Bệnh lý cơ xương khớp rất đa dạng. Theo phân loại quốc tế ICD-10: có 15 nhóm bệnh cơ xương khớp với khoảng 100 bệnh xương khớp được phân loại. Tỷ lệ mắc bệnh khá cao.
Mục lục
- 1 Nhận biết dấu hiệu bệnh khớp
- 2 Nguyên nhân của bệnh khớp
- 3 Chẩn đoán bệnh khớp
- 4 Một số bệnh xương khớp thường gặp
- 4.1 Bệnh viêm khớp dạng thấp
- 4.2 Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống
- 4.3 Bệnh xơ cứng bì toàn thể
- 4.4 Bệnh thoái hoá khớp
- 4.5 Bệnh Gút
- 4.6 Bệnh viêm cột sống dính khớp
- 4.7 Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn (lao khớp hoặc viêm khớp do vi khuẩn, cốt tuỷ viêm…)
- 4.8 Hoại tử vô khuẩn đầu xương
- 4.9 Đau xơ cơ (fibromyalgie)
- 4.10 Đau khớp do nguyên nhân trầm cảm
- 4.11 Hội chứng cận K nói chung và hội chứng Pièrre Marie
- 5 Điều trị bệnh khớp
- 6 Cách phòng chống các bệnh khớp
Cần lưu ý bệnh cơ xương khớp có thể xảy ra ở tất cả các lứa tuổi: viêm khớp mạn tính có thể gặp ở trẻ mới vài tuổi (viêm khớp mạn tính thiếu niên). Các bệnh gặp ở người trung niên trở lên: thoái hoá khớp, thoái hoá cột sống, đau thần kinh toạ, loãng xương, viêm khớp dạng thấp, ung thư di căn xương…
Nhận biết dấu hiệu bệnh khớp
Triệu chứng đau (có thể kèm sưng tại khớp), đau tại cột sống là các triệu chứng phổ biến nhất và quan trọng nhất.
Nếu bệnh nhân đau sau vận động với mức độ vừa phải, xảy ra ở người lớn tuổi, có thể do thoái hoá, thường gặp đau tại khớp gối hoặc cột sống thắt lưng, cột sống cổ. Thoái hoá cột sống thường kèm theo triệu chứng thần kinh (đau dọc vai- tay hoặc dọc thần kinh toạ) ở chân.
Trường hợp đau khiến bệnh nhân phải thức dậy do đau, đau vào lúc nửa đêm gần sáng là các triệu chứng của bệnh khớp viêm. Đặc biệt, nếu bệnh nhân đau dai dẳng, không đáp ứng với thuốc giảm đau, hoặc cường độ đau tăng dần, không giảm bớt khi nằm, thì nguyên nhân đau có thể là viêm, nhiễm khuẩn hoặc ung thư.
Sưng đau nhiều khớp, đặc biệt là các khớp ở cổ, bàn tay có thể gặp trong nhiều bệnh. Nếu kèm theo cứng khớp buổi sáng kéo dài trên 30 phút là triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp (thường gặp ở nữ giới tuổi trung niên); nếu có ban ở mặt hình cánh bướm, sốt, phù chi là triệu chứng của bệnh lupus ban đỏ hệ thống (thường gặp ở nữ trẻ tuổi); trường hợp kèm theo xơ cứng ở da, có các nám đen ở da xen kẽ các đốm bạch biến là triệu chứng của xơ cứng bì toàn thể (thường gặp ở nữ giới tuổi trung niên); nếu kèm theo đau tại cơ, yếu cơ, đứng lên ngồi xuống khó khăn, có thể kèm theo sốt đau khớp gợi ý bệnh viêm đa cơ tự miễn. Đau khớp, đau cơ, yếu cơ có thể kèm thêm các hồng ban ở mặt, ở da là các triệu chứng của một thể khác của bệnh: viêm da và cơ tự miễn). Hai thể bệnh này kèm theo có tăng men gan nên có thể bị nhầm thành bệnh viêm gan (thường gặp ở nữ giới tuổi trung niên).
Trẻ ở tuổi đi học mắc bệnh thấp tim với biểu hiện sưng đau khớp xuất hiện sau viêm họng, có thể kèm tổn thương van tim.
Sưng đau khớp hoặc cột sống kèm sốt, có thể do nhiễm khuẩn.
Nam giới tuổi trung niên, xuất hiện đau tại ngón chân cái, khớp cổ chân, gót, cổ chân, gối (các vị trí thường gặp theo thứ tự giảm dần) với triệu chứng sưng, nóng, đỏ đau dữ dội, khởi phát sau một bữa ăn uống nhiều thịt, rượu hoặc sau lao động nặng, có thể khỏi trong vòng vài ba ngày gợi ý bệnh gút ở giai đoạn cấp. Giai đoạn mạn tính thường sưng đau cả các khớp ở bàn tay, thường có hạt màu trắng nổi lên ở dưới da (được gọi là hạt tô phi).
Nếu bệnh nhân không đến khám để được chẩn đoán, điều trị kịp thời sẽ có nguy cơ dính khớp (không hồi phục được), các tổn thương lan rộng khó kiểm soát, qua giai đoạn có thể can thiệp. Trường hợp trẻ mắc bệnh thấp tim nếu không được phát hiện dự phòng kịp thời có thể gây suy tim do hẹp hở các van tim.
Nguyên nhân của bệnh khớp
Có rất nhiều nhóm nguyên nhân.
– Nguyên nhân tự miễn dịch: viêm khớp mạn tính thiếu niên, viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, xơ cứng bì toàn thể, viêm cột sống dính khớp…
– Nguyên nhân do thoái hoá, do tuổi tác: thoái hoá khớp, thoái hoá cột sống, đau thần kinh toạ, loãng xương…
– Nguyên nhân do rối loạn chuyển hoá: bệnh gút và các bệnh vi tinh thể khác…
– Nguyên nhân do nhiễm khuẩn: viêm khớp hoặc đốt sống do vi khuẩn viêm mủ, do vi khuẩn lao…
Chẩn đoán bệnh khớp
Dựa vào các triệu chứng gợi ý nêu trên, và các triệu chứng khác, thầy thuốc sẽ chỉ định các xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh (X quang, CT, cộng hưởng từ…) cần thiết để chẩn đoán.
Một số bệnh xương khớp thường gặp
Phần dưới đây trình bày đặc điểm của một số bệnh có đau xương khớp mạn tính thường gặp
Bệnh viêm khớp dạng thấp
– Lâm sàng: gặp ở nữ, trung niên. Tổn thương khớp gối: thường cả hai bên. Tổn thương khớp kèm theo (có thể xuất hiện trước hoặc sau tổn thương khớp gối): Sưng đau khớp ngón gần, bàn ngón tay, cổ tay, khuỷu, cổ chân, bàn ngón chân, hai bên. Thường kèm theo dấu hiệu cứng khớp buổi sáng.
– Xét nghiệm: Yếu tố dạng thấp (dương tính khoảng 80%); Các kháng thể Anti-CCP (Cyclic Citrullinated Peptide) dương tính.
– Chẩn đoán: theo tiêu chuẩn ACR 1987 gồm 7 yếu tố.
Có thể cần nội soi và sinh thiết màng hoạt dịch khớp gối để chẩn đoán nếu chỉ tổn thương một khớp (khớp gối hoặc các khớp khác).
Bệnh Lupus ban đỏ hệ thống
– Lâm sàng: gặp ở nữ, thường gặp ở nữ giới trẻ tuổi.
- Tổn thương khớp gối: thường cả hai bên.
- Tổn thương khớp kèm theo: ít khi đau khớp gối đơn độc.
- Thường kèm theo sưng đau khớp ngón gần, bàn ngón tay, cổ tay, khuỷu, cổ chân, bàn ngón chân, hai bên.
- Triệu chứng khác: ban cánh bướm, nhạy cảm với ánh nắng, tổn thương thận, sốt kéo dài, rụng tóc, mất kinh…
– Xét nghiệm: các xét nghiệm về tổn thương thận, máu ngoại vi, phát hiện tràn dịch các màng tim, màng phổi (siêu âm, X quang) và kháng thể kháng nhân.
– Chẩn đoán theo tiêu chuẩn ACR 1982 gồm 11 yếu tố.
Bệnh xơ cứng bì toàn thể
– Lâm sàng: gặp ở nữ, trung niên.
- Đau khớp: các khớp nhỏ nhỡ ở bàn tay như viêm khớp dạng thấp.
- Hội chứng Raynaud.
- Tổn thương da đặc biệt: dày, cứng, rối loạn sắc tố…
Bệnh thoái hoá khớp
– Lâm sàng: gặp ở nữ nhiều hơn nam, tuổi trung niên.
- Tổn thương các khớp nhỏ ở bàn tay, song thường bị cả khớp ngón xa.
- Có thể có các hạt Heberden (ở ngón xa) hoặc Bouchat (ở ngón gần).
- Thường tổn thương khớp gối (một hoặc hai bên).
- Đau cơ học, dấu hiệu phá rỉ khớp dưới 30 phút.
- Khớp thường không có dấu hiệu viêm.
– Xét nghiệm: máu và dịch khớp: không có các dấu hiệu viêm.
Bệnh Gút
– Lâm sàng: gặp ở nam, trung niên.
- Tổn thương khớp gối: thường có tràn dịch.
- Có tính chất nóng, đỏ, đau có thể cấp tính.
- Những đợt đầu thường thuyên giảm trong vòng dưới hai tuần.
- Có thể tìm thấy tinh thể urat trong dịch khớp.
- Tổn thương khớp kèm theo: có thể có đợt sưng đau cấp tính ngón chân cái ở giai đoạn đầu.
- Giai đoạn sau, tổn thương thường xuất hiện ở các khớp khác ở chân, và sau đó là các khớp ở chi trên (các khớp nhỏ nhỡ ở bàn tay) đối xứng hai bên.
- Tuy nhiên, có những trường hợp ở giai đoạn đầu, chỉ tổn thương khớp gối đơn độc, cần xét nghiệm dịch khớp tìm tinh thể urat; hoặc test điều trị thử với colchicin để chẩn đoán. Nếu phát hiện được hạt tôphi thì chẩn đoán dễ dàng hơn.
– Xét nghiệm: acid uric máu thường tăng (trên 420 µmol/l). Tuy nhiên, nếu acid uric máu bình thường cũng không loại trừ chẩn đoán. Có thể có kèm các rối loạn chuyển hoá đường và/hoặc lipid máu.
Siêu âm khớp có thể thấy hình ảnh đường đôi, hình ảnh hạt tô phi và khuyết xương.
X quang thông thường trong trường hợp gút mạn có hình ảnh khuyết xương thường kèm theo gai xương.
– Chẩn đoán theo tiêu chuẩn Bennett – Wood.
Bệnh viêm cột sống dính khớp
– Lâm sàng: gặp ở nam giới, trẻ tuổi.
- Tổn thương khớp gối: Sưng đau khớp gối thường hai bên, kéo dài nhiều ngày.
- Tổn thương khớp kèm theo: Sưng đau khớp khác ở chi dưới (háng, cổ chân hai bên)
- Thường đau vùng mông và giảm vận động cột sống thắt lưng, đau gót chân hai bên hoặc các điểm bám tận khác.
- Thường nhanh chóng dẫn đến teo cơ, dính khớp, đặc biệt là khớp háng và cột sống thắt lưng.
– Xét nghiệm: có các dấu hiệu viêm về xét nghiệm trong trường hợp bệnh ở giai đoạn hoạt động.
Xquang có viêm dính khớp cùng chậu, thường hai bên. Giai đoạn muộn, có hình ảnh cầu xương: cột sống hình cây tre.
Bệnh viêm khớp nhiễm khuẩn (lao khớp hoặc viêm khớp do vi khuẩn, cốt tuỷ viêm…)
– Lâm sàng: Rất thường gặp ở các đối tượng có suy giảm miễn dịch: dùng corticoid kéo dài, đái tháo đường, nhiễm HIV…
- Bất kỳ khớp nào cũng có thể bị tổn thương. Thường gặp nhất là lao khớp cổ chân, cổ tay.
- Thường viêm một khớp duy nhất.
- Với viêm khớp nhiễm khuẩn, triệu chứng viêm cấp tại chỗ thường dữ dội.
- Với lao khớp thường sưng đau là chính, ít nóng và hầu như không bao giờ đỏ.
- Giai đoạn muộn có thể có lỗ rò (lao khớp hoặc nhiễm khuẩn, cốt tuỷ viêm…). Viêm khớp nhiễm khuẩn thường có đường vào (châm cứu, tiêm tại khớp, đinh gai chọc vào…).
– Xét nghiệm: Cần chọc hút dịch khớp làm xét nghiệm tế bào học và nuôi cấy tìm vi khuẩn. Trường hợp nghi viêm khớp do lao, cần xét nghiệm thêm bilan lao (chụp phổi, BK đờm hoặc dịch vị, hạch đồ nếu có hạch, phản ứng mantoux…)
Xquang quy ước có thể thấy hình ảnh hẹp khe khớp, huỷ xương về hai phía (hình ảnh soi gương).
Hoại tử vô khuẩn đầu xương
– Lâm sàng: Có thể gặp ở mọi xương chỏm xương đùi, đầu trên xương chày, đầu xương trụ… ở nước ta, chỏm xương đùi hay gặp nhất, ở các đối tượng uống nhiều rượu, mắc bệnh gút. Với chỏm xương đùi, thường đau khớp háng một bên kiểu cơ học.
– Xquang quy ước: Khe khớp không hẹp. Hình ảnh huỷ xương chỉ ở một xương, không tổn thương xương đối diện. Có thể có kết đặc phía dưới vùng huỷ xương.
Cộng hưởng từ cho các thông tin chẩn đoán sớm.
Đau xơ cơ (fibromyalgie)
– Lâm sàng: Thường gặp ở nữ, 40-60 tuổi, có thể khởi phát bởi stress hoặc đau mạn tính, đặc biệt ở những người có yếu tố gia đình.
- Đau là triệu chứng chính, đau lan toả kéo dài trên 3 tháng.
- Có các điểm khởi phát đau đặc biệt (tại các điểm bám tận của gân cơ tại vai, cổ, lồi cầu khuỷu tay).
- Các điểm đau cả bên phải và trái, cả phần thân trên và dưới, bắt buộc phải có đau cột sống. Có nhiều triệu chứng chồng chéo. Chẩn đoán theo tiêu chuẩn ACR 1990.
Đau khớp do nguyên nhân trầm cảm
Có thể đau bất kỳ khớp nào, thường đau toàn thân và cột sống thắt lưng. Các bilan viêm âm tính. Đôi khi rất khó điều trị.
Hội chứng cận K nói chung và hội chứng Pièrre Marie
Đau bất kỳ khớp nào, thường đau toàn thân và cột sống thắt lưng, đau về đêm, không đáp ứng hoặc ít đáp ứng với thuốc giảm đau.
Hội chứng Pièrre Marie: thường đau khớp cổ tay, khuỷu, gối, cổ chân hai bên, có ngón chi dùi trống. Thường có nguồn gốc từ vú, tử cung phần phụ, tiền liệt tuyến, phổi, dạ dày…Tuỳ theo nguồn gốc nghi ngờ mà làm thêm các chỉ thị về u: FP trong trường hợp nghi K gan, PSA-K tiền liệt tuyến; CA125- K buồng trứng; CA15-3- K vú; ACE- adenome carcinome; Ca19-9- K tuỵ; NSE- K phổi tế bào nhỏ.
Sinh thiết tuỷ xương: có thể phát hiện bệnh đa u tuỷ xương hoặc khẳng định một ung thư nào đó di căn tuỷ xương.
Xạ hình xương (Scintigraphie xương): có giá trị trong việc phát hiện các điểm di căn trên toàn bộ khung xương.
Điều trị bệnh khớp
– Những lưu ý cần thiết (chế độ dinh dưỡng, chế độ luyện tập, nghỉ ngơi)
Phục hồi chức năng, chống dính khớp
Có nhiều bài tập để giảm cứng và đau khớp, chống dính khớp. Ngoài ra, cần tránh vận động quá mức ở các khớp tổn thương, tránh các động tác có thể gây ra hoặc gây đau tăng. Khuyến khích người bệnh vận động và tự phục vụ bằng cách trang bị các dụng cụ phù hợp: các loại quần áo giày dép mềm dễ mặc, cài bằng khoá dán; cốc nhẹ, thìa có cán dài và to…Tránh đứng hoặc ngồi quá lâu; nên dùng can chống hỗ trợ đối với bên khớp đau.
Y học cổ truyền và nước suối khoáng
Trong giai đoạn bệnh hoạt động, các khớp sưng đau nhiều, sử dụng các thuống chống viêm mạnh là cần thiết. Song ở giai đoạn bệnh thuyên giảm, có thể nước suối khoáng nóng có thể gia tăng tác dụng của phục hồi chức năng khớp. Châm cứu hoặc một số bài thuốc nam (trinh nữ hoàng cung, độc hoạt Lai châu hoặc các thuốc đã được điều chế thành viên nén như Hyđan, Vifotin…) có tác dụng chống viêm khớp có thể làm thuyên giảm triệu chứng viêm, giảm liều các thuốc chống viêm, do đó làm giảm tác dụng không mong muốn của các thuốc nhóm này. Tuy nhiên, ngay cả giai đoạn này cũng vẫn cần kết hợp điều trị các thuốc cơ bản (ví dụ như Thuốc chống sốt rét tổng hợp (hydroxychloroquin, chloroquin, methotrexat, salazopyrin) , với liều theo hướng dẫn của bác sĩ. Đặc biệt bệnh nhân không nên sử dụng các thuốc “đông y” không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần vì hiện nay có nhiều thuốc loại này đã trộn thêm thuốc corticoid gây nhiều hậu quả nghiêm trọng (phù, tăng huyết áp, tăng nhãn áp, đái tháo đường, loãng xương, giảm miễn dịch, nhiễm khuẩn nặng, xuất huyết bầm tím trên da…).
Tái khám định kỳ
Các bệnh nhân cần được tư vấn, hiểu biết về bệnh của mình nhằm tuân thủ điều trị, tái khám định kỳ. Lý tưởng nhất là tái khám theo hẹn của thầy thuốc riêng của mình để có các lời khuyên về các biện pháp tránh biến dạng khớp, sử dụng thuốc với liều và số lượng nhóm thuốc phù hợp với bệnh và giai đoạn của bệnh. Quy trình tái khám hàng tháng gồm khám nội khoa tổng thể, khám chuyên khoa và xét nghiệm hàng tháng nhằm xác định mức độ hoạt động bệnh và có chỉ định phù hợp. Bệnh nhân nên tham gia câu lạc bộ bệnh nhân nhằm trao đổi kinh nghiệm phòng chống bệnh tật, hoà nhập cộng đồng.
Cách phòng chống các bệnh khớp
– Tuân thủ khám sức khoẻ tổng thể định kỳ (06 tháng một lần) nhằm phát hiện sớm các bệnh nếu có để được điều trị kịp thời.
– “Lắng nghe cơ thể bạn” một cách chăm chú, khi có triệu chứng đau cơ, xương hoặc khớp, đặc biệt kèm theo sưng khớp, hạn chế vận động thì cần đến khám bác sĩ chuyên khoa kịp thời nhằm được chẩn đoán, điều trị kịp thời, tránh nguy cơ dính khớp (không hồi phục được), tránh các tổn thương lan rộng khó kiểm soát, tránh bỏ qua giai đoạn có thể can thiệp.
– Cần tập luyện, hoạt động thể dục thể thao, dinh dưỡng điều tiết (không quá nhiều đạm, quá nhiều chất mỡ, chất ngọt, không ăn mặn, cần ăn chế độ giàu calci…). Ngoài ra, cần tránh vận động quá mức, dễ gây tổn thương các khớp, cột sống, đặc biệt phải luyện tập phù hợp với tuổi tác
Benh.vn