Buồn nôn và nôn là một vấn đề thường gặp ở khoảng 50% đến 90% phụ nữ mang thai. Phụ nữ thường gặp tình trạng này trong ba tháng đầu của thai kỳ, thường trong khoảng từ 6 – 8 tuần đầu thai kỳ. Buồn nôn và nôn có xu hướng giảm dần sau tuần thứ 12 và hiếm khi kéo dài đến 3 tháng giữa thai kỳ. Chỉ có 1% phụ nữ mang thai gặp phải các biểu hiện nghiêm trọng gọi là chứng nghén nặng cần điều trị tại bệnh viện.
Mục lục
Nếu sau 12 tuần mang thai mà tình trạng buồn nôn và nôn không giảm, thậm chí nặng hơn, các mẹ bầu cần đến cơ sở y tế để được kiểm tra và điều trị kịp thời.
Biểu hiện của nghén nặng
Những biểu hiện của chứng nghén nặng trong thai kỳ:
- Ói mửa liên tục.
- Giảm cân> 5% trọng lượng trước khi mang thai.
- Mất nước.
- Rối loạn điện giải.
- Tăng ketone trong máu.
Một biến chứng nghiêm trọng của chứng nghén nặng là bệnh não Wernicke.
Cách điều trị
Về lối sống
- Tránh các tác nhân làm tăng thêm buồn nôn và nôn, ví dụ một số loại thức ăn hoặc mùi nhất định.
- Nên ăn các bữa ăn nhỏ, thường xuyên. Thực phẩm khô cũng được khuyến khích. Nên uống nhiều nước.
- Hạn chế ăn thực phẩm nhiều chất béo và carbohydrate do có thể làm nặng thêm tình trạng nghén. Ăn ít carbohydrate và hàm lượng protein cao có thể làm giảm buồn nôn và nôn.
- Uống 400 mcg acid folic mỗi ngày được khuyến cáo cho tất cả phụ nữ có thai trong 3 tháng đầu
Sử dụng thuốc chống nôn
Thuốc chống nôn là cần thiết để điều trị chứng nghén nặng. Tuy rằng những nghiên cứu về độ an toàn và hiệu quả còn thiếu, nhưng vẫn có nhiều kinh nghiệm sử dụng các thuốc này trong thai kỳ. Có những tác dụng phụ khác nhau giữa các loại thuốc, do đó cần hỏi kỹ bác sĩ trước khi dùng thuốc. Tuyệt đối không tự ý sử dụng.
Các loại thuốc có thể được sử dụng trong thai kỳ để điều trị buồn nôn và nôn:
- Thuốc kháng H1: cyclizine và promethazine.
- Thuốc thuộc nhóm Phenothiazin: prochlorperazine và chlorpromazine.
- Thuốc kháng Dopamine: metoclopramide và domperidone.
- Thuốc kháng thụ thể 5-Ht3: ondansetron.
Truyền dịch
Truyền dịch cần được thực hiện ở những cơ sở y tế đáng tin cậy, đặt dưới sự giám sát của cán bộ y tế.
- Có thể sử dụng gồm NaCl 0,9% và dung dịch tiêm Hartmann (sodium lactate).
- Tránh dùng dịch truyền chứa glucose vì glucose có thể làm nặng thêm bệnh não Wernicke ở những bệnh nhân bị thiếu vitamin B1.
- Hạ natri máu là hậu quả của việc nôn liên tục. Nhưng lưu ý cần bổ sung từ từ, nếu bổ sung nhanh có thể gây rối loạn thần kinh.
- Hạ kali máu cũng cần được điều chỉnh, sử dụng 40 mmol K+ cho mỗi lít dịch truyền.
- Cân bằng chất lỏng và điện giải nên được đánh giá thường xuyên và hiệu chỉnh khi cần.
Vitamin B1
Bệnh não Wernicke có thể được phòng ngừa và điều trị bằng cách thay thế thiamin. Thiamin (vitamin B1) có sẵn dưới dạng uống và truyền tĩnh mạch. Thiamin nên được chỉ định ở những phụ nữ bị nôn liên tục
- Thiamin đường uống hấp thu kém vì vậy nên chia nhỏ liều để cải thiện khả năng hấp thu.
- Uống 25-50mg thiamin 2-3 lần/ngày.
- Nếu bệnh nhân không đáp ứng với thiamin uống, nên sử dụng chế phẩm vitamin B1 truyền tĩnh mạch, ví dụ: Pabrinex
Sử dụng Corticosteroid
Việc sử dụng corticosteroid đang còn nhiều tranh cãi. Sử dụng steroid toàn thân có liên quan đến nguy cơ hở hàm ếch thai nhi trong một số nghiên cứu. Tuy nhiên, không có bằng chứng về việc nguy cơ hở hàm ếch ở trẻ tiếp xúc với steroid trong tử cung là gia tăng.
Việc chỉ định corticosteroid nên là lựa chọn điều trị cuối cùng khi các biện pháp khác thất bại. Điều trị corticosteroid nên ngừng sau 3 ngày nếu không thấy cải thiện. Nếu điều trị bằng corticosteroid thành công, nên duy trì ở liều thấp nhất để kiểm soát triệu chứng nhưng trong thời gian ngắn nhất có thể.
Thuốc điển hình được chỉ định là hydrocortisone tĩnh mạch 100mg, 2 lần/ngày, sau đó là prednisolone uống 40-50mg một lần/ngày khi các triệu chứng cải thiện, lsau đó giảm dần liều.
Gừng
Gừng được sử dụng từ lâu đời để điều trị buồn nôn và nôn do ốm nghén. Tuy nhiên, bằng chứng về tác dụng của gừng còn hạn chế.
- Gừng giảm tần suất buồn nôn và nôn so với giả dược.
- Phần lớn các thử nghiệm sử dụng tối đa 1g gừng/ngày (thường chia liều 250mg, 4 lần/ngày) là an toàn và hiệu quả.
- Bánh quy gừng cũng cho thấy giảm buồn nôn ở phụ nữ có thai khi so sánh với giả dược.
Các biện pháp không dùng thuốc
- Bấm huyệt
- Thôi miên
- Châm cứu
- Thư giãn cơ liên tục (kết hợp với liệu pháp chống nôn).
Benh.vn (Theo BV Từ Dũ)