dưới da, chúng sẽ tạo ra một đường ngoằn ngoèo nhô lên trên mặt da.
Có thể phát hiện và bắt được ấu trùng sán ở cuối đường ngoằn ngoèo này. Dị ứng được biểu hiện bằng triệu chứng ngứa, nổi mề đay khi ký sinh trùng động vật xâm nhập vào cơ thể người. Nơi ấu trùng giun móc chó, mèo Ancylostoma caninum, Ancylostoma brasilien chui vào da sẽ làm nổi nốt đỏ và ngứa ở tại chỗ. Nang sán kim hay sán dây chó Echinococcus granulosis đôi khi bị vỡ tự nhiên hoặc người bệnh bị ngã, chấn thương sẽ làm cho chất dịch trong nang sán thoát ra máu gây sốc phản vệ.
Ấu trùng sán lá gan lớn Fasciola gigantica di chuyển lạc chỗ ra mô dưới da, chúng sẽ tạo ra một đường ngoằn ngoèo nhô lên trên mặt da.
Lời khuyên từ chuyên gia
Theo thông tin từ bác sĩ Nguyễn Ngọc Ánh, Giám đốc Phòng khám Quốc tế Ánh Nga, chuyên khoa Ký sinh trùng cho biết hiện nay tỷ lệ nhiễm giun sán chó/mèo – toxocara trong dân số rất cao. Tác nhân gây bệnh là toxocara canis hay toxocara cati, một loài giun tròn thường được gọi là giun đũa của chó, mèo. Đặc biệt những loại thuốc sổ giun uống một liều dự phòng thông thường không diệt được chúng.
Để phòng tránh nhiễm giun sán từ chó, mèo nên rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi chơi đùa, tiếp xúc với chó mèo. Rửa tay trước khi ăn. Không ăn các món gỏi, tái, sống mà nên ăn chín uống sôi. Nhà có vật nuôi nên tẩy giun định kỳ cho chúng. Hàng tuần dọn dẹp sạch sẽ nơi chó, mèo nằm và xử lý chôn lấp phân và chất thải của chúng thật kỹ.
Benh.vn