Cùng thời điểm với dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết…dịch đau mắt đỏ đã bắt đầu xuất hiện tại các tỉnh thành miền Bắc. Tính đến thời điểm hiện tại, trung bình mỗi ngày bệnh viện Mắt Trung ương tiếp nhận khoảng 100 ca bệnh đến từ Hà Nội, Hưng Yên và một số tỉnh lân cận khác…
Mục lục
Các triệu chứng của bệnh đau mắt đỏ
+ Mắt đỏ và có gỉ (gỉ thường là nước trong hoặc vàng).
+ Thường đỏ một mắt trước, sau đó lan sang mắt thứ hai.
Số bệnh nhân bị đau mắt đỏ đang gia tăng tại các tỉnh thành phía bắc
+ Một số ít trường hợp có thể có xuất huyết dưới kết mạc hoặc có giả mạc.
+ Đôi khi có đau hạch sau tai, viêm họng, sốt nhẹ và mỏi mệt…
Nguyên nhân gây bệnh
+ Do vi rút Adeno gây nên.
+ Do chưa vệ sinh mắt đúng cách để mắt bị nhiễm bụi bẩn.
+ Do sự chuyển giao mùa, thay đổi theo thời tiết.
+ Bệnh thường lan rộng và tạo thành dịch khi vào hè, khí hậu nóng, ẩm vi khuẩn dễ sinh sôi…
Phương pháp phòng bệnh
+Thường xuyên rửa mặt 3 lần/ngày bằng nước sạch, khăn sạch, riêng, tốt nhất giặt khăn bằng xà phòng, phơi khăn ngoài nắng, giữ vệ sinh môi trường.
+ Tránh đưa tay bẩn lên mắt, nên đeo kính râm khi ra đường.
+ Sau một ngày làm việc, tổng vệ sinh gia đình… nên rửa mặt sạch rồi tra nước nhỏ mắt Natri clorid 0,9% (nước muối sinh lý).
Nhỏ mắt bằng nước muối sinh lý, không đưa tay bẩn lên mắt, không tiếp xúc với người bệnh…để phòng bệnh đau mắt đỏ
+ Hạn chế tối đa tiếp xúc với người bệnh, khi tiếp xúc nên có khẩu trang, tránh dùng chung đồ dùng với người bị đau mắt. Đặc biệt đối với trẻ nhỏ khi có dấu hiệu sốt cao, ho, chảy nước mũi thì nên đi khám ngay.
+ Không nên đến những nơi đông người, bể bơi công cộng…
Ý kiến của chuyên gia Hoàng Cương Bệnh viện Mắt TW
Giai đoạn khởi phát, mức độ lây nhiễm trong phạm vi gia đình
Đau mắt đỏ mới bước vào mùa nên số bệnh nhân còn rải rác, hiện dừng lại ở mức độ lây lan trong gia đình nhưng nếu cả nhà đau mắt, người này khỏi lại đến người kia… sẽ gây phiền toái, ảnh hưởng công việc và học tập. Vì thế, ý thức phòng bệnh không để lây lan cho người khác là rất quan trọng bởi nguy cơ lây nhiễm là rất cao.
Nguy hiểm nhất là giai đoạn ủ bệnh vì đây là thời điểm lây truyền bệnh nhanh nhất. Lý do, khi mới nhiễm vi-rút, người bệnh không có triệu chứng nên không biết để phòng ngừa cho người khác. Vì thế thường xảy ra tình trạng cả nhà cùng đau mắt đỏ vì lây nhau. Nhiều trường hợp, người lớn khỏi nên chủ quan khi chăm sóc con dẫn đến tái nhiễm.
Phương pháp phòng bệnh thiết thực nhất
BS Cương chia sẻ “Người bệnh cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng xát trùng, nhất là sau khi làm vệ sinh mắt, nhỏ thuốc mắt; dùng riêng đồ dùng sinh hoạt cá nhân như khăn, chậu rửa mặt, bát ăn; ngủ riêng trong phòng thoáng; thay ga đệm thường xuyên…
Rửa tay thường xuyên, không rụi tay bẩn lên mắt, đi khám mắt khi có biểu hiện khác lạ…để điều trị đau mắt đỏ theo chỉ định của bác sỹ
Khi ở trong nhà nên đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc gần, trò chuyện, dùng chung đồ vật với người lành để phòng lây bệnh cho họ. Đồng thời cần điều trị bằng các thuốc tra nhỏ thông thường theo hướng dẫn của thầy thuốc, đau mắt đỏ sẽ giảm nhanh và khỏi trong vòng 2 tuần nếu không có biến chứng”
Khuyến cáo bệnh nhân
Viêm giác mạc khiến người bệnh bị khô mắt, tổn hại bề mặt giác mạc, gây khó chịu cho người bệnh và phải điều trị dài ngày. Người bệnh không tự ý mua thuốc về tra mắt.
Ngoài ra cũng có nhiều trường hợp chữa đau mắt đỏ bằng xông lá trầu không khiến mi mắt bị phù nề, mắt chói cộm nhiều bởi bỏng giác mạc. Bệnh nhân khô mắt, khó chịu, kích thích, chảy nước mắt, làm cho quá trình điều trị lâu hơn.
Phương pháp vệ sinh khi đau mắt đỏ
“Đau mắt đỏ không có thuốc đặc trị, đại đa số trường hợp chỉ cần rửa mắt bằng nước muối sinh lý ngày 5-6 lần, giữ vệ sinh mắt tốt là sau 7 – 10 ngày khỏi bệnh mà không phải dùng kháng sinh. Vì thế, mọi người không nên sốt ruột khi điều trị đau mắt đỏ. Nhiều người 2 – 3 ngày rửa muối không khỏi vội vàng đi mua đủ thứ thuốc để tra mắt, có ngày tra 7 – 8 lần đủ thứ thuốc mà bệnh mãi không khỏi”.
Phương pháp rửa mắt: Bệnh nhân nên nằm nghiêng, rửa từng mắt một, nhỏ nước muối sinh lý liên tục để làm mềm dử mắt rồi dùng gạc tiệt trùng lau khô, sau đó tiếp tục nhỏ muối liên tục để rửa trôi, đẩy vi rút ra ngoài.
Ngoài ra, có thể tra thêm kháng sinh phổ rộng phòng bội nhiễm nếu bác sĩ chỉ định.Tuy nhiên“Bệnh nhân cần lưu ý sau khi rửa mắt phải vệ sinh tay, bỏ gạc thấm nước rửa từ mắt vào thùng rác đúng quy định… để tránh lây lan”.
Hải Yến – Benh.vn