Ung thư vòm họng là một trong những bệnh ung thư phổ biến hiện nay và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh. Nguyên nhân ung thư vòm họng xuất phát từ sự phối hợp của nhiều yếu tố khác nhau, khiến việc phòng ngừa trở nên khó khăn và phức tạp hơn.
Mục lục
Ung thư vòm họng là bệnh gì?
Ung thư vòm họng thuộc nhóm ung thư đầu – cổ, là bệnh ác tính phổ biến nhất tại vòm họng. Ung thư vòm họng có nhiều thể như ung thư biểu mô tế bào vảy, ung thư biểu mô tuyến nang, chế ngày, thể hỗn hợp,…
Bệnh xuất hiện trên toàn thế giới nhưng đặc hữu ở Châu Á và một số vùng ở Châu Phi. Tại Việt Nam, ung thư vòm họng là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất với tỷ lệ lên tới 12 %.
Triệu chứng của bệnh ung thư vòm họng:
- Đau họng kéo dài, nghẹt mũi một bên, chảy máu cam, rối loạn khứu giác.
- Suy giảm thính lực, ù tai, nhiễm trùng tai giữa tái phát, tràn dịch tai giữa.
- Nổi những hạch bất thường ở khu vực vòm họng kèm theo đau nửa đầu.
- Nổi hạch bất thường dưới cổ, hàm quanh khu vực vòm họng. Các hạch thượng đòn là hạch cuối cùng bị ảnh hưởng của ung thư vòm họng và là dấu hiệu bệnh đang tiến triển.
- Nhức đầu, sốt nhẹ, thiếu máu và sụt cân.
- Có dấu hiệu rối loạn cảm giác và đau nhức liên quan đến dây thần kinh tiền đình – ốc tai, mặt và thần kinh ngoại biên.
Nguyên nhân ung thư vòm họng phổ biến
Căn nguyên chính xác của ung thư vòm họng chưa được xác định chính xác. Tuy nhiên, ung thư vòm họng được cho là tiến triển từ sự tương tác phức tạp giữa tính nhạy cảm di truyền và các yếu tố như nhiễm virus, lối sống,… Cơ chế tác động của các yếu tố này đến từ sự tăng giải phóng cytokine gây tiến triển viêm. Cụ thể:
Nhiễm virus gây tiến triển ung thư vòm họng
Nhiễm virus Epstein-Barr (EBV) được coi là nguyên nhân ung thư vòm họng hàng đầu. Ngoài ra, cũng đã có nghiên cứu về sự thúc đẩy bệnh ung thư vòm họng khi mắc virus HPV.
Virus Epstein-Barr (EBV)
Nhiễm virus Epstein-Barr rất phổ biến ở cả trẻ em và người lớn và thường ít có triệu chứng. Hoạt động gây ung thư của EBV được bộc lộ qua những tác động quan trọng lên bộ gen của vật chủ, làm thay đổi cấu hình di truyền và gây ra sự mất ổn định gen. Điều này kích thích giải phóng cytokine ức chế miễn dịch để tránh sự nhận diện của hệ miễn dịch với các tế bào nhiễm virus. Ngoài ra, EBV còn có thể tạo ra các tế bào có đặc tính giống tế bào gốc trong tế bào khối u của ung thư vòm họng.
Virus HPV
HPV được biết đến rộng rãi là virus gây ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, một lượng không nhỏ các trường hợp ung thư biểu mô vòm họng không sừng hóa có liên quan đến tình trạng nhiễm trùng HPV.
Quá trình stress oxy hóa xảy ra thúc đẩy sự phát triển của virus và sự tích hợp vật liệu di truyền của virus vào bộ gen của vật chủ. Sự phối hợp của virus HPV và quá trình này có thể khởi đầu và thúc đẩy quá trình ung thư vòm họng tiến triển.
Đặc điểm di truyền liên quan đến ung thư vòm họng
Ngoài yếu tố chính là virus Epstein-Barr (EBV), các đặc điểm di truyền cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bệnh ung thư vòm họng:
- Đặc điểm di truyền theo nhân khẩu học: Ung thư vòm họng có tỷ lệ mắc bệnh lớn nhất ở người Trung Quốc, đồng thời cũng có tỷ lệ lớn ở Châu Á, châu Phi. Trong khi đó, chỉ có số ít người ở châu Âu mắc bệnh.
- Gen gây ung thư: Gen LMP1 là gen được nghiên cứu nhiều nhất khi xác định nguyên nhân ung thư vòm họng. LMP1 phối hợp với EBV gây ra những biến đổi di truyền và thúc đẩy khả năng hình thành ung thư vòm họng.
- Gen đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của bệnh: Bao gồm các gen HLA lớp I, TP53 và MDM2 (gen kiểm soát chu kỳ tế bào), MMP2 (gen di chuyển/kết dính tế bào) và RAD51L1 (gen sửa chữa DNA). Tuy nhiên, những nghiên cứu về các gen này còn hạn chế và chưa đưa ra được nhiều kết luận có ý nghĩa trên lâm sàng.
Yếu tố về lối sống góp phần tiến triển ung thư vòm họng
Tuy chưa xác định được cơ chế chính xác nhưng một số yếu tố về lối sống sau đây cũng gây nguy cơ mắc ung thư vòm họng cao:
- Hút thuốc lá (làm tăng nguy cơ gấp 2 đến 6 lần)
- Uống nhiều rượu
- Ăn nhiều thực phẩm chứa Nitrosamine như thực phẩm hun khói (cá, thịt, xúc xích, lạp xưởng hun khói), thực phẩm lên men (dưa muối, cà muối, kim chi,…), thịt muối,…
Yếu tố nguy cơ khác gây ung thư vòm họng
Một số yếu tố khác cũng gây tỷ lệ mắc ung thư vòm họng cao như sau:
- Giới tính nam: Nguy cơ mắc bệnh ở nam giới cao hơn nữ giới.
- Tuổi tác: Bệnh ung thư vòm họng xuất hiện phổ biến nhất ở người từ 40 đến 60 tuổi.
- Tiền sử gia đình: Những người có tiền sử gia đình mắc ung thư vòm họng có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Môi trường làm việc: nhiều bụi gỗ, chất hóa học như formaldehyde,…
- Dùng thuốc: Một số thuốc như Simvastatin, Aspirin, Tetracycline đã được tìm ra là có thể kích thích cơ chế tự chết của tế bào và làm tăng khả năng hình thành khối u ác tính.
Ung thư vòm họng có nguy hiểm không?
Tương tự như các bệnh ác tính khác, ung thư vòm họng là một bệnh nguy hiểm và có thể dẫn đến tử vong. Việt Nam có tỷ lệ mắc ung thư vòm họng khá cao so với những loại ung thư khác và với những quốc gia, vùng lãnh thổ khác trên thế giới. Nếu phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, tỷ lệ sống còn sau 5 năm có thể lên tới 70%. Tuy nhiên, đa phần các trường hợp được phát hiện đã ở giai đoạn cuối. Ung thư vòm họng gây tỷ lệ tử vong cao nếu phát hiện ở giai đoạn muộn do ở giai đoạn này, việc điều trị thường rất khó khăn.
Ung thư vòm họng thường di căn đến não, hạch và gây tác động xấu đến sức khỏe và nhận thức của người bệnh. Tuy nhiên, bệnh ít khi di căn xa, chủ yếu là tại gan và phổi. Những tác động đến sức khỏe của ung thư vòm họng:
- Viêm tai giữa tràn dịch, suy giảm và mất thính giác hoàn toàn.
- Tắc nghẽn đường thở.
- Khó nuốt, cứng hàm ảnh hưởng đến ăn nhai và gây suy dinh dưỡng.
- Các bệnh thần kinh sọ não, đặc biệt là liệt dây thần kinh sọ não gây khuyết tật về vận động và suy giảm nhận thức không hồi phục.
- Rối loạn nội tiết do rối loạn chức năng tuyến giáp và tuyến yên.
Hậu quả của những tác động này có thể không hồi phục kể cả khi người bệnh đã được điều trị hoàn toàn khối u ác tính. Bên cạnh đó, ung thư vòm họng có thể tái phát ở vòm họng hoặc ở những cơ quan khác của cơ thể. Hầu hết các đợt tái phát xảy ra trong vòng 5 năm kể từ khi điều trị, tuy nhiên ung thư vòm họng tái phát có thể lâu xuất hiện hơn nếu người bệnh được chăm sóc tốt.
Cách phòng ngừa bệnh ung thư vòm họng
Để phòng tránh căn bệnh này, tốt nhất bạn cần loại bỏ tối đa những nguyên nhân ung thư vòm họng có thể gặp. Những cách phòng ngừa được khuyến cáo bao gồm:
- Cai thuốc lá, hạn chế tối đa việc uống rượu bia và những thức uống có cồn khác.
- Tránh ăn đồ muối, đồ lên men chua và các loại thực phẩm xông khói.
- Bảo vệ cổ họng khỏi các bệnh viêm họng, viêm amidan, giữ ấm họng khi thời tiết chuyển lạnh.
- Xây dựng chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tăng cường tập thể dục, thể thao để cải thiện hệ miễn dịch của cơ thể.
- Không dùng chung đồ dùng cá nhân như khăn mặt, cốc uống nước, thức ăn và thức uống với người khác.
- Thực hiện các biện pháp bảo hộ an toàn khi quan hệ tình dục.
- Tiêm vaccine phòng ngừa virus HPV.
Khi nào cần đi tầm soát ung thư vòm họng?
Việc phát hiện sớm là yếu tố quyết định tỷ lệ sống còn và hiệu quả điều trị của bệnh ung thư vòm họng. Tuy nhiên, như đa số các bệnh ung thư khác, biểu hiện của ung thư vòm họng thường không rõ ràng và chỉ phát hiện được ở giai đoạn cuối.
Dù vậy, bạn nên đến các cơ sở y tế để tầm soát bệnh và điều trị sớm nhất có thể khi gặp các biểu hiện nghi ngờ là dấu hiệu của ung thư vòm họng sau đây:
- Đau họng, nghẹt mũi kéo dài, dùng thuốc điều trị không hiệu quả từ 1 tuần trở lên.
- Nghe và nói khó khăn hơn.
- Có dấu hiệu khó thở.
- Nổi hạch quanh vòm họng kèm đau nửa đầu.
- Chảy máu cam không rõ nguyên nhân.
Tóm lại, việc phòng ngừa và phát hiện sớm ung thư vòm họng là rất quan trọng. Vì vậy, bạn cần nắm rõ nguyên nhân ung thư vòm họng và những yếu tố nguy cơ khác để có thể hạn chế tối đa sự khởi phát và tiến triển của bệnh.