Người mẹ nào cũng luôn hướng về con mình, nhất là khi mới 14 tuổi Nhật Nam đã phải xa nhà, ở một nơi rất rất xa mà không dễ gì gặp mặt. Chính Nam cũng đã từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn rằng: “Em thấy “thiếu” những vòng ôm của bố mẹ, “thiếu” những bữa cơm gia đình sum họp. Nhưng em hiểu, không có thành công nào đến với mình một cách dễ dàng. Đừng đợi sự đầy đủ nếu mình không cố gắng”. Hơn ai hết, mẹ Đỗ Nhật Nam là người hiểu sự xa cách này, lo lắng và không ngừng động viên cho những ngày Nam học tập tại Mỹ. Tình cảm của người mẹ đã khiến bức thư giản dị mà nghẹn ngào nước mắt.
Nguyên văn bức thư mẹ cậu bé Đỗ Nhật Nam viết trên trang cá nhân:
Khoảng trời của em
Đến tận giờ phút này, khi nghĩ lại, mẹ vẫn không thể hình dung ra vì sao mẹ có thể chia tay em để quay về Việt Nam một mình. Bà ngoại cũng thường nói, bà ngạc nhiên vô cùng vì điều đó.
Trong cả hành trình bay hơn 20 tiếng đồng hồ, mẹ không ăn không ngủ, chỉ nước mắt và nước mắt. Đến nỗi cô tiếp viên liên tục hỏi xem mẹ có cần sự trợ giúp gì không.
Bố và bác Nga đón mẹ ở sân bay, nhìn mẹ bước đi xiêu vẹo mà cũng quay đi rơm rớm. Rồi bố giả bộ quát mẹ một câu, kì thực mẹ biết, lòng bố còn buồn hơn mẹ.
Và em cũng thế. Hôm trước em kể, thời gian đầu, mỗi lần chuẩn bị bật màn hình nói chuyện với mẹ, em toàn vào nhà tắm tập cười trước gương. Cười kiểu nào tự nhiên nhất cho mẹ không phát hiện ra là em đang buồn.
Nước mắt đã dắt mẹ đi trong những ngày đầu xa em. Và em, em kéo nụ cười về cho mẹ.
Em lóc nhóc kể chuyện mỗi ngày.
Em hồ hởi chia sẻ những điều mới mẻ.
Em trêu chọc mẹ, em gửi những tin nhắn khiến mỗi lần đọc xong, mẹ không khỏi bật cười.
Và trên tất cả, những gì em đạt được ở một môi trường hoàn toàn xa lạ, dù bé nhỏ nhưng nó cho mẹ thấy, em hòa nhập nhanh, em rạng rỡ tin yêu từng ngày đang sống và em biết tận dụng những khoảng thời gian của mình.
Mẹ biết ơn các cô chú trong tổ chức du học đã đưa em đến với ước mơ em ấp ủ.
Mẹ mang nặng ân tình với cô chú đang nuôi em, coi em như con cái trong nhà. Mỗi lần gọi điện cho cô chú, cô kể toàn những chuyện vui về em mà mẹ cứ nghẹn lời. Đơn giản vì mẹ thấy ấm áp quá, chẳng phải là con cái ruột rà mà cô lúc nào cũng lo cho em từng chút, từng chút. Như thể vòng tay mẹ vẫn đủ dài để ôm em cho trọn.
Mẹ hàm ơn những bạn bè trên Facebook. Mỗi lần mẹ đăng một thành tích của em dù chỉ nho nhỏ, mọi người đều tới tấp chúc mừng, khen ngợi, động viên. Chỉ có tình yêu mới khiến mọi người rộng lòng đến thế.
Và mẹ CẢM ƠN em. Em đã không ngừng cố gắng, tự vượt qua chính bản thân mình, tự tìm ra những niềm hạnh phúc. Đi xa là để thấy mình bé nhỏ giữa cuộc đời. Hôm qua, dự tổng kết năm học về, em nhắn tin cho mẹ: “Mẹ ơi, buổi lễ diễn ra trang trọng lắm. Chia tay trường, em nhớ các bạn, các cô. Cô dạy tiếng Anh còn nắm tay em khóc và nói: Cô ước gì có thể ở cạnh em mãi. Mẹ ơi, năm học vừa rồi, em đạt điểm tổng kết cả năm là 99,8/100 và GPA là 4/4. Em cũng được nhận Giấy khen và Thư khen của Tổng thống dành cho những bạn có thành tích cao trong học tập. Nhưng mẹ ơi, năm nay tính cạnh tranh chưa cao, nên kết quả đạt được chưa nói được gì nhiều. Em sẽ tiếp tục cố gắng. Như là em “tiếp tục” yêu bố mẹ vậy”.
Mẹ đọc xong, hình dung ra khuôn mặt lém lỉnh của em và thấy mình bồng bềnh trong vạn nỗi yêu thương.
Hôm trước, mẹ tình cờ xem bộ phim tài liệu có tên: Khoảng trời của Khoa. Phim nói về cuộc sống của nhà thơ Trần Đăng Khoa lúc nhỏ và khi lớn. Kết thúc phim là lời bình luận: “Khoa hiện tại “giàu có” lắm vì anh hiểu về khoảng trời của mình, như bài thơ anh viết tặng mẹ vợ: Mẹ trao thiên thần của mẹ/ Cho một chàng trai nghèo nàn/ Thế là con thành ông chủ/ Bỗng nhiên giàu nhất thế gian”. Mẹ thích suy nghĩ ấy quá. Ai rồi cũng tìm ra khoảng trời của riêng mình. Khoảng trời của Khoa sau này không “ồn ào” như thời thơ bé, nó trong lặng và đầy nỗi yêu thương và đó phải chăng chính là hạnh phúc của cuộc đời mỗi người.
Nam ơi, hãy giữ lấy những khoảng trời xanh ngọt ngào đầy đam mê và khát vọng của riêng em nhé.
Và bố mẹ, bố mẹ sẽ “tiếp tục” yêu em, trong khoảng trời này và mãi mãi mai sau.”
Gia đình Đỗ Nhật Nam vốn được biết đến là một gia đình cực kỳ tình cảm, điều đó cũng thể hiện ít nhiều qua những bài thơ, những dòng status, những bức thư mà bố mẹ Nam viết cho con trai hay chính “thần đồng” sáng tác dành cho bố mẹ mình.
Benh.vn st.