Thời điểm người người dùng máy ozone, nhà nhà dùng máy ozone đã qua. Tuy nhiên, hiếm người biết rằng vì sao người dùng lại quay lưng với loại máy nổi danh “thần kỳ” và tác dụng thực sự của nó đến sức khỏe con người.
Mục lục
Sự “vô nghĩa” của máy tạo ozone
Sự lũng đoạn thông tin về tác dụng của máy tạo ozone đã khiến nhiều nhà khoa học trăn trở về sự “vô nghĩa” của loại máy này. Trong buổi họp báo gần đây nhất, GS Nguyễn Hoàng Nghị – từng công tác tại ĐH Bách Khoa HN và tác giả một công trình nghiên cứu về máy tạo khí ozone, cùng khoảng chục nhà khoa học khác cho biết loại máy này chỉ cho có tác dụng khử… vi khuẩn!
Tương tự, trả lời cho câu hỏi tác dụng của máy ozone đối với thịt, GS Nguyễn Hoàng Nghị nói: “Việc cho thịt vào ozone rất ngắn hạn và phải lấy mục tiêu là khử mùi. Bất kỳ mục tiêu khác là không được, còn bọt được sinh ra do ozone tương tác với protein có trong thịt, đó là rất nhiều chất. Còn đó là chất gì thì tôi chắc ngần này giáo sư (5 vị giáo sư – PV) cũng không trả lời được”.
Những minh chứng trên đã phần nào nói lên được sự kỳ vọng của người dân vào một loại máy được quảng cáo là giúp cuộc sống của họ an toàn hơn, nhưng thực tế nó lại không hề như quảng cáo.
Sự biến mất của máy ozone trên thị trường
Theo tìm hiểu các thông tin trên mạng về máy ozone, rất nhiều kết quả hiện thị cho thấy các thông tin quảng cáo về loại máy này. Tuy nhiên, đến các siêu thị lớn tại Hà Nội thì không thể tìm ra được sản phẩm. Câu trả lời nhận được chỉ là những lời khẳng định siêu thị không còn loại máy ozone hay máy khử độc rau quả nào nữa.
Điều đáng nói, hầu hết các nhân viên trả lời qua điện thoại đều không thể có đáp án cho câu hỏi hết hàng từ bao giờ và tại sao hết hàng từ lâu mà không nhập thêm về để bán.
Ông chủ một cửa hàng ở phố Giảng Võ giải thích về việc của hàng không còn sản phẩm máy khử độc ozone nào “Đợt vừa rồi hết hàng nhưng chưa thấy người ta chuyển xuống. Còn Kangaroo thì lâu rồi họ không về máy khử độc nữa. Sau này toàn bán cái của Bách Khoa thôi. Cách đây nửa tháng nhưng người ta bảo là hết hàng nên phải chờ đợt hàng mới thì mới chuyển về được. Của Bách Khoa thì không phải thay cục ozone (bộ phận cung cấp khí ozone) như của Kangaroo. Máy của Kangaroo ngày trước thì 2-3 năm phải thay cục ozone vì nó hết ozone. Còn máy của Bách Khoa thì tạo ozone từ không khí nên không lo bị hết”.
Nguyên nhân khiến máy ozone “biến mất” trên thị trường?
Để tìm hiểu lý do vì sao các loại máy ozone hoặc máy khử độc rau quả không còn được các siêu thị mặn mà cũng như các công ty sản xuất không có hàng mới, các phóng viên đã liên hệ tới các công ty sản xuất và bán hàng. Một đại diện Kangaroo qua điện thoại cho biết lý do công ty không sản xuất sản phẩm máy tạo ozone nữa vì đó không còn là sản phẩm mũi nhọn của công ty và đã dừng sản xuất từ 2 năm nay và do nhu cầu của người tiêu dùng thay đổi: không còn dùng máy dạng nồi (như của Kangaroo sản xuất) mà dùng máy dạng sục.
Trao đổi về lý do “hết hàng”, ông Nguyễn Văn Nguyên – PGĐ Công ty TNHH Đầu tư Thương mại và Dịch vụ Biển Xanh (Công ty sở hữu thương hiệu Nonan) cho hay: “Về tình hình kinh doanh, bên chúng tôi không thể nhập hàng được của phía nhà máy ở bên Trung Quốc được nữa. Lý do là nhà máy phá sản. Còn nhu cầu của thị trường vẫn còn. Bên tôi hiện sản phẩm đang hết hàng và chưa biết bao giờ bên tôi mới có thể nhập hàng được nữa. Chúng tôi cũng đang đàm phán với nhà máy xem họ bán dây chuyền sản xuất cho ai, nhưng vẫn chưa liên hệ được” “Hiện công ty cũng đang muốn nhập hàng để bán nhưng không có nguồn đề nhập”.
Khi trả lời về việc kết hợp sản xuất với các công ty máy ozone khác ở trong nước, ông Nguyên cho rằng: “Ozone chỉ có tác dụng trong môi trường kín. Và sản phẩm bên tôi là dạng nồi, kín hoàn toàn để khử độc. Chúng tôi đi kiểm nghiệm là kiểm nghiệm trong môi trường kín. Còn môi trường hở như các hãng khác thì không có bình luận”.
Dưới góc độ kinh doanh, ông Lê Quang Vũ – Tổng Giám đốc MediaMart cho biết:”Các tính năng của một số sản phẩm loại này không được công bố rõ ràng, không nói đến số liệu đo đạc cụ thể, rõ ràng và quan trọng nhất là không được công bố bởi một cơ quan có thẩm quyền”. Theo nhu cầu thị trường, khách hàng cũng không quan tâm đến sản phẩm này bởi nhiều người dân vẫn dùng cách làm truyền thống để vệ sinh rau quả: Khi rửa rau thì cho thêm chút muối. “Đây là cách truyền thống đơn giản, rẻ tiền và nhanh chóng nên chúng tôi không tiếp tục kinh doanh sản phẩm này”, ông Vũ nói.
Benh.vn (theo soha.com.vn)