Có thể khẳng định rằng khả năng hạ sốt là rất hạn chế. Cho đến nay, chưa thấy một công trình nghiên cứu khoa học có giá trị nào chứng minh miếng dán hạ sốt có thể thay được thuốc trong điều trị sốt ở trẻ em. Các miếng dán này chỉ dùng để hỗ trợ đối với các bé khó chường mát hoặc khi các bé ngủ. Hiện trên thị trường đang có hai nhóm miếng dán hạ sốt
Nhóm 1: Hạ sốt theo cơ chế vật lý (bốc hơi), như miếng dán Kool patch và Cool-Kid chứa các loại tinh dầu (menthol…). Khi bốc hơi sẽ giúp hạ nhiệt tương tự như lau mát bằng nước ấm cho trẻ. Nhóm này được bán rộng rãi nhưng chỉ có tác dụng hỗ trợ chứ không thể thay thế thuốc hạ sốt.
Nhóm 2: Chứa các thuốc hạ sốt như paracetamol hoặc các kháng viêm không steroid ở dạng bào chế thấm qua da. Nhóm này tương đối an toàn (nếu có tác dụng phụ thì chỉ là tác dụng tại chỗ) nhưng lại rất hiếm ở thị trường VN.
Cẩn trọng: Các loại khác phải thận trọng, đặc biệt khi miếng dán chứa hoạt chất salicylate (có thể gây hội chứng Rey”s làm tổn thương gan, não của trẻ) nếu nguyên nhân gây sốt là cúm.
Các bác sĩ khuyên tất cả bệnh nhi đang sốt từ 38,5oC trở lên nên được hạ sốt bằng thuốc. Một số trường hợp cần cho trẻ uống thuốc hạ sốt sớm hơn như: doạ co giật ở trẻ từ sáu tháng tới sáu tuổi hay trẻ có tiền căn động kinh, có anh chị em đã bị sốt cao co giật; sốt khiến trẻ khó chịu, bỏ bú, bỏ ăn… Thuốc hạ sốt thường được sử dụng là paracetamol với liều 10 – 15mg/kg cân nặng/lần, uống mỗi sáu giờ cho đến khi hết sốt. Không nên sử dụng aspirin để hạ sốt ở trẻ em.
Hầu hết các miếng dán hạ sốt có mặt trên thị trường VN hiện nay có thành phần chính là hydrogel. Đây là các polymer dạng chuỗi, không tan trong nước mà hút một lượng nước khá lớn, hạ sốt theo cơ chế hấp thụ nhiệt và phân tán ra ngoài. Một số có thêm tinh dầu như bạc hà, khi bốc hơi sẽ giúp hạ nhiệt. Do chúng không chứa paracetamol và chỉ dùng dán ngoài da nên khả năng hạ sốt rất hạn chế.
Khả năng kỳ diệu của việc chườm mát
Các phụ huynh không nên nghĩ rằng miếng dán hạ sốt cứ đắp vào là có thể hạ sốt cho bé và nó hoàn toàn không có tác dụng phụ. Thật ra, một số trẻ có thể dị ứng với các thành phần trong miếng dán. Menthol (bạc hà) có tính kích ứng mạnh, đôi khi ảnh hưởng đến chức năng hô hấp ở trẻ sơ sinh.
Trong khi chờ thuốc hạ sốt phát huy tác dụng, phụ huynh có thể dùng phương pháp thủ công nhưng lại rất hiệu quả là dùng khăn để lau mát, bằng cách nhúng khăn vào thau nước ấm (thấp hơn thân nhiệt trẻ 2oC, đảm bảo nước luôn ấm trong suốt quá trình lau mát), vắt hơi ráo, đặt khăn hoặc lau liên tục vào hai hõm nách, hai bên bẹn hoặc lau khắp cơ thể. Đồng thời, dùng khăn ướt đắp trán và lật khăn liên tục. Phương pháp này thật sự có tác dụng và vẫn được các bác sĩ khuyên dùng để làm giảm nhiệt độ cho trẻ, khéo dài thời gian chờ tác dụng của thuốc.
Benh.vn