Thật ngạc nhiên: cấu trúc vi khuẩn trong đường ruột ở những người lớn tuổi khỏe mạnh vẫn tốt như hồi họ còn trẻ tầm 30 tuổi. Vậy vai trò của hệ vi sinh vật đường ruột tới việc tuổi già bạn có khỏe mạnh hay không là gì? Nghiên cứu được công bố trên tạp chí mSphere gần đây sẽ giúp bạn lý giải điều này.
Nghiên cứu này là thành quả phối hợp giữa các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Sức khỏe Lawson ở Đại học Western, Ontario, Canada và Viện Khoa học Sức khỏe Tianyi, Trấn Giang, Trung Quốc.
Các nhà khoa học đã phân tích hệ vi sinh vật đường ruột của hơn 1,000 người khỏe mạnh từ 3 – 100 tuổi.
Giáo sư Greg Gloor tại Trường Y khoa và Răng hàm mặt Schulich, Đại học Western là trưởng nhóm nghiên cứu này. Tác giả chính là Gaorui Bian tại Viện Khoa học Sức khỏe Tianyi.
Vi khuẩn đường ruột ở người trẻ và người già
Bian và các cộng sự đã sử dụng kỹ thuật giải trình gen ARN Ribosome 16S để phân tích cấu trúc vi khuẩn đường ruột của những người tình nguyện.
Nhóm người tình nguyện được lựa chọn dựa trên tiêu chuẩn “sức khỏe rất tốt”. Điều này có nghĩa là cả họ và gia đình đều không mắc bệnh tật gì được lưu lại trong các báo cáo y khoa.
Những người tình nguyện không hút thuốc, không uống bia rượu, không có vấn đề về tinh thần, và không được kê đơn kháng sinh hay thuốc nào trong 3 tháng trước khi tham gia nghiên cứu.
Gia đình những người này cũng không có tiền sử bị các bệnh chuyển hóa tim mạch, tiêu hóa hay thần kinh gì.
Nghiên cứu đã có những phát hiện quan trọng. Đầu tiên, cấu trúc vi khuẩn ở những người lớn tuổi có sức khỏe rất tốt tương đồng với ở những người trẻ.
Thứ hai, cấu trúc vi sinh vật đường ruột chỉ khác biệt giữa nhóm tuổi trên và dưới 20. Từ 30 tới 100 tuổi, cấu trúc hệ vi sinh vật này hầu như không thay đổi.
Cuối cùng, cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột ở nam giới có vẻ “đa dạng hơn” so với ở phụ nữ.
Các tác giả viết: “Chung quy lại, hệ vi sinh vật đường ruột ở những người lớn tuổi khỏe mạnh không có nhiều khác biệt so với ở người trẻ trong nghiên cứu cắt ngang này.”
“Tái cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột có thể cải thiện sức khỏe”
Đồng tác giả nghiên cứu, giáo sư Gregor Reid, Trường Y khoa và Răng hàm mặt Schulich, Đại học Western nói: “Mục đích của nghiên cứu là mang thành tựu chẩn đoán hệ gen vi sinh vật tới cộng đồng, sau đó dùng thực phẩm và chế phẩm probiotic để giúp cải thiện các chỉ số sức khỏe của mọi người.”
Mặc dù vậy, nghiên cứu này vẫn chưa giải thích được mối quan hệ nhân quả. Giáo sư Reid giải thích: “Điều này đặt ra câu hỏi. Nếu bạn có thể vận động và ăn uống lành mạnh, bạn sẽ khỏe mạnh hơn khi già đi, hay ngay từ ban đầu việc khi già đi bạn có khỏe mạnh hay không đã được tiên đoán bởi hệ vi sinh vật đường ruột của bạn?”
Dù sao thì, kết quả vẫn cho thấy mối liên hệ chặt chẽ và không thể phủ nhận giữa một hệ vi sinh vật đường ruột tốt và sự khỏe mạnh khi về già.
Giáo sư Greg Gloor nói: “Kết luận chính của nghiên cứu là: nếu bạn 90 tuổi và vô cùng khỏe mạnh, thì hệ vi sinh vật đường ruột của bạn lúc đó không khác gì so với hồi bạn 30 tuổi đâu.”
Sự tương đồng cấu trúc vi sinh vật này không rõ là nguyên nhân hay hệ quả của việc một người khỏe mạnh khi về già. Tuy nhiên, kết quả vẫn cho thấy: việc duy trì sự đa dạng vi sinh vật đường ruột khi bạn lớn tuổi dần chính là chìa khóa cho một sức khỏe tốt khi về già. Điều này giống như việc giữ mức cholesterol trong máu thấp là cách để có hệ tuần hoàn khỏe mạnh.”
Giáo sư Reid nói: “Bằng cách nghiên cứu trên những người khỏe mạnh, chúng tôi hy vọng sẽ biết được điều con người đang cần khi bị ốm”
Kết quả của nghiên cứu cho thấy rằng “việc tái cấu trúc hệ vi sinh vật đường ruột của người lớn tuổi từ 30 tuổi trở lên có thể giúp họ cải thiện sức khỏe.”