1. Nếu lần đầu đẻ mổ thì các lần sau cũng phải đẻ mổ?
Không hoàn toàn đúng. Hiện nay tỷ lệ mổ đẻ lại lần 2 tại bệnh viện phụ sản Trung Ương là 70% đến 80%, có nghĩa là khoảng 20% sản phụ mổ đẻ lần một thì lần thứ hai vẫn có thể đẻ thường được. Nhưng lần đẻ này phải có sự can thiệp của thầy thuốc sản khoa (đẻ focxép)
Mục lục
- 1 1. Nếu lần đầu đẻ mổ thì các lần sau cũng phải đẻ mổ?
- 2 2. Nếu đẻ mổ chỉ có thể sinh (sanh) tối đa 3 lần?
- 3 3. Khoảng cách an toàn giữa hai lần đẻ mổ là 5 năm?
- 4 4. Trong khi mang thai mà phát hiện thai phụ có u xơ tử cung hay thì nhất định khi đẻ mổ?
- 5 5. Những sản phụ đẻ mổ có nhiều khả năng dễ bị dị ứng với các protit lạ, ví dụ sau khi sinh (sanh) mổ uống sữa tươi dễ bị tiêu chảy?
- 6 6. Có thể đăng ký mổ đẻ chủ động và chọn bác sỹ theo yêu cầu?
- 7 7. Trung bình độ dài vết sẹo là 12 cm?
- 8 8. Tất cả phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé, mông và hông hẹp có khả năng đẻ mổ cao?
- 9 9. Những sản phụ sinh mổ sẽ rất ít sữa hoặc hoàn toàn không có sữa cho con bú?
- 10 10. Không nên cho con bú ngay sau khi đẻ mổ vì người mẹ phải tiêm kháng sinh?
- 11 11. Những sản phụ đẻ mổ sẽ được quan hệ tình dục sớm hơn những người đẻ thường vì cơ quan sinh dục không bị tổn thương?
- 12 12. Sản phụ mổ xong vẫn còn đau có nên đi lại hay không?
2. Nếu đẻ mổ chỉ có thể sinh (sanh) tối đa 3 lần?
Chỉ đúng một cách tương đối – vì nếu phải mổ đẻ nhiều lần (trên 3 lần) thì nguy cơ nứt sẹo cho những lần mang thai tiếp theo là rất cao, hơn nữa nếu đã có ba con khỏe mạnh thì lần mổ thứ ba nên đình sản (điều này rất phù hợp với chính sách dân số Việt Nam hiện nay).
3. Khoảng cách an toàn giữa hai lần đẻ mổ là 5 năm?
Các thầy thuốc sản khoa khuyên các bà mẹ mổ đẻ lần thứ nhất thì tốt nhất sau 3-5 năm mới sinh (sanh) con tiếp theo. Vì sau 3-5 năm cơ thể người mẹ mới bình phục tốt sau thai kỳ và nuôi con nhỏ và khoảng thời gian đó đủ để vết sẹo ở tử cung người mẹ bình phục tốt.
4. Trong khi mang thai mà phát hiện thai phụ có u xơ tử cung hay thì nhất định khi đẻ mổ?
Không hoàn toàn đúng. Điều này còn phụ thuộc vào vị trí của khối u, kích thước khối u…Nếu khối u to, khối u nằm ở eo tử cung làm cản trở đường ra của thai nhi thì phải mổ lấy thai. Nhưng nếu u xơ nhỏ, nằm ở đáy tử cung thì vẫn có thể để thường. Tuy nhiên khi có u xơ tử cung và có thai thì cần được quản lý, theo dõi ở các cơ sở y tế có trình độ chuyên môn cao.
5. Những sản phụ đẻ mổ có nhiều khả năng dễ bị dị ứng với các protit lạ, ví dụ sau khi sinh (sanh) mổ uống sữa tươi dễ bị tiêu chảy?
Điều này hoàn toàn sai. Sau khi đẻ mổ người phụ nữ thường có thời gian liệt ruột cơ năng, nên bụng bị chướng hơi. Khi chưa thông ruột (chưa trung tiện) mà uống sữa sẽ dễ bị tiêu chảy. Khi đã có trung tiện (hết liệt ruột) thì người phụ nữ đẻ mổ có thể ăn uống bình thường.
6. Có thể đăng ký mổ đẻ chủ động và chọn bác sỹ theo yêu cầu?
Trong một số trường hợp cụ thể có thể thực hiện được. Ví dụ thai phụ có vết mổ đẻ qúa sớm (ít hơn 24 tháng), mổ cũ với thai ngược, mổ cũ với thai qúa to (từ khoảng 3500gr trở lên), thai phụ có tiền sử chửa đẻ rất khó khăn (thụ tinh ống nghiệm) ….
Để có vết sẹo đẹp, không lồi sau khi sinh (sanh) tuyệt đối không được ăn thịt gà, trứng, rau muống?
Điều này không đúng. Sẹo đẹp hay sẹo lồi là do cơ địa của mỗi sản phụ chứ không phải do người mổ hay chế độ ăn uống kiêng khem sau mổ .
7. Trung bình độ dài vết sẹo là 12 cm?
Hiện nay không có qui định nào về độ dài của vết sẹo. Người phẫu thuật viên có thể quyết định độ dài của vết mổ. Độ dài vết mổ phải thích hợp để khi lấy thai nhi ra khỏi bụng mẹ được tiện lợi nhất (đặc biệt trong trường hợp phải lấy thai ra khẩn cấp)
8. Tất cả phụ nữ có vóc dáng nhỏ bé, mông và hông hẹp có khả năng đẻ mổ cao?
Điều này gần đúng. Tuy nhiên trong lúc chuyển dạ người thày thuốc sản khoa phải khám một cách tỷ mỉ, đo các số đo của khung chậu người mẹ, ước tính đúng trọng lượng của thai nhi… Nếu trọng lượng của thai nhi không quá to so với các số đo của khung chậu mẹ thì các thầy thuốc vẫn có thể thử thách cho đẻ đường dưới.
9. Những sản phụ sinh mổ sẽ rất ít sữa hoặc hoàn toàn không có sữa cho con bú?
Điều này không đúng. Sinh mổ không ảnh hưởng đến vấn đề tiết sữa của các bà mẹ mà chỉ không thật thuận tiện cho việc con bú trong những ngày đầu do vết mổ còn đau và người còn yếu. Sau khi sinh mổ nếu cho em bé bú sớm, người mẹ biết cách chăm sóc hai bầu vú, ăn uống đủ chất … thì sữa vẫn tiết bình thường. Tuy nhiên sữa nhiều hay ít còn phụ thuộc vào từng bà mẹ khác nhau.
10. Không nên cho con bú ngay sau khi đẻ mổ vì người mẹ phải tiêm kháng sinh?
Điều này hoàn toàn sai. Hiện nay chúng tôi khuyên các bà mẹ kể cả đẻ thường và đẻ mổ phải cho con bú càng sớm càng tốt. Bú sớm có tác dụng giúp cho tử cung co hồi tốt, kích thích tuyến sữa tiết sữa nhiều và những giọt sữa non rất cần cho bé trong những ngày đầu mới sinh. Mẹ sau khi mổ tiêm kháng sinh vẫn cho bé bú bình thường.
11. Những sản phụ đẻ mổ sẽ được quan hệ tình dục sớm hơn những người đẻ thường vì cơ quan sinh dục không bị tổn thương?
Không đúng. Sau khi đẻ mổ hoặc đẻ thường bộ phận sinh dục của người phụ nữ phải có thời gian nhất định mới có thể trở lại bình thường (đó là sự co hồi của tử cung, sự bài tiết của sản dịch sau sinh…) Thời gian phục hồi này không phụ thuộc vào việc đẻ thường hay đẻ mổ.
12. Sản phụ mổ xong vẫn còn đau có nên đi lại hay không?
Sau khi sinh mổ 24 giờ sản phụ phải vận động (ngồi dậy, tập đứng, tập đi..) để tránh bị dính ruột?
Sau khi mổ đẻ (mổ bụng nói chung) thường có thời gian liệt ruột cơ năng. Do vậy sau khi mổ 24 giờ đầu thường thấy chướng bụng, đau quặn bụng… Chúng tôi thường khuyên các sản phụ sau mổ phải vận động sớm (sau 24 giờ) để giúp cho ruột nhu động lại sớm (có trung tiện sớm). Nếu ruột thông sớm, nhu động trở lại sớm sẽ làm cho người phụ nữ đỡ mệt hơn, ăn uống trở lại bình thường và giúp cơ thể chóng bình phục.
Bs. Phan Văn Quý – BV Phụ sản Trung Ương