Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Copenhagen, Đan Mạch đã cho thấy hiệu quả đáng kinh ngạc của chế phẩm probiotics trên các triệu chứng đường tiêu hóa ở trẻ viêm da cơ địa.
Mục lục
Chế phẩm probiotics là gì?
Chế phẩm probiotics bản chất là các vi sinh vật. Các vi sinh vật này khi được đưa vào cơ thể theo đường tiêu hóa có thể đem lại những tác động tích cực trong điều trị hoặc ngăn ngừa một số bệnh nhất định.
Ảnh minh họa: Một số chủng vi khuẩn thường dùng trong các chế phẩm probiotics
Bệnh viêm da cơ địa ở trẻ em
Bệnh viêm da cơ địa hay còn gọi là bệnh chàm thể tạng, eczema, sẩn ngứa Besnier, Liken đơn dạng mạn tính… Bệnh có yếu tố di truyền, gia đình và hay xuất hiện ở những người có bệnh dị ứng khác như hen, viêm mũi dị ứng. Đa số trường hợp bệnh bắt đầu ở tuổi ấu thơ.
Viêm da cơ địa là bệnh lý biểu hiện cấp tính, bán cấp hoặc mạn tính. Một đặc điểm quan trọng của bệnh là hay tái phát.
Triệu chứng điển hình của bệnh là các thương tổn da khô kèm theo ngứa. Do ngứa gãi nhiều mà da bị dày, bệnh nhân càng ngứa và gãi gây nên vòng bệnh lý “Ngứa-Gãi” làm cho bệnh nặng hơn và có nguy cơ bị bội nhiễm vi trùng.
Các triệu chứng đường tiêu hóa ở trẻ viêm da cơ địa
Trẻ bị viêm da cơ địa đặc biệt thường hay gặp các triệu chứng về đường tiêu hóa như tiêu chảy, trào ngược, hay nôn mửa nhiều hơn những trẻ bình thường. Nguyên nhân có thể do cơ thể trẻ phản ứng nhạy hơn với các kháng nguyên lạ ở trong thực phẩm.
Ở những bệnh nhân mắc viêm da cơ địa, tính thấm niêm mạc ruột có vẻ tăng, tuy nhiên vẫn chưa rõ vai trò của phát hiện này đối với bệnh sinh của bệnh. Sự rối loạn chức năng hàng rào niêm mạc ruột này có thể là biểu hiện bất thường nguyên phát ở ruột, hoặc cũng có thể phản ánh tổn thương của lớp màng nhầy do các phản ứng viêm tại chỗ.
Ảnh minh họa: Tính thấm tại niêm mạc ruột có thể bị rối loạn do nhiều nguyên nhân
Nội dung nghiên cứu
Nghiên cứu được thực hiện nhằm đánh giá hiệu quả của lợi khuẩn lactobacilli trong việc làm giảm viêm đường ruột và cải thiện chức năng hàng rào niêm mạc ruột ở trẻ em mắc viêm da cơ địa.
Từ mục tiêu này, các nhà khoa học Copenhagen đã thiết kế một nghiên cứu chéo, mù đôi có đối chứng giả dược trên 41 trẻ mắc viêm da cơ địa từ vừa tới nặng. Các em được lựa chọn ngẫu nhiên theo thiết kế và chia vào một trong hai nhóm: Nhóm A (dùng giả dược rồi chuyển sang dùng chế phẩm probiotics) và nhóm B (dùng chế phẩm probiotics rồi chuyển sang dùng giả dược). Mỗi đợt điều trị kéo dài 6 tuần, kèm theo 6 tuần nghỉ ở giữa 2 đợt để loại bỏ ảnh hưởng từ đợt điều trị trước.
Chế phẩm probiotics sử dụng trong thí nghiệm là dạng bột đông khô của Lactobacillus rhamnosus 19070-2 và L.reuteri DSM 12246.
Các triệu chứng trên dạ dày-ruột được theo dõi trước và trong quá trình điều trị, tính thấm niêm mạc ruột non được đánh giá bằng xét nghiệm lactulose-mannitol.
Kết quả thu được:
Sau khi tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học tại Copenhagen đã thu được kết quả đáng ngạc nhiên về tác dụng của chế phẩm probiotics.
Cụ thể: trong quá trình sử dụng lợi khuẩn Lactobacillus, trẻ giảm đáng kể tần suất của các triệu chứng trên dạ dày-ruột (39% khi sử dụng giả dược so với chỉ 10% khi sử dụng chế phẩm probiotics).
Như vậy, nhóm tác giả kết luận “việc sử dụng probiotics có thể giúp làm ổn định lại chức năng của hàng rào niêm mạc ruột và giảm những triệu chứng trên dạ dày-ruột ở trẻ mắc viêm da cơ địa”.
Nhóm tác giả cũng nhận định “Các nghiên cứu tiếp theo nên tập trung cụ thể hơn đến khoảng thời gian tối ưu để sử dụng bổ dụng probiotics cho bệnh nhân. Đồng thời cần đánh giá hiệu quả của việc bổ sung dài hạn probiotics cũng như tiềm năng của các chủng vi sinh vật khác để ngăn ngừa bệnh cơ địa dị ứng trong tương lai”.