Mi giả giúp cho đôi mắt hoàn hảo, tuy nhiên, nếu làm đẹp không đúng cách sẽ khiến cho đôi mắt trông giả tạo, mất đi nét đẹp vốn có và ảnh hưởng đến “sức khỏe” của mắt như: rụng mi, ngứa mắt, viêm mi mắt…Vậy, tác hại khi sử dụng mi giả ra sao? Benh.vn sẽ giúp chúng ta tìm hiểu vấn đề này.
Mục lục
Dịch vụ nối mi giả (Ảnh minh họa)
Ý nghĩa của lông mi
– Bảo vệ đôi mắt tránh bụi bẩn, ô nhiễm.
– Lớp rào cản đầu tiên hạn chế sự xâm nhập của vi khuẩn.
Các loại mi giả trên thị trường
-Mi giả của Mỹ.
– Mi giả của Đức.
– Mi giả của Hàn Quốc….
Các công đoạn làm mi giả
– Lựa chọn loại mi có độ dài phù hợp với mắt. (8-9; 9-10; 10-12…)
– Dán những sợi mi giả với các loại chất liệu (tơ, lụa, nhựa tổng hợp…) vào gốc của sợi mi thật bằng một thứ keo.
– Thời gian làm mi giả trong vòng 30 phút.
– Một tháng đến sửa lại mi một lần.
Ảnh hưởng từ việc dùng mi giả
1. Rụng mi
– Việc sử dụng thường xuyên mi giả không đúng cách sẽ dẫn đến tình trạng rụng mi.
– Đeo lông mi giả tăng độ dày cho mi cũng là tăng sức nặng và gây tổn thương cho hàng mi và dẫn đến rụng mi.
Lưu ý: Không đeo mi giả thường xuyên. Chỉ sử dụng mi giả trong những dịp lễ hội, cưới hỏi…
2. Gây áp lực cho mi thật
– Lớp keo dán mi sẽ tạo ra một áp lực căng đối với hàng mi thật.
– Khi tháo mi giả, lớp keo dán có thể sẽ làm rụng cả lông mi thật.
Lưu ý: Chọn những loại mi giả có chất lượng mềm như mi thật, không gây kích ứng với da.
3. Ngứa ngáy, khó chịu
– Ảnh hưởng từ keo dán mi khiến cho đôi mắt ngứa ngáy, khó chịu.
– Thời tiết nóng, ra mồ hôi hoặc trời mưa làm keo dán nhòe nhoẹt cũng gây ngứa cho mắt.
Lưu ý: Sử dụng keo dán của những hãng có tên tuổi và còn hạn sử dụng.
Sử dụng mi giả dẫn đến các bệnh về mắt (Ảnh minh họa)
4. Nhìn mờ
– Độ dày của hàng mi ảnh hưởng đến tầm nhìn (trong khoảng gần) của đôi mắt.
– Vệ sinh mắt bị hạn chế (vướng víu) do hàng mi giả dẫn đến mắt có gì, kèm nhèm, nhìn mờ.
5. Viêm bờ mi, viêm kết mạc
– Do chất lượng keo dán không đảm bảo.
– Do quá trình nối mi, dán mi không đảm bảo vệ sinh.
6. Nguy cơ hỏng giác mạc
Theo các bác sĩ chuyên khoa về mắt
“Các loại keo dán mi có chứa chất kích thích mang đến nhiều nguy hiểm. Nếu sử dụng thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến mi thật của con người, điều này có thể dẫn đến tổn thương các nang lông, đồng thời làm chậm, thậm chí khiến quá trình phát triển lông mi bị ngưng trệ vĩnh viễn.
Nhiều loại keo dán lông mi khi gặp nước như khi đi dưới trời mưa, rửa mặt thì keo rất dễ lem nhem mắt. Nếu đưa tay dụi, vô tình đưa keo dán vào trong mắt, tạo điều kiện viêm mắt, hỏng giác mạc…
Ngoài ra, khi những sợi mi giả cọ sát vào mắt, mắt sẽ cảm thấy bị cộm và hơi ngứa, gây tổn thương cho mắt. Lâu dài, có thể khiến bạn bị viêm mi, mắt bị sưng tấy và ngứa thì sẽ rất khó để phẫu thuật cấy mi trở lại”
Những “tai nạn” do cấy mi giả
Chị H (TP.HCM)
“Chị H sở hữu một gương mặt đẹp nhưng phải tội “hàng mi lơ thơ” nên háo hức đi nối mi để làm đẹp. Thế nhưng ngay khi vừa nối lông mi về, mắt H đã nặng trĩu, cứng đờ và ngứa ngáy. Sang ngày thứ 2 thì mí mắt của H sưng, đỏ au. Sợ quá, H phải lập tức đi tháo và vào bệnh viện mắt khám. Bác sĩ kết luận, H đã bị dị ứng với keo dán mi.”
Chị P.N (Q.8, TP.HCM)
“Khi đi nối lông mi giả, chị có cảm giác rờn rợn vì thấy họ dùng một loại keo màu đen, mùi hắc rất khó chịu bôi lên mắt mình.
Khi nhân viên nối mi dùng nhíp gắn sợi mi nhỏ vào chân mi, chị có cảm giác như bị đâm vào da thịt, rất đau nhưng nghĩ rằng nhiều người chịu được, chẳng lẽ mình bỏ cuộc. Chỉ một ngày sau, mắt chị Nga cứng đờ cả khi nhắm lẫn khi mở rồi thì mí sưng lên và ngứa ngáy khó chịu. Bực mình, chị tự lấy nhíp nhổ hết lông mi giả ra ….và lông mi thật cũng biến mất.
Sau mấy ngày đi khám ở Bệnh viện mắt TP.HCM, kết quả là chị bị viêm kết mạc, phải điều trị lâu dài”
Chị H.A (HN)
“Đã lớn tuổi, không có nhu cầu làm đẹp nhưng vì con dâu của chị bạn mở cửa hàng “nối mi chăm sóc sắc đẹp” nên chị HA đi “ủng hộ” và cũng để thử xem mi giả sẽ “đẹp lên thế nào”.
Mặc dù chỉ nối mi ở mức độ vừa phải, tự nhiên nhưng ai dè “đẹp chẳng thấy đâu” mà chỉ thấy phiền toái. Thay vì thói quen táp nước vào mặt, tha hồ lau rửa…nay phải nhẹ nhàng rửa từng bên mắt, không để nước vào mắt rất mất thời gian.
Được vài ngày thì mắt bị ngứa. Thỉnh thoảng những sợi mi giả rụng lại chọc vào mắt rất đau…Chị đã nghĩ đến giải pháp nhổ hết mi giả ra, nhưng lại sợ “tụt” hết cả mi thật ảnh hưởng đến mắt nên đành để mi giả rụng dần . Đúng là “không cái dại nào giống cái dại nào”
Ý kiến của chuyên gia
Bác sĩ Vũ Anh Lê – Trưởng khoa Chấn thương – Bệnh viện Mắt TP.HCM
“Do yêu cầu của việc nối mi phải dùng keo dán, nên phải 24 giờ sau vùng mi được nối mới hoàn toàn khô hẳn, nếu lỡ tay dụi vào mắt thì keo dính vào niêm mạc mắt rất nguy hiểm, nhiều trường hợp gây sưng viêm kết mạc và mi mắt hoặc nhẹ hơn là gây cay, chảy nước mắt, dị ứng ngứa đỏ mắt.
Có khi những sợi mi nối bị khô chết và rụng đi (vì không được nuôi dưỡng bởi các tế bào vi mạch máu từ da mi), sẽ kéo theo cả những sợi mi thật rụng theo, gây mất thẩm mỹ cho vùng mi mắt và mất lớp mi bảo vệ mắt.
Sau khi nối, mi mắt có cảm giác nặng hơn, khó chịu khi nhắm mở mắt vì mi thật phải cõng thêm hàng mi nối. Ngoài ra, người nối mi cũng tuyệt đối không được để nước thấm vào vùng mi mắt, nếu không lớp keo dán sẽ bung ra, trông lem nhem và các sợi mi sẽ bị dính bết vào nhau”
Lời kết
Các cụ xưa có câu “giầu hai con mắt, khó hai bàn tay” để nói lên tầm quan trọng của đôi mắt đối với cuộc sống con người. Việc cắm mi giả giúp chúng ta có một đôi mắt đẹp hơn, hấp dẫn hơn nhưng nó gây nên nhiều tác hại cho đôi mắt. Vì vậy, không nhất thiết phải làm làm đẹp mà mất đi “sức khỏe” đôi mắt của mình.
Có những đôi mắt đẹp long lanh, quyến rũ với hàng mi dài hút hồn…khiến bao người phải ngưỡng mộ. Nhưng cũng có những đôi mắt sáng, linh hoạt, thể hiện sự thẳng thắn, thân thiện, tự tin … không trang điểm cầu kỳ lại là những đôi mắt gây “ấn tượng đặc biệt” cho tất cả mọi người.
Benh.vn