Hàng ngày tại phòng khám Tai Mũi Họng Bệnh viện Nhi Đồng 1 có 1 đến 2 trẻ được đưa đến khám bệnh vì lý do có tiền căn chảy máu mũi. Đây là một triệu chứng ít gặp nên các bố mẹ thường hay lúng túng vậy làm thế nào để xử lý vấn đề này
Mục lục
Nguyên nhân trẻ bị chảy máu mũi
Chảy máu mũi là triệu chứng của nhiều bệnh, ở trẻ em triệu chứng này thường gặp trong các bệnh lý sau:
Nhóm nguyên nhân thường gặp
– Viêm mũi xoang.
– Nhỏ thuốc mũi quá liều khiến mao mạch của bé co mạnh gây ra chảy máu
– Thời tiết lạnh khô khiến các mạch máu nhỏ nằm ở phía dưới trước của vách ngăn thành mũi bị vỡ
– Chảy máu mũi vô căn: đây là nguyên nhân thường gặp nhất chiếm trên 90%, lành tính nhất, tuy nhiên bệnh hay lặp đi lặp lại do vậy thường làm các bậc phụ huynh rất lo lắng.
Nhóm nguyên nhân ít gặp hơn
– Dị vật mũi: thường kèm theo thối mũi và chảy mũi, nghẹt mũi một bên.
– Một số bệnh lý huyết học: xuất huyết giảm tiểu cầu, suy tủy, bệnh thiếu các yếu tố đông máu.
Nhóm nguyên nhân hiếm gặp
– Các loại u: u máu vách ngăn hoặc trên cuốn mũi hoặc trong hố mũi, u ác tính xoang hàm, u xơ vòm mũi họng.
– Một số bệnh lý dị dạng mạch máu mũi, suy dinh dưỡng.
Bạn cần làm gì khi trẻ bị chảy máu mũi?
Trong đa số các trường hợp các bậc phụ huynh vô lo lằng khi thấy trẻ bị chảy máu mũi, nên bối rối không biết xử lý như thế nào.
Sau đây là một số bước xử lý ban đầu trước trước khi đưa trẻ đi bệnh viện:
Xác định bên chảy máu: lau sạch cửa mũi trước hai bên, cho trẻ cúi người về phía trước bạn sẽ dễ dàng xác định được bên chảy máu.
Cầm máu: vì đa số là do chảy máu mũi vô căn do vỡ điểm mạch mũi trước nên bạn chỉ cần cho trẻ nằm nghỉ và dùng ngón tay trỏ đè cánh mũi vào vách ngăn trong 10 phút điểm mạch sẽ tự ngưng chảy máu. Tuyệt đối dặn dò kỹ không cho trẻ nuốt máu vào bụng vì hậu quả sẽ gây nôn ói làm nặng thêm tình trạng của bệnh. Nếu máu có chảy xuống họng bạn cho trẻ nằm nghiêng và dùng lưỡi lùa máu ra mỗi 2-3 phút để theo dõi lượng máu mất.
Nếu sau 10 phút máu vẫn còn chảy, bạn nên đưa trẻ đi bệnh viện ngay
Cách phòng ngừa chảy máu mũi cho trẻ
Đa số các trường hợp đều khó có thể phòng ngừa được do diễn tiến tự nhiên của bệnh hoặc do không tìm thấy nguyên nhân. Tuy nhiên bạn cũng có thể giúp trẻ phòng ngừa được trong một số trường hợp bệnh lý viêm nhiễm, di vật, suy dinh dưỡng bằng cách:
- Giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ thật tốt.
- Giáo dục trẻ phòng tránh tiếp xúc với các vật có kích thước nhỏ dễ trở thành dị vật.
- Cho trẻ chế độ dinh dưỡng phù hợp.
Theo dõi sát tình trạng sức khoẻ của trẻ và đưa trẻ đi khám sức khoẻ theo định kỳ hoặc theo lịch hẹn theo dõi của bác sĩ.
Bs Nguyễn Trương Khương – BV Nhi đồng 1