Tăng động giảm chú ý là bệnh lấy đi khả năng tập trung và chú ý của trẻ. Trẻ bị tăng động luôn bồn chồn và dễ xao lãng. Kết quả là sẽ rất khó để yêu cầu trẻ lắng nghe hay hoàn thành tốt một công việc nào đó…Vậy làm thế nào để biết trẻ mắc chứng bệnh tăng động?
Mục lục
Vì sao trẻ bị tăng động?
Trẻ bị tăng động thường rất khó ngồi yên một chỗ.
Không ai biết chính xác nguyên nhân dẫn đến chứng bệnh tăng động ở trẻ. Tuy nhiên, một số trẻ có tiền sử gia đình có người bị tăng động sẽ có nguy cơ mắc chứng bệnh này cao hơn so với những trẻ khác. Một số yếu tố khác như tai biến lúc sinh; tiếp xúc độc chất (rượu, thuốc lá, ma túy) khi còn trong bụng mẹ hoặc rối loạn tâm thần do bị lạm dụng, gia đình không hạnh phúc… cũng làm tăng nguy cơ mắc chứng bệnh tăng động ở trẻ.
Do đó, để phòng tránh chứng bệnh này, người mẹ nên tránh dùng các chất kích thích trong quá trình mang thai, đồng thời cố gắng quan tâm hơn đến tâm lý của con trong quá trình nuôi dạy bé.
Dấu hiệu nhận biết trẻ mắc chứng tăng động
Không thể tập trung
Biểu hiện chính của tăng động là trẻ không thể tập trung vào bất cứ việc gì. Trẻ thường gặp các rắc rối khi lắng nghe ai đó nói, hướng dẫn hoặc hoàn thành nhiệm vụ hay một sinh hoạt cá nhân nào đó…
Theo đó, những trẻ mắc bệnh này thường có xu hướng chuyển một cách nhanh chóng từ hoạt động này sang hoạt động khác, không chú ý đến công việc đang làm vì thường bị hấp dẫn bởi một công việc khác. Chẳng hạn, trẻ có thể đang lôi sách toán ra học nhưng chưa giải hết bài đã đòi vẽ siêu nhân. Vẽ siêu nhân chưa xong cái đầu thì lại đòi chuyển sang học hát rồi nhảy múa loạn cả nhà…
Không thể ngồi yên một chỗ
Chứng bệnh tăng động ở trẻ có thể biểu hiện bằng việc chạy nhảy liên tục không ngơi nghỉ dù ở bất kỳ điều kiện, không gian nào. Khi ngồi xuống, chúng cũng có xu hướng ngọ ngoậy, bồn chồn hoặc nhún nhẩy. Ví dụ, khi ở nhà, những đứa trẻ này không chịu ngồi yên, hết chạy xuống bếp lại leo lên sân thượng rồi lại leo trèo mà không màng đến lời dọa nạt của người lớn. Yêu cầu những đứa trẻ này ngồi yên một lúc là cả một vấn đề lớn.
Chúng còn nói rất nhiều, không thể tập trung và rất hấp tấp, bốc đồng.
- Nói nhiều quá mức
- Một số trẻ bị tăng động sẽ nói quá nhiều và thường khó chơi trong yên lặng.
- Hay mơ mộng, thường mắc lỗi
- Trẻ bị tăng động cũng thường hay mơ mộng và mắc lỗi. Trẻ mắc bệnh có xu hướng tránh các hoạt động đòi hỏi sự tập trung hay có thể gây ra sự buồn chán…
- Bốc đồng, hấp tấp
Biểu hiện thứ năm của chứng tăng động ở trẻ là tính hấp tấp, bốc đồng – tức là thường xuyên cắt ngang, phá vỡ những thứ khác hay buột miệng trả lời trước khi giáo viên kết thúc câu hỏi. Biểu hiện này của chứng tăng động cũng gây ra khó khăn khi trẻ phải chờ đợi hay suy nghĩ điều gì đó trước khi hành động.
Với biểu hiện này, cuộc sống của trẻ bị tăng động bị ảnh hưởng rất nhiều. Ở trường, vì không tập trung nên các bé rất khó tiếp thu bài giảng của giáo viên. Ở nhà thì nghịch ngợm nên bị bố mẹ quát mắng. Thêm việc hay hấp tấp nên kết bạn cũng trở nên khó khăn với chúng. Lâu dần, những đứa trẻ này trở nên tự ti và rất dễ sinh ra trầm cảm nếu không được quan tâm, điều trị kịp thời.
Lời khuyên dành cho cha mẹ
Trẻ bị tăng động thường hay bị quát mắng và rất khó để kết bạn. Từ đó, trẻ có thể trở nên tự ti hay thậm chí là trầm cảm.
Ngoài việc phối hợp với bác sĩ cho con điều trị dùng thuốc và liệu pháp hành vi, cha mẹ cần tìm hiểu và giáo dục con đúng cách, khuyến khích con nghĩ đến những điểm tốt của mình, đồng thời thường xuyên khen ngợi để con không bị tự ti, tự kỷ…
Ngoài ra, khi hướng dẫn trẻ học tập, làm việc, cha mẹ cũng cần dùng những từ ngữ nhẹ nhàng, cho trẻ biết bạn muốn trẻ làm như thế này, thế kia thay vì bảo trẻ đừng làm điều này, điều kia. Quan trọng nhất là cha mẹ cần luôn để mắt đến trẻ khi trẻ chơi và tập thể dục thể thao, tránh xảy ra chấn thương khi trẻ hiếu động thái quá…