Dù nhiều bà mẹ đã kỳ công chế biến các món ăn ngon, chứa nhiều chất dinh duỡng cho con nhưng bé vẫn không chịu nuốt và nhè thức ăn suốt. Vậy đâu là nguyên nhân và xử lý như thế nào để con có thể dễ dàng tiếp nhận thức ăn đã nấu.
Mục lục
Có thể mẹ đã cho bé ăn dặm quá sớm
Tổ chức Y tế Thế giới đã khuyến cáo, tùy vào thể trạng của trẻ, mẹ hãy bắt đầu cho bé ăn dặm với các bữa ăn nhỏ, dung lượng ít từ tháng thứ 6 trở đi là tốt nhất. Bởi, hệ tiêu hóa của bé vẫn chưa phát triển tòan diện, nên khi ăn quá sớm bé sẽ dễ bị nôn trớ, dẫn đến tình trạng chán ăn, thậm chí hoảng sợ khi mỗi lần mẹ bưng bát đến gần. Các mẹ nên hiểu rằng, không phải cứ cho bé ăn sớm là sẽ tăng cân, mau lớn mà hãy để bé tự do phát triển theo yêu cầu của cơ thể.
Bé đang khó ở
Nếu bỗng dưng bé khóc quấy, biếng ăn, mẹ cần kiểm tra xem bé có bị nóng sốt, nổi ban….hay không. Nếu có những dấu hiệu bệnh lý kéo dài, mẹ nên đưa con đi khám.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn mọc răng, bé ngứa và sưng nướu nên chẳng muốn ăn gì. Mẹ nên tìm hiểu và làm dịu cảm giác khó chịu này. Ngoài ra, bé cũng nhạy cảm với quần áo chật, chất liệu vải thô ráp cọ vào da, tã hăm nóng, thời tiết. Tất cả những điều trên sẽ khiến trẻ không thích thú với việc ăn uống. Vì thế, mẹ hãy tinh tế quan sát và đảm bảo môi trường xung quanh không có tác nhân ảnh hưởng xấu đến con mình.
Bé không cảm thấy đói
Theo nhu cầu sinh học, cảm giác đói sẽ khiến bé ăn ngon. Nếu đến giờ ăn mà bé vẫn thờ ơ và ngoảnh mặt đi chỗ khác thì có thể là bé chưa cảm thấy đói. Cho nên, mẹ hãy xem lại thời gian biểu ăn uống của bé đã hợp lý chưa. Mỗi bữa nên cách nhau khoảng 4 giờ để bé kịp tiêu hóa hết thức ăn trước đó. Đặc biệt, các mẹ nên nhớ không cho bé bú sữa hay ăn vặt trước bữa ăn chính.
Tâm lý chán ăn
Một bữa ăn kéo dài quá lâu với thực phẩm nguội lạnh, nhiều hoạt động xung quanh gây xao nhãng cũng là nguyên nhân khiến bé không tha thiết với việc ăn dặm.
Vì vậy. mẹ hãy cho bé ngồi ăn dặm nghiêm chỉnh để gia tăng sự tập trung. Nếu có thể, mẹ hãy cho bé ngồi cùng bàn với gia đình để quan sát, học tập cách ăn uống của người lớn. Đừng cố bắt ép con ăn thật nhiều. Nếu món ăn có hương vị ngon, không khí xung quanh vui vẻ cùng cảm giác đói bụng thì bé sẽ chủ động ăn ngoan mà không cần mẹ phải tốn nhiều công sức.
Thức ăn chưa hấp dẫn với trẻ
Một nguyên nhân khác là trẻ đã bắt đầu ngán hương vị thức ăn. Vì thế, mẹ nên rà soát lại quy trình chế biến thực phẩm, liệu mẹ có kết hợp quá nhiều thứ vào cùng một nồi cháo hay chọn rau củ chưa đúng khẩu vị của bé.
Nhiều mẹ vì muốn cung cấp những dưỡng chất tốt nhất cho con đã kết hợp thịt heo, thịt bò, tôm, các loại rau củ cùng lúc. Điều này khiến bữa ăn quá nhiều đạm, gây khó tiêu, dễ chán ngấy.
Khẩu phần ăn nên kết hợp cân đối các nhóm thực phẩm cung cấp chất đạm, bột đường, béo, xơ, vitamin và khoáng chất. Không nên cho bé ăn quá nhiều một loại thực phẩm, mà nên luân phiên đổi bữa để bé được bổ sung đủ dinh dưỡng, thay đổi hương vị, tạo sự mới mẻ, thích thú.
Lạm dụng gia vị khi bé chưa tròn 9 tháng
Thận của trẻ còn yếu, chưa quen với việc lọc muối, đường, bột nêm… Cho nên, trước khi con 9 tháng tuổi, thức ăn của trẻ không cần nêm gia vị hoặc mẹ chỉ nêm nhạt bằng muối hoặc nước mắm.
Bé không thích ăn thìa
Bé từ chối ăn bằng thìa đồng nghĩa với việc bé chưa hứng thú với thức ăn dặm. Không nên bắt ép bé, thay vào đó, mẹ hãy thử đợi vài ngày nữa rồi tiếp tục cho bé ăn bằng thìa. Khi mới ăn bằng thìa, bé có thể phản ứng bằng cách phun ra thức ăn. Các bậc làm mẹ nên xác định đây là thời điểm để bé làm quen với thìa chứ không hẳn ép bé phải ăn no.
Có một lý do khác thìa không đúng chuẩn cũng khiến bé không muốn ăn. Loại thìa không dành riêng cho bé có thể gây đau lợi và miệng bé nên bé cũng chán ăn. Bạn nên chọn loại thìa mềm với thiết kế đặc biệt dành cho bé mới tập ăn.