Trường Đại học Y Dược Huế đã chế tạo thành công máy phát hiện hội chứng ngưng thở khi ngủ, từ thành công này sẽ cứu sống nhiều bệnh nhân có nguy cơ tiềm ẩn đột tử.
Quá trình tham gia điều trị tại Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế, ThS Hoàng Anh Tiến, hiện là Phó bí thư Đoàn Trường Đại học Y Dược Huế, đã nghiên cứu sáng tạo ra máy có tên gọi SASD-07. Dùng máy theo dõi nhịp thở có tên gọi SASD-07 (Sleep Apnea Syndrome Detective) nhằm phát hiện hội chứng ngưng thở lúc ngủ (HCNT) (theo một điều tra, 5% dân số thường mắc hội chứng ngưng thở khi ngủ, thường xuất hiện ở những người béo phì, tăng huyết áp, đái tháo đường) với triệu chứng thường gặp là ngáy to và buồn ngủ vào ban ngày.
Buổi tối, trước khi ngủ, máy SASD-07 được đặt trên cơ thể bệnh nhân và vào buổi sáng khi bệnh nhân thức giấc, âm thở ghi lại trong đêm sẽ đưa vào máy vi tính để phân tích qua phần mềm tự thiết kế Respiratory Rhythm Analysis 3.0 dùng để phân tích file âm thở ghi được bằng máy tự tạo này (phần mềm này được phối hợp thực hiện cùng ThS Nguyễn Quang Hưng, khoa Công nghệ thông tin Trường Đại học Khoa học). Chương trình này tự động cho kết quả phân tích ngay mà không cần phải theo dõi hay đếm trên màn hình.
Kết quả số lần ngưng thở trong đêm và tại các thời điểm này của chương trình thật sự quan trọng trong việc kết hợp và đối chiếu với các thiết bị theo dõi nhịp thở, hay nhịp tim để phát hiện các bất thường phối hợp. Ngoài ra, chương trình còn có sự lựa chọn ngưỡng âm thanh để phát hiện nhịp thở, xác định bệnh nhân không thở trong bao lâu để đưa ra kết luận có ngưng thở hay không. Điều này có thể áp dụng cho nhiều đối tượng khác nhau, các máy ghi âm khác nhau và làm chương trình phân tích thêm tính linh hoạt.
Được biết, ở Việt Nam vẫn chưa phát triển các phương tiện kỹ thuật chẩn đoán HCNT lúc ngủ và phần lớn ít quan tâm đến triệu chứng lúc ngủ của bệnh nhân. Mỗi bệnh nhân có HCNT luôn có nguy cơ tiềm ẩn về đột tử. Trên thế giới, vấn đề này đã được quan tâm và chẩn đoán cũng như điều trị, tuy vậy các thiết bị theo dõi mặc dù rất chính xác nhưng còn phức tạp và giá thành cao, khó trang bị như điều kiện của chúng ta hiện nay. Do vậy, dùng máy ghi âm nhịp thở là một giải pháp mới để chẩn đoán HCNT lúc ngủ.
Nhịp thở là một âm thanh đặc thù trong y học, thường phải sử dụng ống nghe chuẩn để phát hiện nhịp thở. Tuy vậy, không thể đặt ống nghe và theo dõi liên tục trong quá trình bệnh nhân ngủ. Do đó, ThS Tiến đã kết hợp ống nghe và một thiết bị có khả năng ghi lại âm thanh là máy ghi âm kỹ thuật số. Anh chọn máy ghi âm kỹ thuật số vì kích thước nhỏ gọn, dễ dàng mang theo trên người bệnh nhân, khả năng ghi âm tốt cũng như thời gian ghi âm dài.
Với máy ghi âm nhịp thở này, có thể đặt theo dõi nhịp thở cho tất cả những bệnh nhân nghi ngờ có HCNT lúc ngủ. Máy ghi âm kỹ thuật số, máy cassette hay máy vi tính kèm với ống nghe đều có thể dễ dàng trang bị và thực hiện trên bệnh nhân.
Bên cạnh đó, do tính cơ động và linh hoạt nên máy ghi âm nhịp thở có thể áp dụng không chỉ ở bệnh viện mà có thể ở nhà của bệnh nhân. Điều này ưu việt hơn các máy theo dõi nhịp thở lớn và ít cơ động trên thế giới.
Với những bộ phận có sẵn và kết hợp như vậy sẽ có giá thành thấp nên chi phí chẩn đoán, theo dõi sẽ giảm theo, tạo điều kiện cho nhiều người có thể sử dụng.
Kết quả nghiên cứu trên bệnh nhân, anh Tiến đều phát hiện có mối tương quan thuận chặt chẽ giữa mức độ nặng của HCNT khi ngủ với các yếu tố nguy cơ tim.
Hiện tại, nghiên cứu đang áp dụng trên 30 bệnh nhân và kết quả ban đầu cho thấy khả quan trong phát hiện HCNT khi ngủ. Qua thử nghiệm trên bệnh nhân, máy SASD-07 đã cứu sống đựợc 7 bệnh nhân nặng có nguy cơ đột tử. Công trình nghiên cứu này anh đã tự bỏ tiền nghiên cứu sau rất nhiều lần thử nghiệm để chọn đầu ống nghe thật mỏng và nhỏ, thay đổi độ dài và kích thước của dây ống nghe, chọn micro thích hợp để có được âm thanh ghi được chất lượng tốt và ít bị nhiễu.
Hiện tại, Đại học Huế đã đồng ý cho sản xuất loại máy này với chi phí thấp phù hợp để phục vụ bệnh nhân. PGS.TS Nguyễn Sĩ Huyên, Phó Giám đốc Trung tâm Săn sóc tăng cường Tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Dược St.Marienberg Halmstedt (CHLB Đức), Chủ tịch Hội Tim mạch Đức – Việt vừa tham dự hội nghị báo cáo khoa học tại Trường Đại học Y Dược đã đánh giá: Hiện tại, ở Việt Nam chưa có nơi nào có công trình nghiên cứu thực chất vấn đề này.
Trong điều kiện khó khăn, Hoàng Anh Tiến đã có sáng kiến riêng tạo ra dụng cụ để thực hiện nghiên cứu vấn đề rối loạn hô hấp trong giấc ngủ. Đây là một cố gắng lớn của tác giả. PGS.TS Nguyễn Sĩ Huyên cho biết, ông sẽ tài trợ để Trường Đại học Y Dược Huế phát triển đề tài này để nhân rộng trên toàn quốc.
ThS. Tiến với công trình nghiên cứu máy phát hiện hội chứng ngưng thở khi ngủ.
Bí thư thứ nhất TW Đoàn Võ Văn Thưởng tặng Bằng khen Tuổi trẻ lao động sáng tạo cho ThS. Tiến.
Benh.vn