Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý ở phụ nữ ngày càng được quan tâm trong thời gian gần đây. Hãy cùng đọc bài viết sau để tìm hiểu về nguyên nhân gây bệnh.
Lạc nội mạc tử cung là gì ?
Đây là một bệnh lý ngày càng nhận được sự quan tâm trong thời gian gần đây, trong đó các mô đáng lẽ phát triển trong tử cung lại được tìm thấy ở các bộ phận khác trên cơ thể. Những mô này có thể có đáp ứng hoặc có chức năng khác so với mô phát triển trong tử cung. Đa số các trường hợp lạc nội mạc tử cung được phát hiện ra ở vùng chậu:
- Buồng trứng
- Ống dẫn trứng
- Mặt sau của tử cung
- Trên mô nâng đỡ tử cung
- Ở đường tiêu hoá dưới hoặc bàng quang
Biến chứng và dịch tễ
Lạc nội mạc tử cung liên quan đến buồng trứng sẽ hình thành u lạc nội mạc tử cung. Thậm chí ở một số trường hợp hiếm gặp, lạc nội mạc tử cung có thể được phát hiện ở ngoài vùng chậu như ở phổi, não hoặc các bộ phận khác trên cơ thể.
Ước tính trên thế giới có 6-10% phụ nữ mắc bệnh lạc nội mạc tử cung. Trên thực tế, con số này có thể nhiều hơn do có một số lượng lớn phụ nữ mắc bệnh nhưng không có triệu chứng.
Lạc nội mạc tử cung có thể gây ra 2 biến chứng quan trọng là vô sinh và ung thư. Đây đều là 2 biến chứng nguy hiểm, vì vậy có rất nhiều ý kiến quan tâm đến việc lạc nội mạc tử cung có chữa được không. Rất may mắn là hiện tại đã có nhiều phương pháp hiệu quả đề điều trị bệnh lý này
Nguyên nhân bệnh Lạc nội mạc tử cung
Mặc dù cho đến nay, nguyên nhân của bệnh không rõ ràng, vẫn có một số cơ chế được xem xét và đề cập:
- Kinh nguyệt bị trào ngược: khi đó các tế bào nội mạc tử cung có trong dòng máu kinh nguyệt sẽ chảy ngược lên ống dẫn trứng và khu vực chậu thay vì thoát ra ngoài cơ thể. Những tế bào lạc chỗ này dính vào thành khu vực chậu và bề mặt của các cơ quan trong khu vực chậu, nơi chúng sẽ tiếp tục phát triển, dày lên và chảy máu trong chu kỳ kinh nguyệt
- Sự biến đổi của tế bào phúc mạc: điều này được nhắc đến trong “thuyết cảm ứng”, các nhà khoa học cho rằng hormon hoặc các yếu tố miễn dịch thúc đẩy quá trình biến đổi của tế bào phúc mạc thành tế bào nội mạc tử cung
- Sự biến đổi của tế bào phôi: các loại hormon như estrogen có thể biến đổi tế bào phôi thai thành tế bào tử nội mạc tử cung trong quá trình dậy thì
- Sẹo để lại do phẫu thuật: sau một số loại phẫu thuật như phẫu thuật cắt tử cung, tế bào nội mạc tử cung có thể dính lên vết mổ
- Tế bào nội mạc tử cung dịch chuyển: các mạch máu hoặc dịch của mô có thể làm các tế bào nội mạc tử cung dịch chuyển đến các phần khác của cơ thể.
- Bất thường về hệ miễn dịch: bất thường trong hệ miễn dịch có thể làm cơ thể không phát hiện và không phá huỷ các mô nội mạc tử cung phát triển bên ngoài tử cung.
Benh.vn ( TK vinmec.com )