Tập trung là một khả năng cần được rèn luyện. Để luyện tập cho con trẻ kỹ năng này bạn hãy thực hiện một số nguyên tắc sau.
Mục lục
1. Tận dụng tối đa tính hiếu kỳ của trẻ
Thực tế đã chứng minh rằng, những đồ vật mới lạ, chuyển động, biến đổi thu hút sự chú ý của trẻ nhiều nhất. Một chiếc xe ô tô chuyển động, một chú ếch đồ chơi biết kêu, một con búp bê biết đi… những đồ chơi đó sẽ phát huy tính hiếu kỳ của trẻ, làm cho trẻ tập trung chú ý quan sát và khám phá. Bạn có thể mua cho trẻ những đồ chơi tương tự như vậy, từ đó rèn luyện khả năng tập trung chú ý của trẻ. Đặc biệt là đối với những trẻ từ 0-3 tuổi thì áp dụng cách này sẽ có hiệu quả nhất để rèn luyện khả năng tập trung của trẻ. Rèn luyện khả năng tập trung của trẻ
2. Kết hợp với sự hứng thú để rèn luyện khả năng tập trung
Khi trẻ hứng thú với một sự vật, sự việc gì thì trẻ sẽ rất quan tâm, chú ý đến sự vật, sự việc đó. Trong cuộc sống, bạn thường gặp một hiện tượng là khi bố mẹ sai trẻ làm việc gì đó mà trẻ không thích lắm thì chúng thường làm một cách ứng phó hoặc không tập trung, nhưng nếu đó là việc trẻ có hứng thú thì trẻ sẽ rất tập trung và làm cẩn thận. Đối với các bé, hứng thú và tâm trạng ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tập trung. Vì vậy bạn hãy chú ý kết hợp giữa hứng thú của trẻ với việc rèn luyện khả năng tập trung của chúng.
Ví dụ như bạn muốn rèn luyện hứng thú học chữ của trẻ, bạn hãy tận dụng đặc điểm trẻ thích nghe kể truyện, mua cho trẻ những quyển truyện tranh có chữ đi kèm. Trẻ vừa nghe bạn đọc truyện vừa nhìn vào trong sách, sau đó bạn dạy cho trẻ những chữ đơn giản trước, khiến cho trẻ vừa tập trung lại vừa có hứng thú học chữ. Hiện nay có rất nhiều sản phẩm giúp trẻ vừa học vừa chơi, bạn có thể mua và cùng chơi với con mình. Ví dụ như bộ xếp chữ, bộ xếp hình, xếp màu… Khi bạn cùng chơi những trò đó vừa có thể khiến trẻ hứng thú, vui vẻ và lại vừa có thể rèn luyện khả năng tập trung của trẻ.
3. Trẻ cần xác định sự vật, sự việc để nâng cao khả năng tập trung
Trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta có thể rèn luyện cho trẻ khả năng tự giác tập trung thông qua việc xác định sự vật, sự việc hay mục đích. Ví dụ như: Đặt một số đồ vật rồi dấu một vật đi để bé đoán xem thiếu đồ vật gì, kể một mẩu chuyện ngắn rồi hỏi trẻ lại xem trẻ nhớ được những gì?….Những điều ấy rất có lợi trong việc rèn luyện khả năng tập trung của trẻ. Đương nhiên, có rất nhiều cách để rèn luyện khả năng tập trung cho trẻ. Bạn có thể tùy theo đặc điểm tính cách của con mình để áp dụng những phương pháp rèn luyện có hiệu quả nhất.
Benh.vn