Từ thời vua Hùng Vương, nước Việt đã có tục an táng người chết dưới huyệt đất. Theo thời gian, thủ tục đó đã trở thành tập quán của ông cha ta và tồn tại đến ngày nay. Xã hội phát triển, cuộc sống đầy đủ hơn, mặt bằng dân trí cao hơn cộng với sự hiểu biết về nhân sinh quan, về môi trường, sự thiếu thốn đất đai… đã mang đến một luồng suy nghĩ mới trong việc an táng cho người quá cố.
Mục lục
Các hình thức mai táng
Trên thế giới người ta sử dụng nhiều hình thức mai táng khác nhau. Mỗi hình thức chọn lựa cho mình khi từ giã cõi đời đều mang một triết lý nhân sinh khác nhau. Nhưng xét qua nhiều khía cạnh, có 5 hình thức chính, đó là:
-Địa táng: chôn người chết xuống đất.
-Hỏa táng: dùng nhiệt đốt xác chết thành tro.
-Thủy táng: bỏ xác chết xuống nước cho cá ăn.
-Huyền táng: treo xác trên trên vách núi.
-Điểu táng: đem xác chết lên núi cho chim ăn.
Những nghi lễ táng cho người chết trên thế giới
Canada
Ở Canada, phần lớn người chết được thiêu, sau đó tro cốt được gửi trong các nhà thờ hay nhà chùa. Nếu người chết được chôn theo cả quan tài thì được chôn xuống huyệt đất. Người ta đào những cái hầm khá lớn và sâu, rồi chia ra thành từng ngăn. Mỗi ngăn cho một quan tài. Mộ không được xây thành nấm mà được san bằng để trồng cỏ lên. Trên mộ chỉ đặt một tấm bia.
Nghĩa trang Canada (Ảnh minh họa)
Hồng Kông
Còn ở Hồng Kông, việc mua đất để chôn rất đắt nên hầu hết người chết được hỏa táng. Người ta gửi những bình tro cốt vào nghĩa trang, nhà chùa hoặc nhà thờ. Mỗi bình tro được khắc ghi như một tấm bia.
Hoa Kỳ
Hoa Kỳ: vào thập niên 70 thì 10 người chết mới có 1 người thiêu nhưng hiện nay ở nước Mỹ cứ 4 người chết là có một người thiêu tức là 25%. Người ta tiên đoán vào năm 2025 thì số người chết muốn thiêu sẽ lên đến 50%. Gần đây nhất công nghệ khoa học hiện đại đã biến tro cốt người quá cố thành viên kim cương để người thân mang theo trong người.
Việt Nam
Ở Việt Nam áp dụng hình thức địa táng và hỏa táng cho người chết. Hiện tại có khoảng 70% là địa táng và 30% áp dụng hỏa táng.
Địa táng (ảnh minh họa)
Cách dùng phổ thông nhất của người Việt vẫn là địa táng. Theo quan niệm cũ địa táng cho mồ yên mả đẹp. Sau 3 năm khi thay áo (cải mả) cho sạch sẽ, người thân sẽ được siêu thoát… Nhưng cũng có ý kiến cho thấy nên hỏa táng. Họ cho rằng việc hỏa táng vừa nhanh gọn, vừa hợp vệ sinh lại không phải qua “giai đoạn chuyển tiếp” mà vẫn có thể chăm lo cho các cụ chu tất, làm yên lòng cả người đang sống và người đã khuất.
Lựa chọn địa táng hay hỏa táng sau khi chết ?
Phân tích của chuyên gia
Theo phân tích của chuyên gia Thiếu tướng Nguyễn Chu Phác (chủ nhiệm Bộ môn Dự báo Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người): Hỏa táng và địa táng không có sự khác biệt về tâm linh, không trái với luân thường đạo lý.
PGS.TS Phạm Văn Thân (nguyên Trưởng Phòng Nghiên cứu Vi khuẩn gây dịch bệnh tối nguy hiểm – Viện Vệ sinh Dịch tễ TW): Hỏa táng đảm bảo vệ sinh vì các loại vi khuẩn gây bệnh sẽ bị tiêu hủy sau khi hỏa táng. Từ đó không còn mầm bệnh lây lan ra môi trường hay ngấm sâu vào đất, phát sinh vào nguồn nước.
Ý kiến người dân
Bà Nguyễn Phương Mai (68 tuổi ở Hai Bà Trưng, Hà Nội): Tôi đã xác định với con cháu. Tôi biết con, cháu của tôi có tâm lý thích chôn cất tôi khi mất. Tuy nhiên, phương án này tôi không thích, tôi thường hay bảo với các con khi tôi chết, nên hỏa táng cho tôi. Có làm được như vậy tôi mới thanh thản ra đi về thế giới bên kia, tâm hồn siêu thoát nhanh hơn….
Vậy hỏa táng là gì, quá trình hỏa táng như thế nào? chúng ta hãy cùng tìm hiểu.
Hỏa táng là gì ?
Hoả táng (hay được gọi là thiêu) là hình thức an táng người chết bằng cách thiêu xác thành tro rồi đựng trong hũ, bình. Tuỳ theo từng tôn giáo, tro sau khi hoả táng được chôn cất hoặc đem về thờ tại nhà hoặc gửi vào các nơi thờ phượng (chùa, nhà thờ, đình, miếu….)
Quá trình hỏa táng
Hỏa táng bằng lò điện hoặc lò ga.
Giai đoạn 1: đốt cháy cả quan tài, khoảng 2-3 giờ, cung cấp khí nóng ở nhiệt độ từ 800 đến 1200 độ. Sau đó dùng hệ thống khí thổi sạch tro gỗ.
Giai đoạn 2: cho xương ra khay và dùng nam châm rà đinh. Các tạp chất không phải là xương được nhặt ra.
Giai đoạn 3: Xương để nguội, sạch sẽ và được cho vào bình đựng. Sau đó chuyển bình ra đúng vị trí để trả cho gia đình.
Lời kết
Sau khi chết, thân xác chỉ là sự hỗn hợp của vật chất. Những thứ này lại trở về các nguyên tố Đất, Nước, Gió và Lửa. Vì vậy, việc chôn (địa táng) hay hoả táng tùy thuộc nhiều yếu tố của mỗi thành viên trong gia đình, tùy thuộc vào môi trường sống chung quanh và quan niệm về sự sống và cái chết.
Hỏa táng là hình thức mai táng văn minh, phù hợp với đời sống hiện đại. Nhưng để hình thức hỏa táng phổ biến và trở thành phong tục của người dân Việt Nam cần có thêm thời gian… bởi đa số người dân ở các vùng nông thôn vẫn chưa thay đổi được nếp nghĩ, tập tục, tín ngưỡng đã ăn sâu vào đời sống qua nhiều thế hệ.
Benh.vn tổng hợp