Xã hội phát triển, con người được hỗ trợ những vật dụng sinh hoạt hàng ngày từ thành tựu khoa học tiên tiến: máy giặt, máy rửa chén bát, máy đánh giày đến những đồ dùng sinh hoạt cho trẻ em như: nôi điện, máy bắt muỗi, máy hút sữa, bỉm… giúp cuộc sống đỡ vất vả hơn. Vì vậy, các bà mẹ nuôi con thời hiện đại có thời gian nghỉ dưỡng sức nhiều hơn sau cuộc vượt cạn.
Mục lục
Thay vì đêm đêm phải thức giấc thay tã cho con, bỉm được dùng trong khi ngủ giúp trẻ tránh ẩm ướt, giấc ngủ ngon hơn. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng hăm của trẻ, nhất là những trẻ được mẹ thường xuyên đóng bỉm bất kể ngày, đêm.
Làm cách nào để trẻ không bị hăm? Cách điều trị hăm trẻ em ra sao? Benh.vn sẽ cùng bạn đọc giải đáp thắc mắc này.
Tổng quan về hăm trẻ em
Hăm trẻ em rất thường gặp ở hầu hết các trẻ. Mặc dù không nguy hiểm nhưng hăm khiến giảm thẩm mỹ và có thể gây khó chịu cho bé.
Thế nào là bị hăm
Hăm là phản ứng của da, khi hệ thống bài tiết ở da bị bít kín, đổ mồ hôi nhiều mà không được thông thoáng khiến cho da bị tổn thương. Hoặc do trẻ quá mập, có cơ địa dị ứng, thói quen đóng tã bỉm nhiều với môi trường nóng ẩm sẽ làm cho trẻ mắc bệnh…
Trẻ bị hăm do da bị bít kín khiến da bị tổn thương (Ảnh minh họa)
Triệu chứng hăm trẻ em
- Các vết hăm có màu hồng nhạt, tạo vảy, mỏng đôi khi có mụn nước bóng nổi mẩn đỏ hoặc tấy lên do nhiễm trùng.
- Da bị mẩn đỏ, có thể gây đau đớn cho trẻ.
- Xuất hiện các vết loét.
- Vùng da bị hăm thường nóng hơn với những vùng da khác.
- Trẻ khó chịu, đặc biệt khi thay tã, hoặc lau vùng mặc tã cho trẻ.
- Các vết hăm thường xuất hiện ở vùng bụng, bộ phận sinh dục và trong các kẽ da ở đùi và mông.
Nguyên nhân gây hăm trẻ em
1. Do vi khuẩn: vi khuẩn trên da sẽ phát triển khi gặp môi trường thuận lợi như da bị bí và ẩm gây viêm kẽ.
2. Do nấm: nấm trên da khi gặp điều kiện thuận lợi như cơ thể suy dinh dưỡng, sức khỏe trẻ yếu hoặc dùng kháng sinh nhiều, da của trẻ không sạch, nấm sẽ phát triển.
3. Dị ứng do đóng bỉm quá chặt hoặc quá lâu: Đóng bỉm chặt hoặc quá lâu là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm phát triển gây viêm kẽ, viêm da ở trẻ. Hoặc dùng tã lót bằng vải mà sử dụng xà phòng giặt hoặc các sản phẩm giặt gây dị ứng.
Đóng bỉm quá lâu là nguyên nhân gây hăm ở trẻ (Ảnh minh họa)
Cách điều trị hăm cho trẻ bằng thuốc
- Dạng thuốc mỡ chống hăm như: Bepanthen, Penaten… có thể dùng thường xuyên vì thuốc mỡ có thể tạo một lớp màng bảo vệ da bé tránh tiếp xúc với phân và nước tiểu.
- Dạng thuốc kem có chứa kháng sinh hoặc chất kháng nấm: chỉ dùng khi vết hăm đã bị nhiễm trùng hoặc nhiễm nấm và dùng trong thời gian nhất định theo chỉ định của Bác sĩ.
- Dạng thuốc kem có chứa corticoid: chỉ được dùng khi có chỉ định của Bác sĩ và không dùng quá 7 ngày.
- Nếu cơ địa trẻ dị ứng: cần dùng thêm thuốc điều trị dị ứng cho trẻ.
- Sử dụng gel bôi Nano bạc như gel PlasmaKare No5 chính hãng có thể giúp trị hăm nhanh chóng và an toàn cho trẻ.
Bài thuốc dân gian chữa hăm cho trẻ từ lá chè xanh
- Mua lá chè xanh (khoảng một nắm loại lá già càng tốt)
- Rửa sạch lá chè xanh, sau đó đun sôi và cho vào vài hạt muối.
- Sau khi để nguội, dùng nước chè xanh rửa những chỗ hăm cho bé như: nách, bẹn, đít, các ngấn…
- Sau khi rửa xong, lấy khăn xô mềm nhẹ nhàng lau khô chỗ hăm cho trẻ.
- Rửa bằng nước chè xanh 3 đến 4 lần /ngày đến khi bé khỏi bệnh.
Dùng lá chè xanh chữa hăm cho trẻ (Ảnh minh họa)
Phòng chống hăm trẻ em
Để phòng chống hăm cho trẻ em, ngoài việc chú ý ăn mặc cho trẻ, cần chú ý cả chế độ dinh dưỡng.
1. Chế độ dinh dưỡng phòng chống hăm cho trẻ
- Cho trẻ uống đủ nước.
- Tập cho trẻ ăn nhiều rau xanh, trái cây khi trẻ biết ăn.
- Các bà mẹ đang cho trẻ bú cần bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất để cho trẻ có đủ chất dinh dưỡng trong sữa mẹ.
- Cho trẻ bú mẹ nhiều, giúp tăng cường sức đề kháng, ngăn ngừa nhiễm khuẩn.
2. Cách chăm sóc giúp phòng chống hăm cho trẻ
- Để các kẽ da của trẻ thoáng khí.
- Giữ da ở vùng có tã khô và sạch, thường xuyên thay tã cho trẻ.
- Hạn chế dùng bỉm, để da trẻ được tiếp xúc với không khí.
- Cho trẻ mặc các loại tã lót ít lớp, thoáng, chống tràn bằng những vải sợi cotton mềm mại, thấm mồ hôi.
- Nên sử dụng các loại xà phòng dành riêng cho trẻ nhỏ.
- Xoa lớp kem hoặc dầu mỏng để tạo màng bảo vệ cho da trẻ, đặc biệt là những vùng da nhiều nếp gấp.
- Tránh sử dụng các loại khăn ướt dùng một lần, chúng có thể gây kích ứng hoặc khô da trẻ.
- Không mang các loại tã quá chật cho trẻ, vì nó có thể chà mạnh lên da trẻ.
- Dùng nước sạch để vệ sinh da cho trẻ hàng ngày.
- Mùa hè, thỉnh thoảng cho trẻ cởi chuồng để da được thông thoáng.
Thường xuyên thay tã, bỉm cho trẻ (Ảnh minh họa)
Lời kết
Hăm là vấn đề thường gặp ở trẻ, làm cho trẻ khó chịu, giấc ngủ không yên, hay quấy khóc. Nguyên nhân gây bệnh từ nhiều lý do: vi khuẩn, nấm… nhưng một phần do cha mẹ thiếu kỹ năng chăm sóc con cái.
Để phòng tránh căn bệnh này, các bà mẹ lưu ý thường xuyên thay tã lót, lau khô da cho trẻ, nhất là các vùng khe, kẽ… sau khi trẻ đi tiểu, đi ị. Mặt khác, cần tăng cường sức đề kháng cho trẻ thông qua chất lượng tuyến sữa.