Hầu hết phụ nữ sau sinh đều mắc bệnh táo bón với mức độ nặng nhẹ khác nhau. Nguyên nhân là do thay đổi lối sinh hoạt và sinh lý
Táo bón sau sinh là “nỗi khổ” của các bà mẹ trẻ
– Hầu hết các sản phụ thường hạn chế đi lại, nằm nghỉ ngơi nhiều trên giường, nhu động ruột yếu đi, phân lưu lại ở ruột lâu gây tái hấp thụ nước, làm phân khô cứng lại gây táo bón.
– Các bà mẹ trẻ thường sợ đau khi đi tiểu nên kiêng kem không uống nước cũng làm tăng nguy cơ gây táo bón.
– Ngoài ra khi vượt cạn không chỉ tử cung bị kéo căng ra mà các bộ phận khác trong đó có trực tràng cũng bị ảnh hưởng. Khả năng co thắt của thần kinh ở vùng hậu môn kém hẳn đi.
Theo DS. Đỗ Khánh Ly có một số nguyên nhân sinh lý sau gây ra hiện tượng táo bón sau sinh:
– Phụ nữ ở thai kỳ cuối, vào thời điểm sắp sinh tử cung to, chèn ép các vùng kế cận trong đó có ruột kết, ruột hình chữ S và ruột thẳng khiến cho nhu động ruột bị giảm gây táo bón, thường gọi là “táo bón khi mang thai”.
– Trong thời gian thai kỳ, âm huyết tập trung để nuôi dưỡng thai nên đại tràng kém được nuôi dưỡng gây khô táo ruột mà sinh táo bón, ở những người mà triệu chứng táo bón xuất hiện từ những tháng cuối của thai kỳ thì sau khi sinh xong táo bón có nguy cơ nặng hơn.
– Phụ nữ sau sinh thường mất huyết, mất sản dịch nên cơ thể hư hao tân dịch, máu chưa kịp xuống nuôi đại tràng. Như trên đã đề cập trong thời kỳ thai lớn đại tràng đã kém được nuôi dưỡng đến khi sinh xong, khí huyết lại bị hư tổn nặng nề nên rất dễ dàng bị táo bón. Hiện tại Đông y cho rằng đây là nguyên nhân chủ yếu gây táo bón ở phụ nữ sau sinh và xếp nguyên nhân gây táo bón do khí huyết hư tổn, cơ thể suy nhược ở phụ nữ sau sinh vào loại “hư chứng”.
Những phụ nữ trước khi sinh hoặc khi chưa thai nghén mà thường xuyên bị táo bón do các nguyên nhân thực chứng như cơ thể thực nhiệt, đại tràng dài,…. thì nguy cơ bị táo bón sau khi sinh sẽ tăng lên rõ rệt, gây đau đớn khi đại tiện và cũng dễ rách hậu môn hay trĩ, rồi sa tử cung, sa trực tràng hơn những sản phụ bình thường.
Benh.vn