Cua mặt quỷ gần đây thu hút dư luận vì một trường hợp bệnh nhân 34 tuổi ở Côn Đảo bị ngộ độc loại cua này do ăn 2 chiếc càng đã được bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cứu sống. Hãy cùng benh.vn tìm hiểu về loài cua mặt quỷ nguy hiểm này và cách phòng tránh ngộ độc.
Mục lục
Cua mặt quỷ là loài gì, độc thế nào?
Đặc điểm hình thái cua mặt quỷ
Của mặt quỷ có tên khoa học là Zosimus aeneus là một loài cua độc có màu sắc và hoa văn nổi bật trên thân và chân. Chúng có màu đỏ hoặc nâu, thân có rãnh sâu và chân có mào nổi bật. Cua mặt quỷ trưởng thành có thể đạt kích thước 60 x 90 mm. Thức ăn của chúng là các loài tảo biển.
Cua mặt quỷ thường sống ở đâu?
Cua mặt quỷ thường sinh sống trên biển Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, từ Nam Phi đến Biển Đỏ, và ở tận phía đông như Nhật Bản, Úc và Hawaii. Loài cua này thường sống trong các rặng san hô và có thể bị thủy triều đánh dạt vào bờ.
Độc tính của cua mặt quỷ
Ngộ độc cua mặt quỷ có thể gây tử vong nhanh chóng nếu không được cấp cứu kịp thời. Chỉ cần ăn 0,5g thịt của loài cua này cũng có thể khiến 1 người trưởng thành tử vong. Cư dân của quần đảo Thái Bình Dương ăn thịt cua mặt quỷ với mục đích tự tử.
Cả vỏ và thịt của Cua mặt quỷ đều chứa độc tố thần kinh là tetrodotoxin và saxitoxin. Tetrodotoxin (TTX) chính là chất độc thần kinh có trong cá nóc, trong khi saxitoxin (SXN) là các chất độc thần kinh có trong vỏ sò liệt. Cả hai loại độc tố này trong cua mặt quỷ đều được hấp thụ qua đường tiêu hóa và vào được hệ thần kinh.
Độc tính này của cua mặt quỷ được cho là do chúng ăn thức ăn chủ yếu các loài tảo biển, có những loài có độc tính và độc tính được tích tục dần trong thịt cua, trứng cua. Do đó, cua càng già, càng to thì nguy cơ ngộ độc càng cao.
Ngộ độc cua Mặt quỷ
Triệu chứng ngộ độc cua mặt quỷ
Sau khi ăn cua mặt quỷ trong khoảng 10 phút, người ăn có dấu hiệu ngộ độc hệ thần kinh bắt đầu bằng cảm giác chân tê cứng, lưỡi tê, buồn nôn và nôn. Sau đó, nhanh chóng bệnh nhân sẽ thấy khó thở, toàn thân nặng trĩu, liệt hô hấp, và tử vong. Triệu chứng ngộ độc cua mặt quỷ diễn ra rất nhanh nên bệnh nhân cần phải được đưa đi cấp cứu sớm mới có thể bảo toàn tính mạng.
Sơ cấp cứu ngộ độc cua mặt quỷ
Trong trường hợp nghi ngờ đã ăn phải cua mặt quỷ, cần nhanh chóng gọi cấp cứu đồng thời tìm mọi cách để nôn hết thức ăn vừa ăn ra ngoài. Khi đến bệnh viện, người ngộ độc sẽ được uống than hoạt tính để hút hết chất độc còn sót lại trong đường ruột và có thể được xem xét rửa dạ dày. Đồng thời, các bác sĩ cũng sẽ tiến hành điều trị nâng đỡ nếu người ngộ độc có các triệu chứng của hệ thần kinh và suy hô hấp. Các biện phá cấp cứu như dùng thuốc đối kháng độc tố, hỗ trợ hô hấp và tăng cường chức năng sống cho bệnh nhân.
Phòng ngộ độc cua mặt quỷ
Cách tốt nhất để phòng chống ngộ độc cua mặt quỷ là không tự ý ăn các loài cua lạ. Nói chung trong tự nhiên, những loài cua, cá, tôm… có màu sắc đặc biệt, hoa văn lạ thường tiềm ẩn nhiều nguy cơ ngộ độc cao. Do đó, người vùng biển đặc biệt không sử dụng thịt của những loài hải sản không rõ nguồn gốc, không rõ chi loài mà nên tham khảo ý kiến của những ngư dân giàu kinh nghiệm hoặc các chuyên gia trước khi sử dụng.
Xem thêm hình ảnh Cua mặt quỷ, loài cua độc tính nguy hiểm.