Alpha lipoic acid (ALA) được khám phá vào năm 1937 khi các nhà khoa học nhận thấy vi khuẩn có thể tăng trưởng trong một môi trường nuôi cấy khi có sự hiện diện của một chất dinh dưỡng không được rõ được đặt tên là yếu tố tăng trưởng potato. Tuy nhiên, ALA chỉ được chú ý trong hai thập niên gần đây.
Mục lục
Alpha Lipoic acid trong súp lơ xanh có thể hỗ trợ chống lại bệnh Tiểu đường (Ảnh minh họa)
Các nhà nghiên cứu nhận thấy ALA được tạo ra với một lượng rất nhỏ ở thú vật, thực vật và người. ALA rất cần thiết cho sự tăng trưởng và những chức năng bình thường của cơ thể. Năm 1989, ALA được “phong danh hiệu” là một chất chống oxy hóa (antioxidant). Hai năm sau, TS. Lester Packer khám phá ra ALA không chỉ là một phần của “đường dây” chống oxy hóa (bao gồm vitamin C, vitamin E, glutathion, coenzym Q10) mà nó có khả năng chống oxy hóa mạnh hơn những chất chống oxy hóa khác. Những nghiên cứu ở phạm vi rộng đã gợi ý rằng ALA có thể là chất chống lão hóa kỳ diệu trông đợi.
Alpha Lipoic acid tác động như thế nào?
Nếu không có ALA, tế bào sẽ không sử dụng được năng lượng và sẽ bị “giải thể”. Khi cần năng lượng, cơ thể sẽ tạo ra một lượng ALA vừa đủ dùng, một phần nhỏ ALA có được từ thức ăn, đặc biệt là từ gan và men bia.
Khi tuổi chúng ta càng cao, sự sản sinh ALA giảm đáng kể, nhưng cũng thật nghịch lý, chúng ta lại cần một lượng ALA nhiều hơn để duy trì sức khỏe. ALA chỉ có chức năng là một chất chống oxy hóa chỉ khi cơ thể chúng ta có một lượng ALA lớn hơn lượng ALA cần thiết cho quá trình tạo năng lượng. Để có đủ lượng ALA cần thiết để tạo thành chất chống oxy hóa, chúng ta cần phải uống bổ sung ALA ở tuổi 40 trở lên.
Theo thuyết gốc tự do về sự lão hóa, sự lão hóa về tinh thần và thể chất do sự tổn hại tế bào gây ra bởi những gốc tự do hình thành do sự oxy hóa tế bào, do lối sống và do yếu tố môi trường. Những phân tử gốc tự do luôn có xu hướng chiếm đoạt điện tử từ những phân tử ổn định. Nếu điều này xảy ra, sự tinh tế của cấu trúc tế bào có thể bị tổn hại và kích hoạt cho một chuỗi phản ứng có hại.
Những tổn hại nhỏ trong tế bào được tích lũy dần theo năm tháng sẽ tạo nên sự lão hóa, thúc đẩy những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư, tiểu đường, các bệnh về mắt, thấp khớp, bệnh Alzheimer, Parkinson. Sự tổn hại này có thể không xảy ra khi có sự hiện diện của những chất chống oxy hóa có nguồn gốc từ trái cây, rau cải, vitamin A, carotenoid, vitamin C, vitamin E, selenium, coenzym Q10. Những nghiên cứu ở phạm vi rộng đang được thực hiện để kết luận ALA có hiệu quả trong việc ngăn chặn những chứng bệnh hiểm nghèo kể trên.
Alpha Lipoic Acid và bệnh tiểu đường
Một số nghiên cứu cho thấy rằng ALA có ưu thế trong việc thúc đẩy sự loại bỏ glucose trong máu bằng cách tăng cường chức năng insulin, giảm thiểu sự kháng insulin.
ALA đã được sử dụng rộng rãi ở Đức trong nhiều năm để điều trị những biến chứng của bệnh tiểu đường như suy thần kinh ngoại biên (bệnh này cũng có nguồn gốc từ sự lạm dụng rượu), ngăn chặån độc chất của hóa trị liệu và một số bệnh rối loạn chuyển hóa.
Alpha Lipoic Acid và bộ não
Những chức năng diệu kỳ của ALA càng được nâng cao nhờ acetyl-L-carnitin (ALC), cũng là một chất dinh dưỡng tham gia vào quá trình tạo năng lượng trong ty thể, ALA có khả năng xuyên qua hàng rào máu não.
Trong một nghiên cứu được thực hiện tại Viện sức khỏe tâm thần Mannheim (Đức), những con chuột già bị lão hóa trí nhớ do tuổi tác được cung cấp ALA đã hoạt động tốt hơn cả những con chuột chỉ bằng một nửa tuổi của chúng. ALA không có tác dụng cải thiện ở những con chuột trẻ bởi vì chúng đã có sẵn ALA cần thiết.
Alpha Lipoic Acid và ung thư
Tất cả chúng ta đều tạo ra những tế bào ung thư một vài lần trong cuộc đời, nhưng một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh sẽ chặn đứng những tế bào này, chỉ khi nào hệ thống miễn dịch bị suy yếu thì những tế bào ung thư này mới có cơ hội tăng trưởng và phát triển thành bệnh ung thư.
ALA có khả năng tăng cường miễn dịch, cũng như có khả năng ngăn cản ung thư bằng cách dập tắt những gốc tự do có khả năng khởi phát ung thư. Một sự kết hợp giữa ALA với những chất chống oxy hóa khác có thể phát huy tối đa khả năng kháng ung thư. Đối những trường hợp đang điều trị ung thư, những thí nghiệm ở thú vật cho thấy ALA có thể trung hòa tác động gây độc của phóng xạ và những nghiên cứu ở người cho thấy ALA có thể làm nhẹ bớt tác động có hại của hóa trị liệu.
Alpha Lipoic Acid và bệnh tim mạch
ALA có thể giảm cholesterol tới 40%.
Theo một nghiên cứu được công bố trong tạp chí Diabetes Research and Clinical Practice (12/2004), ALA có khả năng bảo vệ thành mạch máu thoát khỏi tác động của gốc tự do khi có sự hiện diện của một nồng độ cao triglycerid.
Ds. Nguyễn Bá Huy Cường – Khoa dược, ĐH kỹ thuật Curtin, Australia