Một nghiên cứu gần đây đã tìm ra mối quan hệ giữa hệ vi khuẩn đường ruột và hội chứng hậu sang chấn tâm lý. Đây có thể là phát hiện giúp các nhà khoa học hiểu rõ hơn về cơ chế sinh ra tình trạng bệnh phức tạp này.
Nhóm nghiên cứu, một phần đến từ Đại học Stellenbosh ở Nam Phi, đã đăng tải các phát hiện này trên tạp chí Y học Tâm lý (Psychosomatic Medicine).
Căn bệnh hậu sang chấn tâm lý (hay rối loạn stress sau sang chấn – post-traumatic stress disorder PTSD) thực ra rất phổ biến. Trong cuộc đời, ai cũng có thể từng một lần bị sốc và gặp phải tình huống nguy hiểm tới tính mạng. Theo thống kê, khoảng 60% nam giới và 50% nữ giới ở Mỹ sẽ trải qua tối thiểu một sự kiện sang chấn tâm lý trong đời.
Một tỷ lệ nhỏ những người từng bị sang chấn tâm lý sẽ phát triển hội chứng hậu sang chấn tâm lý, một bệnh tâm thần nghiêm trọng với nhiều triệu chứng. Tại Mỹ, khoảng 7 – 8% dân số sẽ bị hậu sang chấn tâm lý ở một vài thời điểm trong đời.
Hệ miễn dịch và tình trạng viêm
Nhiều nghiên cứu trước đó đã chỉ ra một số yếu tố có thể xác định xem một người sẽ chịu đựng được hay bị áp chế bởi hội chứng hậu sang chấn tâm lý. Đó có thể là gen di truyền, yếu tố môi trường như điều kiện sống và ký ức tuổi thơ.
Trong khi đó, một số nhà khoa học lại đặt ra giả thuyết rằng: sự thiếu hụt kiểm soát hệ miễn dịch và tình trạng viêm có thể làm tăng nguy cơ một người bị hậu sang chấn tâm lý.
Các nhà khoa học đang ngày càng chú ý tới vai trò trên sức khỏe và bệnh lý của hàng nghìn tỷ vi sinh vật sống bên ngoài và bên trong cơ thể. Rất nhiều trong số các vi sinh vật này sống trong đường ruột, nơi chúng có thể hỗ trợ chúng ta tiêu hóa thực phẩm, chuyển hóa thuốc, và chiến đấu chống lại các yếu tố gây bệnh xâm nhập.
Vi khuẩn đường ruột cũng tác động tới sinh lý và chức năng của não bộ thông qua việc sản sinh ra hormon hay chất dẫn truyền thần kinh, các chất làm thay đổi chức năng hệ miễn dịch, và cả chất độc.
Vi khuẩn sống trong đường ruột cũng tác động tới nhiều phản ứng tâm lý tình cảm. Ví dụ, hormon gây stress có thể thay đổi quá trình sinh trưởng của những vi khuẩn này. Chúng có thể phát triển làm tổn thương thành ruột, khiến vi khuẩn và các chất độc khác đi vào máu. Điều này sẽ dẫn tới tình trạng viêm, một trong những tình trạng có thể dẫn tới bệnh tâm thần.
Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy: nồng độ các dấu vết sinh học gây viêm có thể tiên đoán xem liệu những người mới bị sang chấn có nguy cơ bị hội chứng hậu sang chấn tâm lý sau này hay không.
Trong nghiên cứu của mình, nhóm tác giả đã nhấn mạnh những mối liên hệ tiềm năng giữa stress và hệ vi khuẩn đường ruột – đặc biệt là mối quan hệ giữa hệ miễn dịch và tình trạng viêm. Tuy nhiên, họ cũng lưu ý rằng những mối liên hệ giữa hội chứng hậu sang chấn tâm lý và vi khuẩn đường ruột vẫn còn chưa được sáng tỏ.
Ảnh minh họa: Hệ vi sinh vật đường ruột có thể liên quan tới nhiều bệnh tâm thần
Ba ngành vi khuẩn đặc biệt
Trong nghiên cứu này, các nhà khoa học đã so sánh hệ vi khuẩn đường ruột của 18 người bị hội chứng hậu sang chấn với 12 người từng bị sang chấn tâm lý nhưng không bị hội chứng này làm nhóm chứng.
Nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trong khi sự đa dạng chung của quần thể vi khuẩn đường ruột ở những bệnh nhân bị hội chứng hậu sang chấn tâm lý và từng bị sang chấn tương đối giống nhau, nhưng có sự khác biệt ở một số ngành vi khuẩn cụ thể.
Trưởng nhóm nghiên cứu – tiến sỹ tâm thần học tại Đại học Stellenbosh – bà Stefanie Malan-Müller nói: “Chúng tôi đã định danh được 3 ngành vi khuẩn (Actinobacteria – Xạ khuẩn, Lentisphaerae, và Verrucomicrobia) khác biệt giữa 2 nhóm tình nguyện.” Những ngành vi khuẩn này có ít hơn ở những người bị hậu sang chấn tâm lý.
Nhóm nghiên cứu chưa khẳng định được các ngành vi khuẩn này suy giảm là nguyên nhân hay là hậu quả của hội chứng hậu sang chấn tâm lý.
Mặc dù vậy, họ cũng thấy rằng những tình nguyện viên từng bị sang chấn tâm lý khi còn nhỏ cũng bị suy giảm số lượng 2 ngành vi khuẩn (Actinobacteria và Verrucomicrobia). Hai ngành vi khuẩn này đã được biết tới với vai trò quan trọng trong việc điều hòa hệ miễn dịch.
Tiến sỹ Malan-Müller giải thích rằng đây là một phát hiện rất thú vị bởi chúng ta đều đã biết rằng những người “từng bị sang chấn tâm lý khi nhỏ có nguy cơ bị hội chứng hậu sang chấn tâm lý cao hơn sau này.” Bà cũng đặt ra giả thuyết rằng có thể sự thay đổi số lượng các ngành vi khuẩn này “xảy ra sau khi một người bị sang chấn tâm lý lúc nhỏ.”
Bà kết luận: “Chúng tôi đặt ra giả thuyết rằng sự suy giảm 3 ngành vi khuẩn này có thể dẫn tới rối loạn hệ miễn dịch và tăng mức độ viêm ở những người bị hội chứng hậu sang chấn tâm lý, và góp phần gây ra nhiều triệu chứng trên các bệnh nhân này.”
Nghiên cứu này đã gợi mở ra một hướng đi mới cho các nhà khoa học cũng như chuyên gia tâm lý học để phát hiện sớm và điều trị cho các bệnh nhân hậu sang chấn tâm lý. Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều điều cần thực hiện trước khi có thể đưa ra những kết luận cụ thể cho hội chứng phức tạp này.