Benh.vn xin chia sẻ đến quý độc giả về một số câu hỏi thường gặp về ung thư cổ tử cung
Mục lục
- 1 Câu 1. Xét nghiệm PAP là gì?
- 2 Câu 2. Một trong những biện pháp phòng chống bệnh ung thư cổ tử cung là tiêm phòng HPV. Vậy HPV là gì?, HPV lây truyền như thế nào?
- 3 Câu 3. Lịch tiêm ngừa HPV như thế nào?
- 4 Câu 4. Khi đã tiêm ngừa rồi còn mắc bệnh ung thư cổ tử cung nữa không? Có cần đi khám phụ khoa định kỳ nữa không?
- 5 Câu 5. Nếu mắc bệnh ung thư cổ tử cung thì hướng điều trị như thế nào?
Câu 1. Xét nghiệm PAP là gì?
– Pap’smear còn gọi là soi tế bào CỔ TỬ CUNG hay còn gọi là phết mỏng tế bào âm đạo Cổ tử cung hoặc phiến đồ âm đạo, đây là xét nghiệm dùng để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung nhờ phát hiện những tế bào chuyển sản.
– Các bác sĩ sẽ dùng que lấy tế bào ở cổ tử cung phết mỏng lên lam kiếng cố định với dung dịch cồn 900.
Xét nghiệm phết mỏng tế bào âm đạo cổ tử cung
– Các kỹ thuật viên phòng xét nghiệm sẽ nhuộm và đọc dưới kính hiển vi để phát hiện những bất thường của nhân tế bào và tùy hình ảnh mà đưa ra từng giai đoạn của bệnh.
Câu 2. Một trong những biện pháp phòng chống bệnh ung thư cổ tử cung là tiêm phòng HPV. Vậy HPV là gì?, HPV lây truyền như thế nào?
* HPV là gì?
– HPV là một loại virus gây ra bệnh lây truyền qua đường sinh dục, thường gặp nhất trong các loại bệnh lây truyền qua đường sinh dục.
– Có hơn 100 type đã được tìm thấy.
- HPV sinh ung thư (nguy cơ cao).
- HPV không sinh ung thư (nguy cơ thấp).
– Có khoảng 15 – 20 type gây ung thư, trong đó có HPV 16 và 18 là 02 loại gây ung thư nhiều nhất.
* Cơ chế lây truyền HPV
– HPV không lây truyền qua tinh dịch hay các dịch tiết của cơ thể mà qua đường tiếp xúc da với da như:
- Giao hợp.
- Mẹ sang con.
- Vật dụng.
– Hầu hết những người nhiễm HPV không có triệu chứng gì.
- 70% HPV mới nhiễm hết trong 01 năm.
- 91% nhiễm HPV hết trong 02 năm.
- 10% phụ nữ nhiễm HPV kéo dài tồn tại nhiều năm, có nguy cơ phát triển thành ung thư. Thời gian từ khi bị nhiễm đến ung thư khoảng 10 năm.
- Nhiễm HPV là điều kiện để phát triển ung thư Cổ Tử Cung nhưng nó không phải là điều kiện đủ để gây ung thư, tức là:
- Phần lớn những người nhiễm HPV không bị ung thư khoảng 90%.
- 10% còn lại nếu phát hiện sớm giai đoạn tiền ung thư qua thăm khám phụ khoa và làm các xét nghiệm cận lâm sàng thì tỉ lệ chết vì ung thư cổ tử cung rất ít.
Biện pháp tốt nhất để phòng chống ung thư Cổ Tử Cung là khám phụ khoa định kỳ và tiêm ngừa HPV
– Vaccine HPV là gì và nguyên tắc hoạt động:
- Vaccine HPV gọi là Gandasil mô phỏng bệnh và tạo ra kháng thể. Nó không phải là virus sống hay chết. Nó ngăn chặn sự lây nhiễm HPV type 6, 11, 16, 18.
- Đối tượng cần tiêm chủng: nữ giới 9 – 26 tuổi, bé gái từ 11 – 12 tuổi là tốt nhất. Nên tiêm trước khi có quan hệ tình dục.
Hiện tại việc tiêm chủng chỉ mới được thử nghiệm rộng rãi trên phụ nữ từ 9 – 26.
Thời gian miễn dịch của vaccine khoảng 5 năm.
Câu 3. Lịch tiêm ngừa HPV như thế nào?
Tiêm 3 liều:
- Liều 1.
- Liều 2: sau liều thứ 1 hai tháng.
- Liều 3: sau liều thứ 1 sáu tháng.
Câu 4. Khi đã tiêm ngừa rồi còn mắc bệnh ung thư cổ tử cung nữa không? Có cần đi khám phụ khoa định kỳ nữa không?
Có thể vì nhiều lý do:
- Vì thời gian miễn dịch của vaccine hiện tại nghiên cứu cho thấy có kết quả phòng ngừa khoảng 5 năm.
- Vì vaccine không bảo vệ chống lại tất cả các type HPV gây ung thư. Thường chỉ có 4 type: 6, 11, 16, 18.
- Vì đôi khi đã nhiễm cả 4 type HPV chủng ngừa trước khi chủng ngừa.
- Vì một số người không tiêm chủng đủ liều và đúng phác đồ.
Do đó, dù đã chủng ngừa rồi vẫn phải đi khám phụ khoa định kỳ.
Câu 5. Nếu mắc bệnh ung thư cổ tử cung thì hướng điều trị như thế nào?
Sau khi đã phát hiện ung thư cổ tử cung thì tùy từng giai đoạn của bệnh mà có hướng xử trí khác nhau và có sự cân nhắc về số tuổi, số con của bệnh nhân.
a. Giai đoạn tiền ung thư
Dùng phương pháp khoét chóp bằng vòng cắt đốt điện. Phương pháp này dễ thực hiện, ít chảy máu và ít gây biến chứng, chi phí rẻ và nếu sản phụ chưa đủ số con vẫn có khả năng sinh sản. Sau khi đã khoét chóp, bệnh nhân cũng cần phải đi khám định kỳ. Đồng thời, khi khoét chóp các bác sĩ sẽ lấy mô tổn thương làm giải phẫu bệnh lý để xác định độ sâu của tổn thương so với bề mặt cổ tử cung và qua đó có thể đánh giá tiên lượng mức độ nặng nhẹ của bệnh và các bước cần xử lý tiếp theo nhằm đảm bảo cho bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn.
b. Ung thư cổ tử cung ở các giai đoạn
- Giai đoạn IAI – cắt tử cung hoàn toàn.
- Giai đoạn IAII – cắt rộng tử cung + nạo hạch chậu.
- Giai đoạn IB – cắt rộng tử cung, nạo hạch + xạ trị sau phẫu thuật.
- Các giai đoạn sau: phải phối hợp hóa trị, xạ trị trước và sau phẫu thuật cắt tử cung.
c. Nếu phát hiện và điều trị sớm
- Ở giai đoạn sớm sống bình thường sau 5 năm, ít tai biến sau điều trị.
- Ở giai đoạn muộn: tỉ lệ sống sau 5 năm thấp và để lại nhiều di chứng sau điều trị
Bs. Đỗ Thị Hương Huyền