Trẻ em là đối tượng dễ bị tấn công bởi các tác nhân gây bệnh, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng của 3 tháng hè. Dưới đây là một số căn bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ vào mùa hè và một số lời khuyên để cha mẹ có thể bảo vệ sức khỏe cho bé tốt hơn.
1. Say nắng
Triệu chứng:
Trẻ sốt cao, da nóng khô, không có mồ hôi, buồn ngủ, nhịp mạch tăng, lú lẫn rồi bất tỉnh…
Cách xử lý:
– Đưa trẻ vào chỗ mát và cởi quần áo ngoài của trẻ.
– Dùng nước ấm lau toàn thân và đắp khăn mát lên trán trẻ.
– Cho trẻ uống một ly nước chanh đường hoặc cam tươi (nếu trẻ đã tỉnh táo)
– Nếu thân nhiệt trẻ không hạ, vẫn sốt cao cần đưa ngay trẻ đến các trung tâm y tế tránh hiện tượng bị co giật.
Lưu ý: không nên tìm cách hạ nhiệt nhanh cho trẻ bằng nước lạnh, vì khi da gặp lạnh, các lỗ chân lông thu hẹp lại sẽ khiến cơ thể khó tản nhiệt hơn.
2. Rôm sảy
Triệu chứng:
Thường xảy ra đối với trẻ nhỏ dưới 3 tuổi, rôm sảy chủ yếu mọc ở da đầu, cổ, vai, ngực và lưng nhưng cũng có thể có thêm ở kẽ nách, háng.
Nguyên nhân:
Khi cơ thể trẻ quá nóng, da sẽ phản ứng lại bằng cách tiết ra nhiều mồ hôi và mọc rôm. Ngoài ra, việc dùng tã lót cho trẻ một cách thiếu cẩn thận, không thay mới thường xuyên cũng có thể khiến trẻ bị rôm sảy.
Cách xử lý:
– Cho trẻ mặc những loại quần thoáng mát, để hở vai.
– Chất vải may đồ nên chọn loại thấm mồ hôi là vải sợi thiên nhiên hoặc cotton.
– Nên thay quần áo thường xuyên cho trẻ.
– Tắm cho trẻ hàng ngày để tránh mồ hôi ứ đọng trên da trẻ.
Lưu ý: Không nên thoa các loại kem có chất mỡ, nhờn lên da trẻ bởi điều đó sẽ làm tắc các lỗ chân lông trên da, da sẽ tấy thêm và sẽ bị ngứa ngáy nhiều hơn.
3. Mụn nhọt
Nguyên nhân:
Do việc giữ gìn vệ sinh da không được tốt khiến trẻ rất dễ bị mụn nhọt. Ngoài ra ăn nhiều loại hoa quả nhiệt cũng có thể gây nên hiện tượng này.
Triệu chứng:
Mụn nhọt có thể mọc ở mọi nơi trên cơ thể, gây ra hiện tượng đau nhức, sốt, khiến trẻ biếng ăn, hay bứt rứt.
Cách xử lý:
– Cần thường xuyên tắm rửa sạch sẽ và gội đầu cho trẻ.
– Tránh cho trẻ nghịch ngợm với đất, cát.
– Cho trẻ uống thật nhiều nước rau, quả để tăng sức đề kháng.
Lưu ý:
Mụn nhọt ở mức độ nhẹ có thể tự khỏi và không ảnh hưởng tới cơ thể, không gây nguy hiểm. Nếu bị nặng phải đưa trẻ đi khám để chích mụn để thoát lưu mủ. Không nên tự ý nặn mụn hoặc bôi thuốc lên mụn khi chưa có chỉ định của bác sỹ vì có thể sẽ gây nhiễm trùng.
4. Bệnh tiêu chảy
Triệu chứng:
Bệnh thường khởi phát đột ngột với các triệu chứng như trẻ ói, sau đó đi tiêu ra phân nước lợn cợn, có đờm, có lúc có máu hoặc phân xanh rêu, đau bụng, sốt, bụng chướng.
Nguyên nhân:
– Do viêm nhiễm trong đường ruột: đối với trẻ sơ sinh nuôi bằng sữa ngoài, nếu việc sát trùng bình sữa và núm vú không kỹ hoặc sữa cho trẻ bú không được sạch sẽ, trẻ rất dễ bị nhiễm vi trùng hoặc virus gây nên tiêu chảy.
– Viêm nhiễm ngoài đường ruột: Các khí quản khác bị viêm nhiễm cũng dẫn đến tiêu chảy, thường thấy các bệnh như viêm tai giữa, viêm họng, viêm hệ thống tiết niệu, viêm da và bệnh truyền nhiễm cấp tính khác.
– Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác: phát sốt và chịu ảnh hưởng độc tố của các sinh vật gây bệnh có thể làm rối loạn chức năng tiêu hóa, gây nên bệnh tiêu chảy.
– Ảnh hưởng của khí hậu: Khí hậu nóng mồ hôi ra nhiều, men tiêu hóa và lượng axit trong dạ dày bị suy giảm cũng làm ảnh hưởng đến việc tiêu hóa thức ăn của trẻ.
Cách xử lý:
– Cần cho trẻ uống bù nước tốt nhất là uống Oresol (pha theo đúng chỉ định trên bao bì, 1 gói pha trong 1 lít nước đun sôi để nguội).
– Cho trẻ uống từ từ từng muỗng một uống cho tới khi hết khát. Nếu trong 24 giờ trẻ không uống hết lít dung dịch đã pha thì bỏ đi pha gói mới.
Uống oresol bù nước khi trẻ bị tiêu chảy (Ảnh minh họa)
– Ngoài ra, có thể cho trẻ ăn cháo muối loãng. Cháo muối có tác dụng tương tự như uống Oresol, phải cho trẻ ăn cả nước lẫn cái và chỉ xem đó là biện pháp bù lại lượng nước đã mất chứ không xem là một bữa ăn.
– Ở mức độ tiêu chảy cấp mất nước nặng, việc cấp thiết nhất là bù ngay lượng nước cho cơ thể trẻ, nếu trẻ không uống được thì bù nước bằng cách cho truyền tĩnh mạch và đưa trẻ đến cơ sở y tế để cấp cứu.
5. Bệnh sốt xuất huyết
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), viêm não và sốt xuất huyết là hai bệnh mùa hè đáng ngại nhất. Theo các bác sĩ, sốt xuất huyết thường rải đều cả năm, đặc biệt vào mùa mưa nhưng không vì thế mà người dân chủ quan bởi mùa hè nếu không kiểm soát chặt chẽ sẽ có nguy cơ bùng phát thành dịch lớn.
Triệu chứng:
– Nên nghi ngờ trẻ bị bệnh khi sốt cao đột ngột 39 – 40 độ C liên tục trong 2 đến 3 ngày.
– Đến ngày thứ 3 – 4, trẻ có thể chảy máu cam, chảy máu chân răng, chảy máu dưới da (gọi là nổi ban xuất huyết), nặng hơn nữa có thể ói ra máu, đi tiêu ra máu.
Lưu ý: các dấu hiệu nặng như li bì, vật vã, chân tay lạnh, tiểu ít hoặc không tiểu để đưa đi cấp cứu. Trong sốt xuất huyết, lúc nhiệt độ giảm cũng là lúc trẻ bị sốc, trụy tim mạch, nếu không chữa trị kịp thời sẽ nguy hiểm.
Cách điều trị:
Cho trẻ ăn cháo, súp khi bị sốt (Ảnh minh họa)
– Cho trẻ nghỉ ngơi.
– Uống nhiều nước.
– Ăn những món ăn nhẹ như cháo, súp…
– Đặc biệt với trẻ bị sốt phải uống đủ nước thì cơ thể mới tuần hoàn tốt và nhanh hạ sốt.
Phòng bệnh:
Cho trẻ ăn uống đầy đủ dưỡng chất để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Lời kết
Để sống chung và thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, chúng ta cần lưu ý về những căn bệnh thường gặp trong các mùa để phần nào hạn chế và khắc phục các bệnh kể trên.
Ngoài ra, duy trì một chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất kết hợp với luyện tập đều đặn là liều thuốc tốt nhất để giữ gìn sức khỏe, nâng cao sức đề kháng cho cơ thể và phòng chống bệnh tật.