Những ngày cận Tết, nhu cầu sắm sửa thực phẩm phục vụ kỳ nghỉ lớn của người dân tăng đến chóng mặt. Dựa trên nhu cầu, cũng như thị hiếu ham “cái đẹp”, nhiều hộ buôn bán nhỏ lẻ hay thậm chí là cả siêu thị lớn đã bày bán những mặt hàng thực phẩm được nhuộm phẩm màu.
Mục lục
Kết quả kiểm tra của Viện vệ sinh y tế
Kết quả khảo sát do Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM thực hiện cuối năm 2014 ghi nhận, muối ớt tôm (của một cơ sở ở huyện Trảng Bàng, Tây Ninh) và muối tôm (của một cơ sở ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) có chứa phẩm màu Rhodamine B với hàm lượng 151-152 mg/kg. Điều đáng quan tâm là hai sản phẩm nói trên đều được bày bán trong hai siêu thị ở TP.HCM.
Bên cạnh đó, kết quả khảo sát còn ghi nhận sa tế tương dầu (của một cơ sở ở quận 6, TP.HCM) và sa tế nấu lẩu (của một cơ sở ở huyện Nhà Bè, TP.HCM) chứa hàm lượng Rhodamine B 0,27 – 226 mg/kg. Hai sản phẩm nói trên cũng được kinh doanh trong một siêu thị ở TP.HCM.
Không chỉ ở một nơi
Tại chợ Kim Biên (quận 5, TP.HCM), phẩm màu công nghiệp được rao bán chưa đến 10.000 đồng/100 g và cần bao nhiêu cũng có. “Khi làm mứt chỉ cần cho ít thôi nhưng màu đẹp và bền lâu” – người bán giới thiệu. Tương tự, trên đường Phan Văn Khỏe (quận 5, TP.HCM), ông chủ một cửa hàng hóa chất khuyên chúng tôi nên mua bột màu công nghiệp vì vừa rẻ lại vừa làm được nhiều mứt: “100 g bột màu công nghiệp làm được một tấn mứt” – ông chủ giới thiệu.
Được biết, Rhodamine B là hóa chất phẩm màu chỉ sử dụng trong ngành công nghiệp nhuộm, cấm dùng trong thực phẩm vì gây hại gan, thận, có thể dẫn đến ung thư. Tuy nhiên, cơ quan chức năng đã phát hiện phẩm màu nói trên được sử dụng trong chế biến hạt dưa, tương ớt, sa tế…
Tại sao lại có việc kinh doanh màu trong công nghiệp như vậy
Hiện, vẫn chưa có quy định cấm kinh doanh phụ gia thực phẩm chung với hóa chất công nghiệp. Việc này gây khó khăn trong công tác quản lý vì không thể xử phạt các cơ sở kinh doanh hóa chất công nghiệp bán kèm phụ gia thực phẩm. Bên cạnh đó, người kinh doanh phụ gia thực phẩm cần phải có trình độ nhất định về lĩnh vực này để hướng dẫn người mua sử dụng đúng hàm lượng.
Lạm dụng quá mức phẩm màu công nghiệp có khả năng gây ung thư. Ngoài ra, độc tính của nó còn có thể ảnh hưởng đến thần kinh. Chưa hết, một nhà nghiên cứu về dị ứng ghi nhận, màu nhuộm sử dụng trong thực phẩm có thể gây ra chứng hiếu động thái quá và các thay đổi hành vi ở trẻ em cũng như người trưởng thành.
An Nguyên – Benh.vn (Tổng hợp)