Chảy máu chân răng là dấu hiệu của một số bệnh răng miệng thường gặp. Nguyên nhân thường do các mảng bám răng không được loại bỏ kỹ, tạo điều kiện cho các loại vi khuẩn sinh sôi hay chỉ đơn giản là chải răng quá mạnh. Vệ sinh răng miệng sạch sẽ giúp phòng chống được hầu hết các bệnh về răng miệng thường gặp, bao gồm cả chảy máu chân răng.
Mục lục
Vậy vì sao lại bị chảy máu chân răng? Hãy cùng benh.vn tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Mắc bệnh nha chu
Nếu bạn để ý thấy máu chảy ra khi chải răng, đây rất có thể là dấu hiệu của bệnh nha chu hoặc viêm nướu. Vi khuẩn cư trú trong miệng thường tạo ra một lớp màng nhầy trên răng hay còn gọi là mảng bám răng. Lớp mảng bám này nếu không được loại bỏ bằng cách chải răng có thể khiến cho nướu bị sưng, đỏ và chảy máu.
Không đánh răng hoặc không dùng chỉ nha khoa
Cách hiệu quả nhất để phòng chống bệnh nha chu và ngăn chảy máu là luôn giữ cho răng miệng sạch sẽ. Làm theo các chỉ dẫn của nha sỹ như chải răng bằng loại kem đánh răng có chứa flo sau mỗi bữa ăn và trước khi ngủ, dùng chỉ nha khoa hằng ngày, súc miệng bằng nước súc miệng diệt khuẩn. Kiểm tra răng miệng định kỳ 2 lần/ năm để phát hiện sớm bệnh nha chu trước khi dẫn đến mất răng.
Có phải gần đây bạn thấy có một chút máu chảy ra từ nướu không? Sau một tuần nướu sẽ tự hồi phục, nhưng dùng chỉ nha khoa sẽ giúp ngăn nướu chảy máu trong tương lai.
Mắc bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường khiến cho cơ thể khó chống lại các loại vi khuẩn gây mảng bám tại miệng. Nướu chảy máu khi chải răng hoặc khi dùng chỉ nha khoa là một trong các dấu hiệu của bệnh nha chu do tiểu đường.
Răng giả không vừa
Răng giả giúp chúng ta có thể thưởng thức loại đồ ăn yêu thích và có một nụ cười tự nhiên hơn. Nhưng răng giả không vừa có thể tuột ra khỏi răng cọ vào nướu gây đau. Để giảm đau và sưng, hãy chườm ấm nướu và súc miệng bằng nước muối, tới ngay chỗ bác sỹ nha khoa để được gắn lại răng giả.
Lông bàn chải đánh răng quá cứng
Lông bàn chải đánh răng quá cứng có thể gây tổn thương nướu. Chảy máu nướu chính là một dấu hiệu của việc dùng bàn chải đánh răng lông cứng hoặc chải quá mạnh. Thay bàn chải đánh răng lông cứng bằng bàn chải đánh răng lông mềm và chải nhẹ nhàng để không làm tổn thương răng và nướu.
Hút thuốc
Những người hút thuốc có nguy cơ mắc bệnh nha chu cao gấp 2 lần. Các hóa chất trong thuốc lá có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, khiến răng miệng dễ bị nhiễm trùng hơn. Hút thuốc còn làm chậm quá trình hồi phục khỏi tổn thương của nướu. Hút thuốc càng nhiều khiến cho nướu bị tổn thương càng nhiều.
Một số loại thuốc
Thuốc chống đông máu như warfarin (Coumadin) có thể khiến cho bệnh nhân chảy máu dễ dàng (bao gồm cả nướu). Một số loại thuốc chống động kinh, hạ huyết áp, thuốc ức chế hệ miễn dịch cũng khiến cho nướu phát triển quá nhanh. Các mô nướu mới hình thành nhạy cảm hơn và dễ chảy máu hơn khi chải răng. Các loại thuốc chống trầm cảm, thuốc kháng histamine, thuốc hạ huyết áp còn gây khô miệng góp phần gây bệnh nha chu.
Mang thai
Bụng không phải là phần duy nhất trên cơ thể to ra khi mang thai. Sự thay đổi hóc môn khiến máu tới nướu nhiều hơn, nướu bị sưng lên, chuyển đỏ và dễ dàng chảy máu. Nướu cũng dễ bị tấn công hơn bởi vi khuẩn tại lớp mảng bám răng có thể gây bệnh viêm nướu thai kỳ. Chải răng và vệ sinh răng miệng đúng cách đặc biệt quan trọng trong 9 tháng mang thai. Tránh ăn nhiều đồ ngọt để bảo vệ răng và thai nhi.
Máu khó đông
Nếu bạn vô tình cắt vào tay, các tế bào máu hay còn gọi là các tiểu cầu sẽ lập tức di chuyển tới vết cắt và hình thành quanh vết thương một lớp màng để ngăn máu chảy. Những người bị rối loạn đông máu như rối loạn chảy máu khó cầm và bệnh Willebrand không thể tự hình thành lớp màng giúp cầm máu. Chảy máu nướu là một dấu hiệu của người mắc chứng máu khó đông. Điều trị chứng máu khó đông sẽ giúp ngăn chảy máu.
Mắc ung thư máu
Ung thư máu là loại ung thư hình thành tại các mô tạo máu như tủy xương. Ung thư máu là tình trạng cơ thể tạo quá nhiều các tế bào bạch cầu, số tế bào bạch cầu này lớn hơn số tế bào hồng cầu và tiểu cầu. Nếu không đủ số lượng tiểu cầu, máu không thể tự cầm lại một cách dễ dàng khiến cho nướu bị chảy máu. Các loại thuốc trong hóa trị liệu cũng có thể khiến cho số lượng tiểu cầu bị giảm góp phần khiến nướu bị chảy máu.
Quá căng thẳng
Căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tâm lý mà còn ảnh hưởng lâu dài đến trạng thái vật lý của cơ thể. Khi căng thẳng, cơ thể tạo ra những chất gây viêm và gây bệnh nha chu. Khi buồn và chán nản, chúng ta thường ăn nhiều đồ ngọt hơn, uống rượu nhiều hơn, hút thuốc nhiều hơn. Tất cả những thói quen xấu này đều khiến cho vi khuẩn trong miệng phát triển mạnh hơn.
Mắc bệnh xơ gan
Bệnh xơ gan là tình trạng gan bị xơ. Về lâu dài, gan mất khả năng tự bài tiết chất độc ra khỏi cơ thể. Một dấu hiệu của bệnh xơ gan là chảy máu, bao gồm chảy máu mũi và chảy máu nướu. Những triệu chứng khác là vàng da, vàng mắt, sụt cân và đau ở bên phải bụng (vị trí của gan).
Chảy máu nướu di truyền
Nếu bạn có mẹ hoặc bố hay anh, chị, em mắc các bệnh về nướu, rất có thể bạn cũng mắc các bệnh về nướu. Yếu tố di truyền không phải là số phận sắp đặt từ trước, bạn có thể đảo ngược quá trình này bằng cách chăm sóc răng miệng tốt và đến nha sỹ kiểm tra thường xuyên.